Nga sẽ dừng trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine sau năm 2024?

Nga mới đây đã bắt đầu cung cấp khí đốt cho các quốc gia Đông Âu thông qua nhánh nối dài của đường ống khí đốt Turkstream, làm giảm vai trò của Ukraine trong trung chuyển khí đốt của Nga đến Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, hầu hết nguồn cung khí đốt của Nga cho các nước đông và nam Âu cũng như Thổ Nhĩ Kỳ đã được chuyển sang các đường ống dẫn khí ngoài Ukraine. Các chuyên gia của 1prime nhận định, không có yếu tố chính trị nào tác động đến sự chuyển dịch này. Tất cả xuất phát từ logic kinh doanh khi Gazprom đang ở vị trí độc quyền nguồn cung khí đường ống trên thị trường.

Nhà điều hành hệ thống đường ống truyền dẫn khí đốt Ukraine (GTS Ukraine) cho biết, kể từ ngày 01/04, Nga đã bắt đầu cung cấp khí đốt đường ống cho Romania thông qua đường ống Turkstream. Lãnh đạo công ty GTS Ukraine Sergei Makogon cho biết, sau khi nhánh thứ hai của Turkstream được đưa vào vận hành, toàn bộ nguồn cung khí đốt trung chuyển qua Ukraine đến Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Bulgaria sẽ được chuyển hoàn toàn sang đường ống Turkstream và nếu các đoạn đường ống kéo dài của Turkstream ở Serbia và Bulgaria được hoàn thành, vai trò trung chuyển khí đốt của Ukraine sẽ còn suy giảm.

Cũng theo thông tin từ GTS Ukraine, lượng khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine sang EU trong tháng 02/2021 đã giảm 25% so với tháng 01/2021, xuống còn 2,91 tỷ m3. Đối với Ukraine, điều này có nghĩa là quốc gia này có thể sẽ mất thêm 10-12 tỷ m3 khí trung chuyển trong năm 2021.

05 năm bảo hiểm

Theo các chuyên gia của 1prime, việc Gazprom chuyển một phần nguồn khí đốt xuất khẩu ra khỏi hệ thống truyền tải khí đốt Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này trong vài năm tới. Vấn đề nằm ở chỗ, hợp đồng hiện tại giữa Gazprom và Naftogaz được ký kết theo nguyên tắc take-or-pay. Theo các điều khoản của hợp đồng này, Gazprom phải trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine ít nhất 225 tỷ m3 trong giai đoạn 5 năm từ 2020 đến năm 2024, trong đó có 65 tỷ m3 vào năm 2020 và 40 tỷ m3/năm trong 4 năm còn lại. Điều này có nghĩa là phía Ukraine được đảm bảo nguồn thu nhất định từ hoạt động trung chuyển khí đến cuối năm 2024.

Theo báo cáo tài chính của GTS Ukraine năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu khá tốt từ hoạt động trung chuyển khí đốt với 2,51 tỷ USD. Nguồn thu đã sụt giảm đáng kể khi doanh thu từ trung chuyển khí đốt của GTS Ukraine trong 9 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 1,2 tỷ USD. Khi GDP của Ukraine năm 2020 là 150,12 tỷ USD thì nguồn thu từ hoạt động trung chuyển của GTS vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nước này.

Theo dự thảo của thỏa thuận 5 năm giữa Naftogaz (Ukraine) và Gazprom, chi phí vận chuyển khí đốt của Nga sang EU (bao gồm cả thuế, phí) thông qua hệ thống dẫn khí đốt của GTS sẽ lên tới 31,72 USD/1000 m3. Riêng phí trung chuyển qua hệ thống đường ống dẫn khí dài 1.192,48 km của GTS là 2,66 USD/1000 m3/100 km. Nếu Gazprom gia tăng trung chuyển khí khí đốt cao hơn hạn mức trong hợp đồng, Gazprom sẽ phải đăng ký với Naftogaz và chịu hệ số chi phí cao hơn.

