Nga thiết lập tiền đồn quân sự nửa thế kỷ ở Syria

Quốc hội Nga đã phê chuẩn Hiệp định để Nga mở rộng trạm hậu cần kỹ thuật ở Tartus của Syria thành căn cứ tác chiến hải quân.

Nga xây dựng Tartus

Ngày 21 tháng 12, Quốc hội Nga đã phê chuẩn một thỏa thuận giữa chính quyền Moscow với chính quyền Damascus, để mở rộng cả về tính chất, chức năng lẫn quy mô của cơ sở hậu cần-kỹ thuật hải quân Nga tại cảng Tartus, nằm bên bờ biển phía Đông Địa Trung Hải.

Thỏa thuận được Nga và Syria ký kết vào hồi tháng 1 năm nay và được Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lên Hạ viện Nga (tức Duma Quốc gia). Sau khi được Hạ viện thông qua vào tuần trước, nó cũng đã được Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) thông qua.

Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 49 năm, cho phép Hải quân Nga được mở rộng quy mô, thay đổi tính chất và hiện đại hóa cơ sở quân sự này. Thỏa thuận cũng quy định, khi hết thời gian hiệu lực, cho phép tự động gia hạn thời gian sử dụng của Nga thêm 25 năm nữa.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov cũng phát biểu rằng, được sự chấp thuận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Nga được phép mở rộng phạm vi cơ sở tại quân cảng Tartus, nằm ở tỉnh Latakia, ở phía Tây Bắc của Syria, thêm 24 héc-ta nữa (miễn phí hoàn toàn).

Sau khi mở rộng về tính chất và quy mô, trạm hậu cần kỹ thuật ở Tartus đã biến thành một căn cứ tác chiến của hải quân Nga. Chính quyền Moscow được phép triển khai tối đa 11 tàu chiến có lượng giãn nước lên đến hàng vạn tấn, bao gồm cả các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, vào bất kỳ thời điểm nào.

Mặc dù đến nay Quốc hội Nga mới chính thức thông qua Hiệp định về căn cứ Tartus nhưng ngay từ hồi tháng 3 năm nay, Nga đã triển khai việc tu sửa, hiện đại hóa căn cứ hải quân này.

Ông Viktor Ozerov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Liên bang Nga thông báo rằng, nước này đã bắt tay thực hiện kế hoạch tu bổ cảng Tartus, nằm trong chương trình hiện đại hóa cơ sở bảo trì hải quân này thành một căn cứ hải quân thường trực của Liên bang Nga.

Hải quân Nga trong tương lai sẽ không phải “lang thang” trên Địa Trung Hải

Các công trình khảo sát đã được đưa ra, bao gồm cả các hạng mục được kết nối đặc biệt với việc xây dựng đường ống dẫn nhiên liệu. Nga đã chuẩn bị các tài liệu cần thiết và giành cho các công ty Syria suất tham gia thực hiện một số hạng mục công trình hiện đại hóa như: Củng cố các cầu, bến cảng, bãi neo và xây dựng lại các cơ sở tạm thời của các đơn vị bảo đảm an ninh thành những địa điểm cố định vững chắc.

Nga cũng đã tiến hành các hoạt động rà soát an ninh, an toàn trong toàn bộ khu vực dự định sẽ mở rộng để biến Trạm hậu cần hải quân này thành một căn cứ có thể tiếp nhận các chiến hạm cỡ lớn. Việc triển khai lực lượng phương tiện đến căn cứ hải quân được bắt đầu vào cuối năm 2017.

Tartus có vị thế vô cùng quan trọng đối với hải quân Nga

Mặc dù đầu tháng 12 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh rút bớt quân Nga ra khỏi Syria nhưng Moscow vẫn sẽ duy trì một lực lượng đáng kể, vừa để bảo vệ căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim (Khmeimim), đều tại Latakia-Syria, vừa có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chống lại các nhóm khủng bố nếu chúng lại trỗi dậy ở Syria.

Tỉnh Latakia có vị trí địa-quân sự mang tính chiến lược, bởi phía tây giáp Địa Trung Hải, phía Bắc giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, phía nam giáp biên giới với Lebanon, phía Đông Bắc giáp tỉnh Idlid, phía Đông giáp tỉnh Hama, phía Đông Nam giáp tỉnh Homs.

Về quân sự, do trước đây Tartus chỉ là trạm hậu cần-kỹ thuật nên các tàu chiến Nga không thể neo đậu ở đây, phải co cụm ở Địa Trung Hải; thêm nữa, Hạm đội Biển Đen thường xuyên phải thay quân bằng con đường “độc đạo” ra Địa Trung Hải, qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-thiet-lap-tien-don-quan-su-nua-the-ky-o-syria-3349602/