Nga sẽ biến tàu sân bay Mỹ thành mồi cho cá

Hai chục tên lửa Kh-32 mới sẽ tiễn cụm tàu sân bay tấn công Mỹ xuống đáy biển.

Xin được chuyển tới bạn đọc bài viết với tiêu đề và phụ đề rất tự tin trên của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov tóm tắt các phân tích của Đại tá hải quân Konstantin Sivkov (chúng tôi mới giới thiệu những ý kiến của ông qua bài “Chuyên gia quân sự Nga: Nga lấy gì để dọa Anh?”- DVO, 20/4/2018) về tên lửa chống hạm mới Kh-32 của Nga.

Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 24/3/2018. Chúng tôi có sắp xếp lại đôi chút để tiện theo dõi.

Trên ảnh: tàu khu trục kiểu “Arleigh Burke” của Hải quân Mỹ (Ảnh: Zuma/TASS)

Mới đây, Đại tá hải quân Konstantin Sivkov – tiến sỹ khoa học quân sự, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm tên lửa và pháo binh Nga đã đưa ra một tuyên bố sau: Tên lửa chống (đối) hạm mới Kh-32 của Nga là không thể bị tổn thương trước các phương tiện phòng chống tên lửa hiện đại nhất của Mỹ.

Chỉ cần phóng 6 quả tên lửa Kh-32 ( theo phân loại của NATO là “Kitchen” (Phòng bếp), gần như chắc chắn sẽ loại khỏi vòng chiến 2 tàu khu trục “Arleigh Burke”. 12 quả tên lửa trên (Kh-32) có khả năng đánh chìm một tàu sân bay và 2 tàu tuần dương hộ tống.

Konstantin Sivkov đã rút ra kết luận như vậy sau khi đã thực hiện các phép tính toán học chính xác trên cơ sở các dữ liệu về tính năng kỹ- chiến thuật của tên lửa Kh-32 (Nga) và các phương tiện phòng thủ của Hải quân Mỹ.

Tên lửa chống hạm Kh-32 mới được đưa vào trang bị năm 2016 để thay thế cho tên lửa chống hạm Kh-22 đã được khai thác từ năm 1971. Cũng như “người tiền nhiệm” (Kh-22), Kh-32 có hai phiên bản- mang đầu tác chiến bộc phá- định hướng và đầu tác chiến hạt nhân.

Phương tiện mang tên lửa này là máy bay siêu âm mang tên lửa Tu-22M3 của Không quân tầm xa- mỗi Tu-22M3 mang 2 tên lửa Kh-32 trên các móc treo bên ngoài máy bay. Kh-32 có kích thước và trọng lượng tương tự như Kh-22.

Cự ly phóng của tên lửa- đến 1.000km. Tốc độ- từ 4.000km/h đến 5.400km/h hay là đến 1.500m/s. tức vào khoảng từ 3,56M đến 4,6M. Có nghĩa là gần đến ngưỡng tốc độ siêu thanh (tốc độ siêu thanh được tính từ 5M trở lên-ND). Đầu tự dẫn radar khóa mục tiêu (tàu tuần dương) ở cự ly cách mục tiêu từ 200-300km.

Có một điều thú vị là khi thiết kế tên lửa, các kỹ sư Nga đã không đặt ra mục tiêu làm giảm diện tích phản xạ radar hiệu dụng của tên lửa (nói cách khác- tăng khả năng tàng hình-ND). Bởi vì, dù có bị radar của đối phương phát hiện thì Kh- 32 trên thực tế cũng vẫn là một mục tiêu không thể với tới đối với hệ thống phòng chống tên lửa của đối phương.

Cần phải thừa nhận rằng chính những khó khăn kinh tế trong những năm 90 và đầu những năm 2000 (tại Nga) lại có lợi cho kiểu tên lửa này. Vì sao? Vì công tác thiết kế Kh-32 được bắt đầu triển khai từ năm 1991. Rất không lâu sau đó, kinh phí cho dự án bị cắt.

