Ngả theo hay kiềm Nga: Thổ 'khó nghĩ' giữa căng thẳng với Mỹ?

Ankara dường như ngày càng quen thuộc với việc thay đổi đối tác khi gặp phải xung đột với các đồng minh truyền thống.

Mối quan hệ nồng ấm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang khiến phương Tây lo ngại về một sự chia rẽ trong lòng NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ hướng tới một động thái cân bằng, theo đó, Ankara chọn ngả về phía Nga trong thời điểm mối quan hệ với Mỹ đang ngày một xấu đi.

Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter rằng, mối quan hệ giữa Washington và Ankara “đang không tốt trong thời điểm hiện tại”; đồng thời công bố áp thuế bổ sung lên hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu vào Mỹ. Gần như ngay lập tức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, và nhận được lời hứa tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và thương mại.

Việc thay đổi đối tác dường như đã trở nên thường xuyên hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp nền kinh tế đang bị tổn thương, có vẻ ông Erdogan đang ra tín hiệu rằng, mình đã có sự lựa chọn thay thế cho các đồng minh truyền thống.

Sener Akturk, một giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Koc nhận định, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, “Mỹ đã trở thành một nguy cơ lớn hơn so với Nga” bởi vì những căng thẳng trong thời gian gần đây.

Có thể kể ra những bất đồng chính giữa Ankara và Washington như: Mỹ hỗ trợ quân sự cho các tay súng người Kurd tại Syria trong khi lực lượng này bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố; Thổ yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Fethullah Gulen sau những cáo buộc tổ chức đảo chính thất bại năm 2016; hay mục sư Andrew Brunson bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ vì cho là có hành động liên quan tới khủng bố…

Một “chiêu” ngoại giao đáng chú ý của Thổ Nhĩ Kỳ chính là cam kết mua tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất. Trong khi thời hạn giao hàng là năm sau, Mỹ và NATO cho rằng, hệ thống của Nga không tương thích với thiết bị của NATO và có thể dẫn tới những lỗ hổng an ninh.

Trong tháng này, Tổng thống Trump đã thông qua quyết định trì hoãn việc giao các máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, người đứng đầu nước Mỹ còn chỉ trích các đồng minh NATO, kêu gọi họ dành ngân sách lớn hơn cho quốc phòng và bớt dựa dẫm vào Mỹ.

Theo giáo sư Akturk, thỏa thuận mua tên lửa từ Nga là một điều có lý, bởi vì đôi khi các đồng minh phương tây thường hủy bỏ các hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ do những tranh chấp chính trị…

Từ tháng 8/2016 đến nay, Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin đã gặp mặt ít nhất là 11 lần. Hai nước cũng được đồn đoán là đang chuẩn bị lắp đặt một đường ống dẫn khí gas tự nhiên từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ, và Moscow cũng đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Thổ.

(Từ trái qua): Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Bà Anna Arutunyah, một học giả cấp cao từ Tổ chức khủng hoảng quốc tế phân tích, việc hàn gắn “đã chứng minh tính thực tế trong mối quan hệ” giữa Ankara và Moscow.

“Viễn cảnh về một thành viên NATO thân thiện rất hấp dẫn Nga” nhất là khi nước này đang muốn gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông, Arutunyan nói. “Thổ Nhĩ Kỳ là một cơ hội tốt cho Nga. Syria cũng vậy”.

Trong cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm tại Syria, Nga và Iran ủng hộ cho Tổng thống Bashar al-Assad, còn Thổ Nhĩ Kỳ lại “chống lưng” cho một số nhóm đối lập chính phủ Damascus. Mặc dù đi theo hai hướng khác nhau nhưng giờ đây Nga và Thổ lại đang bắt tay với nhau.

Ankara đã từ bỏ lập trường yêu cầu Tổng thống Assad phải rời bỏ quyền lực; trong khi đó, Nga cũng đồng ý để Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch vượt biên giới chống lại lực lượng người Kurd tại Syria. Nước này cũng yêu cầu Nga kiềm chế chính quyền Assad phát động chiến dịch tấn công tổng lực vào tỉnh Idlib, dọc theo biên giới giữa Syria và Thổ.

“Trong bối cảnh Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cần lẫn nhau, và mối quan hệ còn phát triển hơn nữa”, Aaron Stein, một học giả cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, phân tích. Tuy nhiên, theo ông, Nga đang ở thế cửa trên.

Ngay cả khi Putin và Erdogan tìm được tiếng nói chung ở Syria, lợi ích của họ cũng sẽ vẫn “đối chọi” nhau tại Biển Đen. Cuộc chiến Nga – Gruzia một thập kỷ trước, quyết định sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014 và những hoạt động của Nga tại Ukraine… tất cả đều đang thách thức ảnh hưởng và vị thế của Ankara tại khu vực này.

Những động thái của Nga đã khiến Tổng thống Erdogan phải cảnh báo với NATO vào năm 2016 rằng, Biển Đen - từng được gọi là “hồ Thổ Nhĩ Kỳ” dưới thời kỳ Đế chế Ottoman, giờ đây sắp chuyển thành “hồ Nga”. Hiện tại NATO đang duy trì sự “diện hiện theo yêu cầu” tại khu vực, với các năng lực trên bộ, trên biển và trên không đều được gia tăng.

“Việc Nga không ngừng mở rộng ảnh hưởng khiến đồng minh NATO trở nên ngày càng có ý nghĩa hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen”, Tổ chức Khủng hoảng thế giới nhận định trong một báo cáo hồi tháng Sáu; đồng thời lưu ý, Ankara đã đảo ngược chính sách từng tồn tại trong nhiều thập kỷ là giữ không cho quân sự phương Tây hiện diện tại khu vực.

Còn theo giáo sư Akturk, hiện lập trường của Ankara về khu vực Biển Đen đang đi theo hướng cùng tồn tại, trong đó, chính quyền Thổ sẽ cố gắng thi triển một chính sách cân bằng, lúc nghiêng về Nga, lúc nghiêng về phương Tây - phụ thuộc vào tình hình và lợi ích của chính mình.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/nga-theo-hay-kiem-nga-tho-kho-nghi-giua-cang-thang-voi-my-360172.html