Nga tăng hiện diện ở châu Phi

C sở hậu cần hải quân của Nga ở Nam Sudan sẽ được đặt tại Sudan, cho phép Hải quân Nga mở rộng phạm vi hoạt động tại châu Phi.

Hôm 16/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã duyệt kế hoạch lập trung tâm hậu cần của Hải quân nước này tại Sudan bên bờ Biển Đỏ. Khu vực này nằm giữa tuyến đường biển nối châu Âu và châu Á.

Nga sẽ mở căn cứ hậu cần tại Sudan, là nơi dừng chân cho các thủy thủ đoàn hoạt động tại Ấn Độ Dương

Nga sẽ mở căn cứ hậu cần tại Sudan, là nơi dừng chân cho các thủy thủ đoàn hoạt động tại Ấn Độ Dương

Sau khi duyệt kế hoạch, Tổng thống Putin đã giao nhiệm vụ cho bộ Quốc phòng ký thỏa thuận thiết lập cơ sở hậu cần hải quân với Sudan, vốn được hai nước thảo luận trước đó.

Đề xuất thành lập cơ sở quân sự tại Sudan ở ven bờ Biển Đỏ, nằm giữa châu Phi và châu Á, được chính phủ Nga công bố tuần trước. Nga và Sudan ký thỏa thuận hợp tác quân sự kéo dài 7 năm vào năm 2019 và đã thảo luận chi tiết về việc thiết lập một trung tâm hậu cần hải quân ở Sudan.

Cơ sở tại Sudan cho phép hải quân Nga neo đậu và sửa chữa tới 4 chiến hạm cùng lúc, bao gồm các tàu sử dụng hệ thống đẩy năng lượng hạt nhân. Cơ sở còn dự trữ và cung cấp nhu yếu phẩm cho các nhiệm vụ dài ngày của hải quân Nga. Dự kiến, khoảng 300 quân nhân sẽ đóng tại đây.

Trong một dự thảo vào đầu tháng 11, chính phủ Nga cho biết căn cứ hải quân mới có mục đích chính là sửa chữa, tiếp tế và là địa điểm để thủy thủ Hải quân Nga nghỉ ngơi.

Sudan sẽ cấp đất miễn phí để Nga xây dựng căn cứ hải quân này. Thỏa thuận song phương cho phép Nga sử dụng cảng Sudan để sửa chữa và tiếp tế, đổi lại Khartoum sẽ nhận được vũ khí và thiết bị quân sự miễn phí để bảo vệ căn cứ.

Bên cạnh đó, Sudan chấp thuận để Nga mang mọi vũ khí, thiết bị cần thiết qua sân bay và cảng của nước này để hỗ trợ căn cứ mới. Các tàu Nga qua cảng lớn của Sudan sẽ được miễn kiểm tra. Thỏa thuận giữa Nga và Sudan dự kiến kéo dài 25 năm. Thỏa thuận này sẽ được tự động gia hạn thêm 10 năm nếu cần.

Nga cho biết trung tâm hậu cần tại Sudan sẽ đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực, nhấn mạnh cơ sở này hoàn toàn mang tính chất phòng thủ.

Hãng TASS đánh giá rằng căn cứ tại Sudan sẽ tạo điều kiện để Hải quân Nga hoạt động tại Ấn Độ Dương. TASS còn dự đoán Nga có thể đưa hệ thống tên lửa đất đối không tới căn cứ này.

Nga được cho là đang duy trì ít nhất 21 cơ sở quân sự trọng yếu ở nước ngoài, chủ yếu ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ và Syria. Nga dự kiến thiết lập một số căn cứ quân sự và cơ sở hậu cần tại các quốc gia châu Phi và một trung tâm chỉ huy tại Venezuela.

Châu Phi đang ngày càng được quan tâm hơn dưới con mắt của nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc.

Nga có thêm căn cứ quân sự ở Sudan, gần căn cứ tại Erictrea và gần với căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti.

Hải quân Trung Quốc đã đặt trung tâm hậu cần tiền phương đặt tại khu vực Sừng châu Phi từ năm 2017. Căn cứ này cách Trại Lemonnier của quân đội Mỹ chỉ 11km, và cách cảng chính của Djibouti chưa đầy 8km, nơi tàu chiến các nước châu Âu thường ghé thăm.

Tháng 5/2020, truyền thông Anh cho biết, Bắc Kinh đã cho cơi nới căn cứ hải ngoại đầu tiên của họ ở Djibouti. Các hình ảnh vệ tinh được chụp hồi tháng 3 cho thấy việc xây dựng căn cứ vẫn đang được tiến hành sau 3 năm mở cửa. Diện tích căn cứ "xa bờ" của Trung Quốc tiếp tục được mở rộng bằng các công trình lấn biển trong các bức ảnh mới nhất.

Đáng chú ý, ngay bên cạnh cầu cảng dài 340m đã hoàn thành vào năm ngoái, Trung Quốc đang xây dựng một công trình dường như là cầu cảng mới. Nếu điều này là chính xác, Trung Quốc có thể tăng gấp đôi số tàu chiến neo đậu tại căn cứ.

Chỉ riêng cầu cảng hoàn thành năm 2019 đã đủ sức tiếp nhận tàu sân bay và các tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc. Trong trường hợp cần thiết, cầu cảng này cũng có thể làm nơi neo đậu cho 4 tàu ngầm tấn công của Bắc Kinh.

Theo phân tích của Forbes, khác với các căn cứ hải quân khác ở Trung Quốc, không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ đào các đường hầm bảo vệ tàu ngầm ở căn cứ Djibouti. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách bảo vệ các tài sản quý giá này.

Tờ Forbes nhận định, với việc cơi nới căn cứ hải ngoại đầu tiên tại Djibouti, Trung Quốc đang muốn tăng tầm ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương và Trung Đông.

Djibouti là quốc gia sở hữu các cảng biển chiến lược nằm trên cửa Biển Đỏ, từ đó có thể dễ dàng tiếp cận với Biển Ả Rập, Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương. Từng nhận định về ý định đặt căn cứ hải quân tại châu Phi, Trung Quốc lập luận, căn cứ này chỉ là cơ sở hậu cần cho các tàu chiến làm nhiệm vụ chống cướp biển.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-tang-hien-dien-o-chau-phi-3422668/