Nga, Thổ Nhĩ Kỳ khánh thành đường ống dẫn khí dài gần 1000 km qua Biển Đen

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 8/1 đã dự buổi lễ khánh thành dự án đường ống dẫn khí đốt 'Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ' (TurkStream).

 Hai nhà lãnh đạo đã tiến hành mở van tượng trưng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai nhà lãnh đạo đã tiến hành mở van tượng trưng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Serbi Alexanderar Vucic và Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov cũng tham dự buổi lễ được tổ chức tại thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu tại lễ, Tổng thống Nga Putin lưu ý rằng đây là sự kiện quan trọng không chỉ đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn đối với toàn bộ lục địa châu Âu.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định việc thực hiện thành công dự án chung quy mô lớn “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” chứng tỏ rõ ràng rằng mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang thành công, mang lại kết quả rõ rệt và hữu hình.

Đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" dài gần 1.000km, gồm 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt, mỗi tuyến ống có khả năng cung cấp 15,7 tỷ m3 khí mỗi năm, có tổng vốn đầu tư khoảng 15,5 tỷ euro (khoảng 17,2 tỷ USD).

Một tuyến ống của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa khí đốt trực tiếp từ Nga qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ, và một tuyến ống khác sẽ chạy qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đến biên giới phía tây, vận chuyển khí đốt đến các nước vùng Nam và Đông Nam của châu Âu.

Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu được lên kế hoạch đưa vào sử dụng tháng 12/2016, tuy nhiên đã bị dừng lại vào tháng 10/2015 do cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài giữa Ankara và Moscow. Cuối cùng dự án đã được khởi động trở lại vào tháng 9/2016.

Tập đoàn Gazprom đánh giá Hy Lạp, Italia, Bulgaria, Serbia và Hungary là thị trường khí đốt tiềm năng của Nga.

Bulgaria đã bắt đầu nhận khí đốt của Nga thông qua tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 1/1 vừa qua. Đường ống này sẽ cung cấp cho Bulgaria 2,9 tỷ m3 khí đốt Nga mỗi năm.

Theo kế hoạch, Bắc Macedonia và Hy Lạp bắt đầu nhận khí đốt của Moscow từ ngày 5/1 thông qua trạm nén khí của Strandja-2 tại Bulgaria.

Ukraine luôn phản đối dự án này của Nga vì cho rằng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ còn nguy hiểm hơn cả Dòng chảy phương Bắc 2, vì sau khi đưa vào vận hành toàn bộ đường ống thì Ukraine cuối cùng sẽ bị mất chức năng là quốc gia trung chuyển khí đốt của Nga.

Theo lập luận của Ukraine, dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 không thể cung cấp khí đốt cho người mua từ Nam Âu, yếu tố này khiến Ukraine vẫn còn cơ hội duy trì phần lớn hệ thống quá cảnh khí đốt. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành toàn bộ hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, khí đốt của Nga sẽ được cung cấp đến Italia, Pháp và các nước vùng Balkan.

Mới đây, sau nhiều lần đàm phán, Ukraine và Nga đã chính thức ký thỏa thuận vận chuyển khí đốt vào tối 30/12 (theo giờ địa phương), đúng 24 giờ trước khi thỏa thuận hiện hành hết hiệu lực vào ngày hôm nay (31/12).

Thỏa thuận mới sẽ có thời hạn 5 năm nhằm đảm bảo việc trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine tới châu Âu.

Hợp đồng này sẽ đảm bảo khối lượng trung chuyển tối thiểu ở mức 65 tỷ m3 khí trong năm 2020 và 40 tỷ m3 khí mỗi năm từ 2021-2024. Sau khi đáo hạn, hợp đồng này có thể được gia hạn tới 10 năm.

Thanh Tú

Theo Sputnik

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nga-tho-nhi-ky-khanh-thanh-duong-ong-dan-khi-dai-gan-1000-km-qua-bien-den-20180504224233438.htm