Nga thêm kho Kalibr cho Baltic trong tình hình mới

Để đối phó với hoạt động tăng cường của NATO, Nga vừa quyết định trang bị thêm 2 chiến hạm mang tên lửa hành trình tầm xa cho Hạm đội Baltic.

Quyết định trang bị được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra nhằm tăng khả năng đối phó với những nguy cơ mới có thể xảy ra trong khu vực do những hoạt động của NATO gần biên giới Nga. Hai chiến hạm được trang bị cho Hạm đội Baltic ngay trong năm 2021 này lần lượt là tàu Burya thuộc đề án 22800 và tàu Grad thuộc đề án 21631.

Tại Baltic, các tàu tên lửa cỡ nhỏ được biên chế vào Lữ đoàn số 36 bao gồm hai đội hình: Tiểu đoàn tàu tên lửa cận vệ số 1 và Tiểu đoàn tàu tên lửa cỡ nhỏ số 106.

Tàu Burya thuộc đề án 22800 Karakurt đã được chế tạo và đang được thử nghiệm. Tàu Grad thuộc đề án 21631 Buyan-M đang trong giai đoạn hoàn thiện, tuy nhiên thủy thủ đoàn của tàu đã được thành lập và gần hoàn thành quá trình đào tạo.

Chiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr-NK.

Chiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr-NK.

Điều đặc biệt ở 2 chiến hạm này là dù chúng đều được xếp vào hàng chiến hạm cỡ nhỏ nhưng tất cả đều được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kalibr-NK có tầm bắn lên tới 2400km.

Với tầm bắn này, nếu khai hỏa tại Baltic, chiến hạm Nga có thể tấn công vào hầu hết các mục tiêu tại châu Âu. Ngoài ra, Kalibr-NK còn có khả năng tấn công với bán kính lệch mục tiêu (CEP) không quá 3m.

Chỉ với độ chính xác khi tấn công mục tiêu, giới chuyên gia cho rằng, Kalibr đã vượt Tomahawk của người Mỹ. Bởi phiên bản BGM-109A Tomahawk có CEP lên tới 80m, trong khi đó phiên bản mới hơn của Tomahawk là BGM-109C có CEP đạt 10m.

Một đặc điểm quan trọng là tên lửa Kalibr là chúng có thể chọc thủng bất cứ hệ thống phòng không – phòng thủ tên lửa nào. Kalibr bay ở độ cao từ 50 – 150 m, khi đến gần mục tiêu tên lửa hạ độ cao xuống còn 20 m và tấn công với tốc độ siêu âm, trong khi đó tốc độ của Tomahawk chỉ là cận âm.

Quỹ đạo đường bay tên lửa Kalibr rất phức tạp với sự thay đổi cả về độ cao và hướng bay. Điều đó cho phép nó có thể tiếp cận mục tiêu từ hướng bất ngờ nhất.

Đánh giá về Kalibr, nhà phân tích quân sự của tờ National Interest, ông Sebastien Roblin cho biết, khoảng cách giữa Hải quân Mỹ và Nga đang ngày càng bị thu hẹp, trong phân khúc tên lửa hành trình, Mỹ đã bị Nga vượt qua.

Hiện nay người Mỹ không thể triển khai vũ khí tầm xa hiệu quả trên các tàu mặt nước nhỏ giống như việc Nga trang bị cho hệ thống tàu mặt nước loại tổ hợp tên lửa Kalibr.

Đầu những năm 1990, Hải quân Mỹ đã tiến hành phóng hàng trăm tên lửa Tomahawk từ tàu mặt nước và tàu ngầm tấn công vào các mục tiêu ở Trung Đông, Balkan, Bắc Phi và Afghanistan.

Khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu ở khoảng cách 1600km đã làm cho loại tên lửa này trở nên nổi tiếng và rất đắt. Chính vì vậy trong thời gian dài chỉ có Mỹ và Anh là những nước sở hữu loại tên lửa này.

Nhưng kể từ khi Nga thực hiện cuộc tấn công vào vị trí khủng bố IS ở Syria bằng tên lửa hành trình Kalibr, vị trí bấy lâu của tên lửa Mỹ đã mất, chuyên gia này cho biết.

Chính vì vậy, việc Nga tăng cường trang bị chiến hạm mang Kalibr-NK cho Hạm đội Baltic đang khiến không chỉ Mỹ mà NATO cũng cảm thấy bất an. Quyết định trang bị này được Nga công bố ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu thông báo thành lập, triển khai thêm 20 đơn vị tại biên giới phía tây để đối phó với hoạt động của NATO.

"Hành động của các đồng nghiệp phương Tây đang phá hoại hệ thống an ninh toàn cầu và buộc chúng tôi thực hiện những biện pháp ứng phó phù hợp. Khoảng 20 đơn vị sẽ được thành lập tại Quân khu miền Tây trong năm nay", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết.

Quan chức Nga nhấn mạnh lực lượng vũ trang nước này sẽ tiếp tục cải thiện quá trình huấn luyện và tác chiến, thêm rằng Quân khu miền Tây sẽ được bổ sung khoảng 2.000 khí tài các loại trong năm nay.

"Tình hình chiến lược ở phía tây nước Nga đang nổi lên với những mối đe dọa quân sự ngày càng lớn. Trong vòng 7 năm qua, số chuyến bay của lực lượng không quân chiến lược Mỹ tại châu Âu đã tăng 14 lần.

Tàu chiến trang bị tên lửa hành trình của NATO thường xuyên tiến vào biển Baltic, trong khi Mỹ và phương Tây liên tục mở rộng quy mô huấn luyện và diễn tập gần biên giới Nga", Bộ trưởng Shoigu nói thêm.

NATO liên tục mở rộng hiện diện sang phía đông bằng các cuộc tập trận và điều lực lượng sát biên giới Nga từ năm 2014, trong bối cảnh quan hệ song phương xấu đi. Moskva nhiều lần phản đối, cho rằng hành động này làm suy yếu ổn định khu vực và dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới, cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng.

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-them-kho-kalibr-cho-baltic-trong-tinh-hinh-moi-3433140/