Nga sẽ không để yên nếu Ba Lan tiếp nhận vũ khí hạt nhân Mỹ?

Mỹ tuyên bố sẽ chuyển kho vũ khí hạt nhân của mình ở Đức sang Ba Lan nếu Berlin kiên quyết loại bỏ vũ khí hạt nhân, truyền thông Nga đã đưa ra cảnh báo 'sắc lạnh' về vấn đề này.

Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher mới đây cho biết, Ba Lan sẵn tiếp nhận kho vũ khí hạt nhân của Mỹ trong lãnh thổ Đức. “Nếu Đức muốn giảm tiềm năng hạt nhân và làm suy yếu NATO, thì có lẽ Ba Lan - thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình, hiểu được những rủi ro mà sườn phía đông của NATO phải đối mặt - có thể tiếp quản kho vũ khí hạt nhân này”, Đại sứ Mỹ Mosbacher viết trên Twitter.

 Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher. Nguồn: Sohu.

Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher. Nguồn: Sohu.

Bà Mosbacher đưa ra tuyên bố trên nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell về việc Berlin cần giữ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Ông Grenell nói rằng: "Mục đích của việc chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO là cho phép các quốc gia thành viên phi hạt nhân tiếp tục tham gia chính sách răn đe của NATO. Sự tham gia của Đức vào hoạt động chia sẻ hạt nhân là để đảm bảo rằng tiếng nói của họ rất quan trọng. Đức nên đảm nhận trách nhiệm này hay chỉ ngồi nhìn và tận hưởng những lợi ích kinh tế của an ninh được cung cấp bởi các đồng minh khác? ".

Bom B-61 được Mỹ bố trí ở Đức. Nguồn: Sohu.

Mỹ được cho là có khoảng 150 đơn vị vũ khí hạt nhân ở châu Âu, trong đó có 20 đơn vị tại Đức. Đại sứ Mỹ tại Đức Grenell đã liên tục chỉ trích ý tưởng loại bỏ vũ khí hạt nhân Mỹ khỏi Đức, điều mà gần đây đã được các chính trị gia Đức thảo luận, nói rằng đó sẽ là sự phản bội các cam kết của NATO.

Ông Grenell không phải là người duy nhất gây áp lực với Đức về vấn đề kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng kêu gọi Berlin duy trì kho vũ khí trên với lý do là nguy cơ từ Nga.

Theo báo cáo của Sputnik, mặc dù đại sứ Mỹ tại Ba Lan chỉ đơn thuần đưa ra tuyên bố nhằm ủng hộ quan điểm của “đồng nghiệp” tại Đức, nhưng tuyên bố này đã được người dân Ba Lan hưởng ứng nhiệt tình, một số quan chức Ba Lan cũng mong muốn Mỹ tái bố trí vũ khí hạt nhân ở Ba Lan để tăng cường khả năng răn đe. Nga, nước luôn phản đối việc mở rộng về phía đông của NATO và triển khai vũ khí hạt nhân gần với biên giới của Nga, cũng chưa bình luận về nhận định trên.

Kho đạn dược tại căn cứ không quân Mỹ Ramstein ở miền tây nam Đức. Nguồn: Sohu.

Giới phân tích cho rằng, Đức và Mỹ đang nảy sinh xung đột xung quanh vấn đề chia sẻ hạt nhân, một số quan chức cấp cao của Đức đặt ra câu hỏi: “Liệu Chính phủ Đức có thể ngăn chặn khi Mỹ phóng những vũ khí hạt nhân ở trong lãnh thổ của Berlin?”. Các quan chức này cũng cho biết, việc Đức tham gia sáng kiến chia sẻ hạt nhân của NATO sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ rủi ro, bởi vì quyết định chính sách đối ngoại của Berlin không có ảnh hưởng thực sự đối với Washington. Các quan chức này phản đối mạnh mẽ việc Mỹ tiếp tục triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Đức.

Kể từ khi căng thẳng giữa Mỹ và Đức gia tăng, Ba Lan với tư cách là thành viên mới của NATO, dường như đã nhìn thấy một "cơ hội tốt" để phát huy “nắm đấm” của mình trong NATO. Do đó, trong những năm gần đây, Ba Lan không chỉ “hùa” theo Mỹ trong vấn đề Iran, mà còn tuyên bố rằng, sẽ đầu tư 2 tỉ USD để xây dựng cái gọi là "Pháo đài Trump" cho Quân đội Mỹ tại nước này.

Lính Mỹ đồn trú tại Đức đến Ba Lan tập trận. Nguồn: Sohu.

Tuy nhiên, ý tưởng của Đại sứ Mỹ tại Ba Lan cũng gặp phải sự chỉ trích của một số quan chức Mỹ, trong đó Scott Ritter, cựu trưởng ban thanh tra vũ khí trong ủy ban đặc biệt của Liên Hợp quốc và cũng là cựu sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng, bà Georgette Mosbacher "không có ý thức về lịch sử" và coi ý tưởng của Đại sứ Mỹ tại Ba Lan là ý tưởng "ngu ngốc nhất" trên thế giới. Scott Ritter nhấn mạnh, việc Mỹ vận chuyển bom hạt nhân tới Ba Lan sẽ là “giọt nước tràn ly” phá hủy hiệp ước hòa bình giữa Nga và NATO ký kết năm 1977, theo Hiệp ước, hai bên không coi nhau là đối thủ.

Mặc dù không rõ liệu tweet của bà Georgette Mosbacher có được coi là lập trường chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ hay không, nhưng nó phù hợp với mong muốn của chính quyền Trump về việc đóng quân vĩnh viễn ở Ba Lan, đồng thời bãi bỏ hiệp ước hạt nhân với Nga.

Scott Ritter, cựu trưởng ban thanh tra vũ khí trong ủy ban đặc biệt của Liên Hợp quốc. Nguồn: Sohu.

Russia Today (RT) cảnh báo rằng, nếu Mỹ chuyển đầu đạn hạt nhân sang Ba Lan, điều này có thể dẫn đến việc tái hiện cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Vào thời điểm đó, Liên Xô đã đáp trả việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách “tặng” tên lửa cho Cuba. Sau cuộc đối đầu gần như leo thang thành chiến tranh hạt nhân, cả Washington và Moscow đều nhượng bộ và hứa sẽ rút tên lửa tương ứng.

Việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa ở đến Ba Lan cũng sẽ làm quốc gia này trở thành một "tàn tích hạt nhân". Hiện, Mỹ bố trí ở Đức 60 – 100 quả bom hạt nhân chiến thuật B-61, loại bom này có thể được thả bằng các máy bay chiến đấu sau khi được cải tiến.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/nga-se-bien-ba-lan-thanh-tan-tich-neu-tiep-nhan-vu-khi-hat-nhan-my-252833.html