Nga thua hay thắng ở Karabakh?

Từng có ý kiến cho rằng Nga có thể và nên có quyết tâm mạnh mẽ hơn và sử dụng nhiều sức mạnh hơn để hậu thuẫn cho Armenia

Nga khẳng định vai trò

Ngày 17/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định thành tựu quan trọng nhất của Mosscow là ngăn chặn đổ máu trong xung đột Nagorny-Karabakh và nêu quan điểm về việc công nhận độc lập Karabakh, một tuần sau khi Azerbaijan, Armenia và Nga ký "thỏa thuận đình chiến hoàn toàn".

Trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Thành tựu quan trọng nhất là ngăn chặn đổ máu... Tôi tin rằng thực tế là các hành động thù địch đã chấm dứt. Việc các bên đã đồng ý mở đường và khôi phục quan hệ kinh tế là điều cực kỳ quan trọng và tạo cơ sở tốt để bình thường hóa quan hệ trong dài hạn”.

Nói về tương lai của Karabakh, Tổng thống Putin nhất trí "giữ nguyên hiện trạng và những gì xảy ra tiếp theo sẽ được quyết định bởi các nhà lãnh đạo tương lai và các bên tham gia quá trình này trong tương lai”. Tuy nhiên, ông cho biết: “Về việc công nhận hay không công nhận Karabakh là một quốc gia độc lập, có thể có những cách tiếp cận khác nhau, nhưng chắc chắn đây là một yếu tố quan trọng”.

Tổng thống Nga V. Putin

Tổng thống Nga V. Putin

Trước đó, ngày 10/11, các nhà lãnh đạo Nga, Armenia và Azerbaijan đã thông qua tuyên bố chấm dứt các hành động thù địch và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình dọc theo đường giới tuyến và dọc theo hành lang Lachin nối Armenia và Nagorny-Karabakh. Sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Nagorny-Karabakh sẽ kéo dài 5 năm và có thể tự động gia hạn thêm 5 năm, trừ khi một trong các bên tuyên bố 6 tháng trước khi hết thời hạn về ý định chấm dứt điều khoản này. Azerbaijan sẽ giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Aghdam, Gazakh, Kelbajar và Lachin.

Theo giới phân tích, sau khi thu xếp thỏa thuận hòa bình, Nga dường như đã có thể ngồi vào vị trí dẫn dắt địa chính trị tại khu vực Nam Caucasus có giá trị chiến lược và cũng là mục tiêu tranh giành của các bên. Thỏa thuận do Moscow soạn thảo cho phép triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tại Nagorny-Karabakh.

Các khu vực này sẽ được phân chia thành hai vùng, phía Bắc và phía Nam, theo một bản đồ do Bộ Quốc phòng Nga phát hành. Nga cũng sẽ mở hai tuyến hành lang giao thông, một từ Armenia tới Nagorny-Karabakh, và một từ Azerbaijan xuyên qua lãnh thổ Armenia tới khu tự trị Nakhchivan.

Thỏa thuận ba bên đã loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên của Nhóm Minsk là Mỹ và Pháp, đặt ra một dấu mốc mới cho vị thế “bá chủ” của Nga tại khu vực, qua đó đảo ngược lại xu thế ủng hộ NATO tại cả Yerevan và Baku trước cuộc xung đột. Thỏa thuận này cũng có thể sẽ tác động tới các kế hoạch của Gruzia trong nỗ lực trở thành thành viên của NATO trong tương lai gần.

Giới phân tích đặc biệt lưu ý việc Nga đã đẩy lui nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nagorny-Karabakh, kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ bằng vai trò quan sát viên. Nhờ vậy, Nga gần như sẽ ít phải chịu sự cạnh tranh của Thổ Nhĩ Kỳ hơn so với tình trạng đang diễn ra tại Syria và Libya.

Nga triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình tại khu vực Karabakh

Đối với Armenia, nước này không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút lại khuynh hướng ủng hộ phương Tây trước đây, đồng thời gia tăng mối quan hệ với Nga. Sự hỗ trợ của Nga sẽ mang tính quyết định đối với sự sinh tồn của những người Armenia còn lại ở Nagorny-Karabakh, 1/3 trong số đó là ở thành phố có giá trị địa chiến lược Shusha đã bị rơi vào tay quân đội Azerbaijan.

Đối với Azerbaijan, Nga trên thực tế đã giúp Baku thoát khỏi “cơn đau đầu” trong tương lai đối với các khu vực có người Armenia sinh sống tại Nagorny-Karabakh. Giờ đây, Nga sẽ có một căn cứ quân sự đặt ngay tại Nagorny-Karabakh, cùng với các căn cứ khác trên khắp Caucasus, bao gồm tại Armenia, Abkhazia và Nam Ossetia.

Những tổn thất đối với Nga

Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra rằng việc can dự trực tiếp vào một cuộc xung đột phức tạp sẽ khiến Nga phải trả một cái giá đắt. Có ý kiến nhận định cuộc chiến ở Karabakh đã phần nào “hủy hoại niềm tin và uy tín” của Nga. Những dàn xếp hậu xung đột của Nga có đủ để bù lại cho vốn liếng địa chính trị đã đầu tư cho cuộc chiến này hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Nga sẽ bảo vệ hành lang trọng yếu Lachin, nhưng giới phân tích lại hoài nghi về con đường nối Nakhchivan với Azerbaijan như cam kết. Người Armenia đã thể hiện sự giận dữ đối với thỏa thuận hòa bình đạt được. Bản thân Nga cũng phải cảnh giác trước nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng tuyến đường này để tăng cường hiện diện tại khu vực.

Bản đồ triển khai lực lượng ở khu vực Karabakh do Bộ Quốc phòng Nga phát hành

Từng có ý kiến cho rằng Nga có thể và nên có quyết tâm mạnh mẽ hơn và sử dụng nhiều sức mạnh hơn để hậu thuẫn cho Armenia, và rằng Nga đã để lại hậu quả khi trao nhiều lãnh thổ cho Azerbaijan. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đánh giá cao các động thái của Nga như việc Moscow sử dụng Không quân Tầm xa tuần tra trên bầu trời khu vực giao tranh ở Biển Caspi có vẻ như đã đóng một vai trò trực tiếp trong quyết định của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tạm ngưng các chiến dịch sau khi chiếm được Shusha, nơi rất gần thành phố lớn nhất tại Nagorny-Karabakh là Stepanakert.

Người tị nạn Armenia chuẩn bị trở lại thủ phủ Stepanakept ở Nagorny-Karabakh

Truyền thông quốc tế đã gọi các động thái của Nga ở Nagorny-Karabakh là “trò chơi chờ đợi”. Trong khi Nga được cho là đã “hưởng lợi” với quyền triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình thì Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế đã “chen chân” vào khu vực Nam Caucasus. Trong tương lai, Nga có thể phải chứng kiến vũ khí hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, cũng như các hỗ trợ khác, tiếp tục được rót cho Azerbaijan. Lần đầu tiên sau hơn 100 năm, Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào những gì đang diễn ra trên các vùng lãnh thổ vốn được coi là “độc quyền” của Nga.

Không ít ý kiến hoài nghi về thực tế Nga đang suy yếu và có thể không còn đủ lực lượng cho một cuộc xung đột quân sự tiếp theo. Cách suy luận này được mang ra để giải thích cho việc Nga đành “để mặc” cho Armenia thua trận trước Azerbaijan.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-thua-hay-thang-o-karabakh-3422746/