Nga tham dự G7: 'Phép thử' cho 'tình bạn' Nga-Trung Quốc

Việc Nga được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tới đây có thể sẽ là một phép thử cho mối quan hệ Nga-Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình trao tặng Tổng thống Putin "Huân chương Hữu nghị" ngày 8/6/2018 tại Bắc Kinh. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thống Donald Trump muốn hoãn Hội nghị G7 và mời thêm Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ tham gia Hội nghị thượng đỉnh mở rộng vào mùa Thu năm nay bởi mô hình hiện tại, theo ông, “đã lỗi thời”.

Việc Trung Quốc không được mời không ngạc nhiên vì Trump muốn hội nghị thảo luận về Trung Quốc.

Liệu Moscow có thể chấp nhận mối quan hệ tình bạn bang giao để chống lại Bắc Kinh?

Gây tranh cãi

Tuy nhiên, sáng kiến mời Nga của Tổng thống Donald Trump đang vấp phải sự phản đối của nhiều nước thành viên.

Thủ tướng Canada, Justin Trudeau tuyên bố: “Nga đã bị loại khỏi G7 sau khi xâm chiếm Crimea vài năm trước. Việc họ tiếp tục thiếu tôn trọng và phớt lờ những quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế là lý do họ vẫn nằm ngoài G7 và sẽ tiếp tục như vậy”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng không hài lòng với sáng kiến này. Phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, Anh sẽ phủ quyết bất kỳ đề xuất nào đưa Nga tái tham gia nhóm này. London không có ý định cho phép Nga trở lại G7 trừ phi Nga ngưng “hoạt động hung hăng và gây bất ổn của mình, đe dọa đến an ninh của công dân Anh và an ninh tập thể của các đồng minh của chúng tôi”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chưa bình luận về chủ đề này, nhưng bà nghi ngờ về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh trong năm 2020. Bà chưa sẵn sàng bay đến Mỹ trong thời gian đại dịch.

Chính Tổng thống Trump đã hoãn thời gian tổ chức hội nghị G7, đầu tiên đến cuối tháng 6 (theo hình thức trực tuyến), sau đó đến tháng 9 (theo hình thức ngoại tuyến). Ông Trump giải thích: “Tôi muốn hoãn cuộc họp vì cảm thấy G7 không đại diện cho những gì đang diễn ra trên toàn thế giới. Đây là một nhóm quốc gia vô cùng lỗi thời”.

Cuối tháng 5/2020, Trump đã nói về ý định mời thêm một số quốc gia khác tham gia hội nghị. Người phát ngôn Nhà trắng Alyssa Farah cho biết, ông Trump muốn đưa các đồng minh của mình và một số nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tới cuộc họp này để bàn về “tương lai của Trung Quốc”.

Đây không phải là năm đầu tiên các bên thảo luận về khả năng trở lại định dạng G8 với sự tham gia của Nga. Ông Trump từng nói vào năm 2018: “Dù thích hay không, chúng ta có một thế giới cần được quản lý”.

Tổng thống Pháp cũng đồng quan điểm với Tổng thống Trump. Mùa Hè năm 2019, sau cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin, ông Emmanuel Macron nói rằng, nếu không có G8, không thể tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine.

Tuy nhiên, G7 cũng đặt ra điều kiện tiên quyết cho Moscow. Ông Alexei Kuznetsov, Quyền Giám đốc Viện Thông tin Khoa học về Khoa học xã hội của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với Sputnik: “Trong G7, chúng tôi chỉ có thể ngồi vào ghế phụ, chỉ trong thời gian chiến dịch chống Trung Quốc, và sau một hoặc hai năm nữa họ sẽ đẩy Nga ra khỏi nhóm này".

Nga đang bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19, thật hợp lý khi Washington mời Moscow tham gia thảo luận về Bắc Kinh. Ông Alexei Kuznetsov nhận xét: “Cần phải hiểu, trong chính trị và kinh tế, thế giới không có chỗ cho cảm xúc, và Nga nên cân nhắc kỹ về lợi ích của mình. Cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng những đề xuất cụ thể của châu Âu, Mỹ, và Trung Quốc”.

