Nga-Thổ khó tránh xung đột trong rối rắm...

Những mâu thuẫn ngày càng lớn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá nhiều khả năng sẽ phát triển thành xung đột trực tiếp.

"Bất chấp các mâu thuẫn đang tồn tại mà chúng ta có thể quan sát tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, Tổng thống Erdogan đã cho thấy đất nước này có tương lai và nhiều quốc gia láng giềng, bao gồm cả Nga, sẽ phải tính đến những tuyên bố địa chính trị của Ankara".

Nhận định trên được ông Dmitry Ruschin - Phó Giáo sư Khoa Lý thuyết và Lịch sử Quan hệ quốc tế tại Đại học St. Petersburg (SPbSU) đưa ra trong cuộc phỏng vấn với EADaily. Theo vị chuyên gia phân tích, giới lãnh đạo hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi một chính sách khó lường đồng thời họ còn tỏ ra rất cứng rắn.

“Họ rất khéo léo trong việc sử dụng kinh nghiệm thu được trong quá trình phát triển lịch sử của mình. Bây giờ, cứ như ở thế kỷ 19, Thổ Nhĩ Kỳ rất linh hoạt trong việc tận dụng quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới".

"Ví dụ, Đế chế Ottoman và Nga đã chiến đấu với nhau, nhưng sau đó St.Petersburg giúp Istanbul trong cuộc nổi dậy ở Ai Cập để bảo vệ lợi ích của mình trong mối quan hệ với Anh và Pháp. Và sau đó, Anh cùng Pháp lại trở thành đồng minh của Ottoman”, ông Ruschin nhớ lại.

Ngoài ra ông Dmitry Ruschin lưu ý rằng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại - Tổng thống Erdogan, đã trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên rất khéo léo xây dựng quan hệ với Washington.

“Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO nhưng không sợ Mỹ mà hiểu rõ những gì có thể và không thể làm. Ankara thực sự hành động rất khéo léo khi chạm tới các giới hạn nhưng không bao giờ vượt qua chúng", Phó giáo sư Đại học St. Petersburg lưu ý.

Theo quan điểm của ông Ruschin, bất chấp một số phương tiện truyền thông thổi phồng Tổng thống Erdogan, rõ ràng là cả một đội ngũ quan chức và chính trị gia đang làm việc khá chuyên nghiệp vì lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tất nhiên không chỉ riêng ông Erdogan - người đã rất khéo léo bảo vệ lợi ích của mình, đạt được những kết quả tích cực nhất định trong chính sách đối ngoại. Cả một nhóm làm việc ở đó, giúp thúc đẩy lợi ích của toàn quốc gia".

"Ngoài ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, cái gọi là phe đối lập có hệ thống, đại diện trong quốc hội, chiếm một vị trí khá mạnh, điều này có thể khuyến khích Erdogan và những người ủng hộ ông hành động nhiều hơn nữa”, chuyên gia lưu ý, đồng thời chỉ ra rằng giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn nhiều vấn đề.

Chúng bao gồm quan hệ căng thẳng với Liên minh châu Âu và nền kinh tế yếu kém. Theo thời gian, tỷ giá không ổn định của đồng Lira làm rõ vấn đề sau này. Tuy nhiên theo ông Ruschin, Ankara vẫn theo đuổi chính sách quyết liệt ở Syria, Libya, và cả Nagorno-Karabakh.

“Giờ đây Ankara đang định vị mình là đối tác cấp cao của Azerbaijan. Người Thổ Nhĩ Kỳ theo quan điểm của tôi là rất khôn ngoan, họ không quan tâm đến việc đơn giản là củng cố vị trí của Baku trong khu vực".

"Việc Azerbaijan giành chiến thắng là điều có lợi cho họ, nhưng chỉ ở mức vừa phải để không phải là chiến thắng của người khác. Đến lượt mình, Ankara sẽ đánh dấu sự hiện diện trong khu vực bằng một căn cứ quân sự và nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ Nam Kavkaz".

"Ngoài ra Tổng thống Erdogan cũng đang phát biểu về một số khu vực khác. Rất có thể bằng cách này, ông ta muốn trở thành một người thống nhất các dân tộc Turkic và một nhà lãnh đạo Hồi giáo trên quy mô toàn cầu".

"Thật kỳ lạ, cuộc đụng độ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga có nghĩa là sự hỗ trợ tự động cho Ankara từ Washington, và đây cũng là một thủ thuật của họ", nhà khoa học chính trị bình luận.

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối đầu quân sự trực diện

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối đầu quân sự trực diện

Khi được hỏi liệu một cuộc chiến tranh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra trong tương lai hay không, nhất là Tổng thống Erdogan đã công khai tuyên bố Crimea không thuộc về Moskva, ông Ruschin cho rằng điều đó rất khó tránh khi Ankara đứng sau Azerbaijan còn Nga hỗ trợ Armenia.

“Tôi hy vọng rằng sẽ không xảy ra chiến tranh. Bởi trước tiên Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan phải hiểu rằng nếu họ tấn công Armenia, điều này sẽ dẫn đến sự can thiệp của Nga thông qua CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể)".

"Thứ hai, châu Âu và Mỹ - cũng như Nga, không quan tâm đến việc củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực Kavkaz", ông Ruschin nói.

Ông Ruschin còn nêu vấn đề chính của Nga là sự thụ động trong không gian hậu Xô Viết: “Nếu đất nước của chúng ta không thể chủ động tác động đến tình hình, thì các nhân tố khác sẽ xuất hiện bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, những nước mà lợi ích của họ phải được tính đến".

"Chúng ta phải học cách bảo vệ lợi ích của mình một cách nhất quán ở các vùng lãnh thổ tiếp giáp với nước Nga”, vị chuyên gia kết luận.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-tho-kho-tranh-xung-dot-trong-roi-ram-3421970/