Nga – Thổ Nhĩ Kỳ thắt chặt tình hữu nghị, Mỹ sẽ bất mãn?

Ngày 10/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Istanbul, bắt đầu chuyến thăm đầu tiên tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc khủng hoảng bùng phát hồi tháng 11 năm ngoái.

Tại đây, ông Putin sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tham dự Hội nghị năng lượng thế giới tổ chức tại Istanbul. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chấp nhận lời xin lỗi từ phía Istanbul liên quan đến cái chết của phi công lái máy bay ném bom Su-24 của Nga bị Không quân nước này bắn hạ vào tháng 11/2015.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Edorgan

Hãng tin RT của Nga cho biết các chuyên gia và các nhà phân tích chính trị rất trông mong kết quả các cuộc đàm phán sắp tới.

Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên nguội lạnh kể từ cuối tháng 11 năm ngoái khi Ankara từ chối đưa ra lời xin lỗi Nga liên quan đến vụ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 ở Syria. Tuy nhiên, cuối tháng sáu vừa qua, người đứng đầu điện Kremli–ông Putin đã tuyên bố bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chính thức xin lỗi về vụ việc trên.

Trả lời phỏng vấn với hãng tin RT, ông Vladimir Avatkov, giáo sư của Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, đồng thời là giám đốc Trung tâm nghiên cứu phương Đông, khoa quan hệ quốc tế và ngoại giao công, cho biết: Chủ đề chính của cuộc đàm phán giữa ông Putin và ông Erdogan sẽ xoay quanh tình hình Syria và các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng.

Ông nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ nằm gần Syria và Iraq nên không phận nước này rất bất ổn. Do đó chuyến đi của Tổng thống Putin ngày 10/10 cho thấy tầm quan trọng trong mối quan hệ của Nga với nước Cộng hòa này. Do trước đây Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm chính sách trong mối quan hệ với Nga liên quan đến Syria, nên giờ đây vấn đề then chốt của cuộc đàm phán chính là mức độ hai nước tìm thấy điểm chung về vấn đề an ninh, địa chính trị gắn với việc giải quyết tình hình Syria.

Ông Avatkov cũng cho biết thêm rằng một điểm quan trọng nữa đối với việc bình thường hóa quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là phục hồi việc hợp tác xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Việc giải quyết vấn đề kinh tế này liên quan chặt chẽ đến địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ bởi nước này đang có tham vọng trở thành một trung tâm quyền lực Trung Đông.

Tuy nhiên các nhà phân tích cảnh báo, quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước này có thể gây bất mãn với các quốc gia khác, mà đặc biệt là Hoa Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Obama

Ông Vladimir Avatkov đi đến kết luận: “Hoa Kỳ không có thái độ tích cực đối với sự ấm lên trong quan hệ giữa hai nước Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ đã lo lắng về mối quan hệ này từ trước khi xảy ra vụ bắn rơi máy bay Su-24, khi một số nước đã áp đặt các biện pháp chống lại Nga, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thì không. Hoa Kỳ ngày càng tỏ ra không hài lòng với các chính sách của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này trở nên độc lập hơn và không còn là cánh tay phải của Mỹ ở trong khu vực Trung Đông”.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình RT, cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Yasar Yakis cho biết, việc hai nhà lãnh đạo chọn địa điểm đàm phán Hội nghị Năng lượng thế giới tại Istanbul là hoàn toàn không phải là tình cờ.

Ông Yakis nhận xét:“Hai bên không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội gặp gỡ nào, và hội nghị thượng đỉnh về năng lượng ở Istabul là một nền tảng tốt cho hai quốc gia có dự án chung trong lĩnh vực này. Cuộc họp này sẽ giúp hiện thực hóa dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ông này cũng đồng ý với quan điểm cho rằng việc ấm lên trong quan hệ hai nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Washington, đặc biệt là đối với thỏa thuận Nga –Mỹ về Syria.

Nhà ngoại giao đi đến kết luận: Lý do Hoa Kỳ không hoan nghênh mối quan hệ này là nó có thể tạo ra xung đột giữa Ankara với các nước thành viên NATO. Tuy nhiên Mỹ không thể can thiệp vào quá trình đàm phán giữa hai quốc gia này.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trien-vong-moi-trong-quan-he-nga-tho-nhi-ky-post211133.info