Năm 1998, dự án lại được tái khởi động. Tuy nhiên, MKB “Raduga” [Phòng thiết kế chế tạo máy “Raduga”(Cầu vồng”) chuyên thiết kế tên lửa có cánh-ND] tại thành phố nhỏ Dubna ngoại ô Matxvova mãi đến cuối những năm 2000 mới trở lại làm việc bình thường.

Chính nhờ vậy mà các công trình sư khi chế tạo tên lửa này mới có thể ứng dụng các công nghệ mới, các thành phần và vật liệu mới, các thuật toán cơ động tránh tên lửa (đánh chặn) mới, phương pháp dẫn đến mục tiêu mới và các phương pháp tác chiến điện tử mới.

Tiến sỹ K.Sivkov đã phân tích chi tiết tất cả các pha bay của tên lửa. Tên lửa được phóng đi khi Tu-22M3 (phương tiện mang tên lửa) đang ở ngoài khu vực phòng không của cụm tàu sân bay tấn công (trong thành phần của cụm tàu này, ngoài tàu sân bay còn có các tàu hộ tống (bảo vệ) và các tàu bảo đảm).

Vấn đề là ở chỗ, tuyến đánh chặn có cự ly tối đa tính từ tàu sân bay của không quân hạm (không quân trên tàu sân bay) Mỹ trong thời gian trực chiến trên không nếu được dẫn đường bằng các máy bay AWACS của tàu sân bay hoặc các máy bay AWACS từ các sân bay trên bờ là 700km.

Nếu sử dụng Kh-22 (tên lửa chống hạm cũ-ND), máy bay mang (Tu-22M3) phải bay vào khu vực phòng không của đối phương, vì cự ly bắn của tên lửa này (Kh-22) nằm trong khoảng từ 450 đến 600km.

Sau khi phóng, Kh-32 lấy độ cao đến 40km và bắt đầu bay và cơ động trên mặt phẳng ngang. Khi bay ở chế độ này, tên lửa an toàn tuyệt đối. Bởi vì các tên lửa Mỹ hiện đại nhất RIM-174 SM-6 ERAM mới đưa vào trang bị năm 2013 và được bố trí trên các tàu khu trục lớp “Arleigh Burke” trong hệ thống “Aegis” chỉ có độ cao đánh chặn tối đa là 33km.

Có nghĩa là phải 7 km nữa mới với tới Kh-32. Ngoài chuyện đó ra, thì tên lửa đánh chặn (Mỹ), mặc dù chịu được quá tải lớn, - tới 50g, nhưng chỉ có thể bắn hạ được các mục tiêu khí động lực học (có nghĩa là các tên lửa có cánh) có tốc độ không vượt quá 800m/s. Còn Kh-32 – tốc độ tới 1.500m/s.

Quả là hệ thống phòng chống tên lửa Mỹ có tên lửa SM-3, - tên lửa này có thể đánh chặn không chỉ các mục tiêu là tên lửa đạn đạo, mà thậm chí là cả các vệ tinh đang ở độ cao đến 500km. Nhưng nó (SM-3) chỉ có thể “làm việc” với các mục tiêu có quỹ đạo bay có thể tính toán trước.

Đấy chính là cách mà các vệ tinh di chuyển và không cơ động. SM-3 có thể hiệu chỉnh đường bay, tuy nhiên, khả năng này không đủ để bám theo những “cú nhảy” chuyển hướng và thay đổi độ cao đột ngột của kiểu tên lửa gần như siêu thanh Kh-32.

Kiểu tên lửa Mỹ có khả năng đánh chặn các mục tiêu cơ động bay với tốc độ cao là SM-6. Nó (SM-6) có thể đạt độ cao hơn 33km. Tuy nhiên, trong điều kiện bầu khí quyển loãng hơn, khả năng điều khiển đường bay bằng các tấm lái khí động học giảm xuống đáng kể.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-se-bien-tau-san-bay-my-thanh-moi-cho-ca-3357287/