Nga sắp bán tiêm kích tàng hình Su-57 cho Trung Quốc

Nga dự kiến sẽ cung cấp phiên bản của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 cho không quân Trung Quốc (PLAAF) trong tương lai gần, theo truyền thông Trung Quốc.

Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm của Nga Sukhoi Su-57 - Ảnh: Sputnik

Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm của Nga Sukhoi Su-57 - Ảnh: Sputnik

“Một phiên bản xuất khẩu của Su-57, được xác định là Su-57E, sẽ được Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt trong một vài tuần tới”, tuần báo quốc phòng IHS Jane hôm 2.4 dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Nga trong cuộc họp báo tại triển lãm hàng không và vũ trụ quốc tế Langkawi ở Malaysia.

Quan chức này cho biết Trung Quốc gần đây nhận được 24 máy bay Su-35 và trong 2 năm tới, Bắc Kinh sẽ quyết định mua thêm Su-35 hay mua tiêm kích tàng hình Su-57E.

Su-57E có thể được chính thức ra mắt tại Triển lãm hàng không Dubai vào tháng 11.2019.

Theo The Diplomat, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vào năm 2018 rằng sẽ không sản xuất hàng loạt Su-57. Một lý do chính cho quyết định này là chi phí không bền vững của chương trình, cộng thêm động thái của Ấn Độ về việc từ bỏ hợp tác phát triển máy bay.

Hiện tại, có 10 nguyên mẫu Su-57 đang trải qua các giai đoạn thử nghiệm và đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, 9 trong 10 nguyên mẫu Su-57 được trang bị động cơ Saturn AL-41F1S (AL-41F1 là loại động cơ máy bay cũ hơn được lắp đặt trên tiêm kích Sukhoi Su-35S Flanker-E) do Nga sản xuất.

Các mẫu này không tích hợp động cơ tiên tiến Saturn izdeliye 30 tiên tiến hơn với tính năng tăng lực đẩy, sử dụng nhiên liệu hiệu quả và trang bị vòi phun véc-tơ lực đẩy 3D cho phép Su-57 có thể đạt được tốc độ siêu thanh mà không cần đốt nhiên liệu.

Do đó, nhiều khả năng máy bay mới vẫn sẽ tích hợp động cơ AL-41F1, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tàng hình của loại máy bay này. Bộ cảm biến máy bay và các hệ thống khác cũng tiếp tục gặp vấn đề về phát triển. Hơn nữa, Su-57 còn thiếu các tính năng thiết kế cao cấp khác.

Tương tự Su-57 có máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Trung Quốc, tiêm kích đa năng J-20A của Tập đoàn hàng không vũ trụ Thành Đô (CAC). Giống như Su-57, J-20A cũng được cho là thiếu động cơ phản lực hiệu suất cao, bị ảnh hưởng bởi các vấn đề phát triển và được báo cáo đã gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật trong những năm qua.

Hoàng Vũ (theo The Diplomat)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/vu-khi-chien-luoc-quan-su-c-125/nga-sap-ban-tiem-kich-tang-hinh-su-57-cho-trung-quoc-110356.html