Nga sẽ bán đậu tương giúp Trung Quốc đấu Mỹ

Nga đang tích cực xuất khẩu nông sản, đặc biệt là đậu tương sang Trung Quốc để thay thế lượng nhập từ Mỹ.

RT hôm 8/11 dẫn lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định, Nga có khả năng thay thế phần nào lượng đậu tương mà Mỹ đã ngừng bán cho Trung Quốc.

Không những thế, Moscow hiện đang thúc đẩy xuất khẩu nông sản cho Bắc Kinh như thịt lợn, gạo, gia cầm, cá.. và phát triển các dự án hậu cần chung.

Nga có thế chân Mỹ về thị trường đậu tương Trung Quốc.

Thủ tướng Nga nói với các phóng viên khi ông tham gia Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất (CIIE 2018) tại Thượng Hải: "Trung Quốc có nhu cầu đậu nành rất cao. Thị trường đậu nành cực lớn ở Trung Quốc khi họ nhập khẩu hàng năm 95 triệu tấn đậu tương, 30 triệu tấn trong số đó là Mỹ".

Nhưng quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới này đang ở trong một cuộc tranh chấp thương mại lâu dài với Mỹ. Bắc Kinh đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp thực phẩm của mình sau khi khối lượng vận chuyển đậu tương hàng năm từ đối tác nước ngoài của họ đã giảm hơn 80% trong tháng 9.

Thủ tướng Nga cho rằng, đây là cơ hội cho Moscow và lượng đậu tương có sẵn của Nga hoàn toàn sẽ được cung cấp cho Trung Quốc.

"Lượng đậu tương có sẵn của Nga sẽ đáp ứng được một phần thị tường đậu tương Trung Quốc. Chúng tôi và các đối tác Trung Quốc đã đồng ý với nhau về sự hiện diện tích cực hơn của hàng hóa từ Nga trong phân khúc đặc biệt này" - ông Medvedev nhấn mạnh.

Trong 10 năm qua, sản lượng đậu tương của Nga đã tăng lên.

Nga cho biết sẽ xuất xưởng tới 700.000 tấn đậu tương trong năm nay.

Bloomberg trích dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, sản lượng dự kiến thu hoạch mùa đậu tương hiện tại sẽ kết thúc vào năm 2019 là 3,9 triệu tấn. Con số này vẫn còn quá xa so với nhu cầu mà Trung Quốc cần tìm kiếm.

Hiện Brazil mới là quốc gia thực sự có thể thay thế được Mỹ trong ngành nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc. Brazil được cho là nước xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới, có thể bán được hơn 76 triệu tấn trong mùa này.

Đối mặt với nhu cầu không giảm và nguồn cung bị ảnh hương từ cuộc đối đầu thương mại Mỹ- Trung, Bắc Kinh đã tìm nhiều cách để hóa giải đòn áp chế từ Washington.

Thuế quan trả đũa của Trung Quốc đối với đậu nành đã khiến Mỹ dừng xuất khẩu đậu tương sang quốc gia này. Số liệu hải quan lại cho thấy, xuất khẩu đậu tương Mỹ sang khu vực Đông Nam Á lại tăng tới 90%, minh chứng cho việc Trung Quốc vẫn có khả năng mua đậu tương Mỹ thông qua một nước thứ 3.

Ngoài việc hối thúc giảm lượng đậu tương nhập khẩu, Trung Quốc cũng đã tính tới việc tăng trồng trọt đậu tương trên các mảnh đất nông nghiệp của họ.

Ở trong nước, người nông dân tỉnh Hắc Long Giang, tỉnh trồng nhiều đậu tương nhất tại Trung Quốc, đồng thời mắc kẹt trong mệnh lệnh từ các nhà chức trách: trồng thêm nhiều đậu tương, ngay lập tức.

Chính phủ Trung Quốc đồng thời đẩy mạnh trợ cấp cho người nông dân trồng đậu tương và những người nông dân trước đó trồng ngô nay chuyển sang trồng đậu tương.

Nga mới đây đã mở ra cánh cửa lớn cho Trung Quốc khi kêu gọi cho thuê đất ở khu vực Viễn Đông để canh tác. Dù người Trung Quốc đã hiện diện sinh sống ở đây lâu nay, việc cho thuê thêm đất để trồng đậu tương, phần nào làm giảm lượng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ là cách Moscow hậu thuẫn Bắc Kinh trong cuộc đối đầu này.

Năm ngoái, Mỹ đã xuất khẩu 26 tỷ USD đậu nành, và hơn một nửa trong số đó đã được chuyển tới Trung Quốc.

Trong khi đó, người nông dân Mỹ lao đao khốn đốn vì đậu tương thu hoạch được không biết bán cho ai.

Người nông dân Mỹ đang tìm cách khắc phục khó khăn là bán đậu tương cho thị trường Ấn Độ nhưng thị trường này không dễ tiếp cận như Trung Quốc.

Kevin Karel - Tổng giám đốc của Công ty chế biến ngũ cốc Arthur ở Đông Bắc Dakotas cho biết, năm ngoái, ông còn tất bật với các đơn hàng của người Trung Quốc gửi đến khi ông đang ngủ. Nhưng năm nay, họ đã đi mất.

Công ty Arthur có 6 dây chuyền chế biến ngũ cốc ở phía đông Bắc Dakotas và ông đã bắt đầu tích trữ khoảng 1 triệu giạ đậu nành (1 giạ tương đương 20-22kg) ở khu đất trống phía sau khu chế biến. Lượng đậu nành chất đống cao như núi và được phủ một lớp bạt chống nước.

Tuy nhiên, ông không biết khi nào, người Trung Quốc mới quay trở lại, cũng không biết ông sẽ bán được hết số đậu tương trước khi nó thối.

Đậu tương chất cao như núi. Ảnh: NYT

Ngành công nghiệp chế biến đậu nành ở Bắc Dakota được tạo ra bởi nhu cầu đậu nành của Trung Quốc, khi đậu nành được nghiền nhỏ để làm thức ăn gia súc và chế biến dầu ăn cho con người.

Nông dân trồng đậu nành cũng đã chi hàng triệu USD để "nuôi dưỡng" thị trường Trung Quốc. Nông dân ở Bắc Dakotas và các tiểu bang khác đóng góp phần trăm thu nhập nhất định của họ vào một quỹ liên bang có tên là Soybean Verification (tạm dịch Chứng nhận đậu nành), chi trả phí tiếp cận thị trưởng, để thuyết phục nông dân Trung Quốc dùng đậu nành Mỹ.

Các nhà phân tích dự đoán, Trung Quốc sẽ buộc phải mua thêm đậu nành Mỹ sau khi các nguồn cung khác cạn kiệt. Những người khác cũng cho rằng, Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận để hủy bỏ thuế quan.

Nancy Johnson, Chủ tịch Hiệp hội nông dân trồng đậu nành Bắc Dakotas không thể chờ được tới khi Bắc Kinh và Mỹ đàm phán xong bởi khi đó thì đậu nành đã... thối sạch.

Nông dân trồng đậu nành Mỹ buộc phải tìm thị trường mới. Jim Sutter, Giám đốc điều hành của Hiệp hội xuất khẩu đậu nành Mỹ, cho biết ông đã tập trung vào việc thuyết phục hiệp hội cung cấp kinh phí cho nhóm thương mại sang Ấn Độ và thực hiện một chiến dịch quảng cáo ở đất nước đông dân thứ hai thế giới này.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-se-ban-dau-tuong-giup-trung-quoc-dau-my-3368840/