Do đó, trong trường hợp Gazprom tăng cường xuất khẩu khí đốt sang thị trường EU khi mà dự án North Stream 2 chưa thể vận hành, việc tăng lượng khí trung chuyển bổ sung qua Ukraine có thể giúp Naftogaz gia tăng nguồn thu. Tuy nhiên, nếu Gazprom chuyển hướng xuất khẩu khí đốt qua đường ống Turkstream hoặc North Stream đến thị trường đông và nam Âu, phía Ukraine hoàn toàn mất các khoản thu bổ sung này. Chuyên gia Igor Yushkov cùa Đại học tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga cho biết, việc Gazprom gia tăng xuất khẩu khí đốt bổ sung cho thị trường EU sẽ diễn ra chủ yếu trong điều kiện thời tiết lạnh, nhu cầu sưởi vẫn ở mức cao và nhất là tỷ lệ dự trữ khí trong các cơ sở lưu trữ khí ngầm ở EU thấp kỷ lục.

Vấn đề nghiêm trọng sẽ đến với Ukraine

Chuyên gia Yushkov cho biết, Ukraine sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng vào đầu năm 2025 khi Gazprom không có ý định gia hạn hợp đồng không thực sự có lợi, trong khi phía Ukraine không đưa ra các điều kiện về trung chuyển cạnh tranh mới. Quốc gia này có thể bị bỏ lại phía sau trên thị trường năng lượng châu Âu khi mất đi khoản thu từ 1,5-1,7 tỷ USD/năm. Về mặt kinh tế, điều này sẽ không “giết chết” quốc gia này nhưng người dân Ukraine sẽ phải sống trong điều kiện nghèo hơn và phải trả tiền nhiều hơn để sưởi ấm, mua điện và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Và điều nghiêm trọng hơn là chi phí mà Ukraine phải bỏ ra để đảm bảo hoạt động của nhà điều hành GTS Ukraine. Công ty này sẽ không thể duy trì áp suất cần thiết trong các đường ống dẫn khí đốt của mình nếu không vận chuyển khí đốt của Nga. Để hệ thống truyền dẫn khí đốt hoạt động bình thường, GTS Ukraine phải đảm bảo công suất vận hành hệ thống đạt 45 tỷ m3 khí/năm. Tính toán đơn giản sẽ thấy, tổng lượng khí tiêu thụ của Ukraine trong năm 2019 là 29,98 tỷ m3, trong đó có 20,74 tỷ m3 khí được sản xuất trong nước và 14,2 tỷ m3 khí nhập khẩu. Để đảm bảo hoạt động bình thường, không bị lỗ, GTS Ukraine cần trung chuyển ít nhất 15 tỷ m3 khí đốt trong hệ thống.

Rõ ràng, nếu lượng khí đốt trung chuyển sụt giảm đến dưới mức tối thiểu để hệ thống đường ống khí đốt của GTS Ukraine hoạt động bình thường, áp suất khí trong đường ống sẽ sụt giảm và không đủ để vận chuyển khí đến điểm tiêu thụ cuối cùng. Để người dân và doanh nghiệp Ukraine không bị thiếu khí đốt sau năm 2024, chính quyền Ukraine sẽ phải chuẩn bị phương án xây dựng hệ thống cung cấp áp suất cần thiết trong hệ thống dẫn khí chính. Và chi phí cho việc này sẽ rất tốn kém.

Tất cả phải xuất phát từ lợi ích kinh doanh

Chính quyền Ukraine có thể đấu tranh để “đòi” quyền lợi trung chuyển khí đốt của mình, nhưng khả năng đạt công suất trung chuyển 100 tỷ m3 khí đốt/năm như trước đây sẽ rất thấp. Giải pháp vấn đề này không xuất phát từ góc độ chính trị. Các yếu tố lợi ích kinh tế vẫn mang tính quyết định. Về điều quan trọng đối với Gazprom là ai sẽ trả phí trung chuyển khí đốt qua Ukraine. Khi trung chuyển khí đốt qua Ukraine, Gazprom phải trả phí cho nhà điều hành GTS. Trong khi đó, bơm khí qua các đường ống Turkstream và North Stream, Gazprom trả phí cho các công ty mà Gazprom sở hữu phần lớn cổ phần, tức là Gazprom trả tiền cho chính mình. Hiện nay, thông qua các công ty con, Gazprom đang nắm giữ 51% cổ phần đường ống North Stream và 100% cổ phần đường ống Turkstream. Do đó, việc vận chuyển khí đốt sang thị trường EU, bỏ qua vai trò của Ukraine rõ ràng là có lợi hơn về kinh tế đối với Gazprom.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nga-se-dung-trung-chuyen-khi-dot-qua-lanh-tho-ukraine-sau-nam-2024-607429.html