Ai được hưởng lợi?

Năm 2014, khi Nga bị loại khỏi G8, Moscow bắt đầu xích lại gần với Bắc Kinh và đại dịch và cuộc khủng hoảng thậm chí còn đẩy nhanh quá trình này. Trong bối cảnh giá hydrocarbon giảm mạnh vào đầu mùa Xuân, Trung Quốc đã mua dầu thô của Nga với khối lượng kỷ lục lên tới 1,6 triệu tấn. Năm 2019, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã vượt 110 tỷ USD (năm 2013 là 88,8 tỷ USD).

Nga và Trung Quốc cũng được liên kết bởi một “liên minh không được công bố”. Moscow giúp nước láng giềng tạo ra hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa. Hai nước thường xuyên tổ chức những cuộc tập trận quân sự chung. Moscow sử dụng những phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ 5G. Đồng thời, cả hai quốc gia đều nằm trong danh sách “các cường quốc muốn xem xét lại trật tự thế giới” do Mỹ lập ra.

Ông Temur Umarov, cố vấn tại Trung tâm Carnegie Moskva, cho rằng Điện Kremlin sẽ không làm hỏng mối quan hệ với đối tác quan trọng nhất chỉ để tham dự hội nghị G7. “Dưới thời Trump, Trung Quốc đã trở thành đối thủ chính của Washington trong chính sách đối ngoại, và Mỹ đang cố gắng để Moscow ít nhất giữ thái độ trung lập trong cuộc đối đầu này. Moscow hiểu rõ điều này. Vào năm 2019, ông Trump cũng đã đưa ra những lời kêu gọi tương tự, nhưng không thu được kết quả gì”, ông Temur Umarov bình luận.

Nói về những quốc gia khác có thể được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh, Hàn Quốc và Australia là hai đối tác và đồng minh lâu năm và đáng tin cậy của Washington trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Ấn Độ lại khác. Mối quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh vốn luôn căng thẳng, đặc biệt do tranh chấp biên giới, đã được cải thiện trong những năm gần đây.

Về mặt lý thuyết, Ấn Độ có thể tham gia định dạng mở rộng của G7, chuyên gia Alexei Kupriyanov từ Viện Kinh tế Quốc tế và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) nhận xét: “Trước hết phải nói rằng, nhiều điều sẽ phụ thuộc vào diễn biến tình hình trên biên giới với Trung Quốc và vào tình trạng mối quan hệ Ấn-Trung Quốc.

Yếu tố thứ hai là phản ứng của các quốc gia khác được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh. Thời gian gần đây Ấn Độ trốn tránh tham gia các sự kiện mang tính chất chống Trung Quốc. Ví dụ, Ấn Độ đã không mời Australia tham gia cuộc tập trận Malabar (diễn tập ba bên của Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ), để không biến hoạt động này thành cuộc tập trận của nhóm 'Bộ Tứ Quad' gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, nếu tình hình trên biên giới trở nên nghiêm trọng hơn, Ấn Độ có thể thay đổi ý kiến để cho thấy họ có thể đi cùng với ai khác nếu Trung Quốc đi quá xa.

Giới quan sát nhận định, trong mọi trường hợp, Nga sẽ không trở lại G7 và "cuộc thảo luận về Trung Quốc” không phải là một chủ đề có thể khiến ông Vladimir Putin thực hiện chuyến đi vượt đại dương vào tháng 9/2020.

Ngoài ra, như thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov từng nhắc nhở, hiện có các cơ chế đối thoại quốc tế, cho phép lãnh đạo các nước tham gia có thể trao đổi mọi vấn đề một cách hiệu quả. Ví dụ, Hội nghị thượng đỉnh G20, nơi các nhà lãnh đạo của tất cả các quốc gia hàng đầu thế giới gặp nhau.

(theo Sputnik)

Lê Na

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-tham-du-g7-phep-thu-cho-tinh-ban-nga-trung-quoc-116940.html