Nga sản xuất robot chiến đấu 40 tấn thay thế Uran-9

Ngày 12/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm Uralvagonzavod - nơi phát triển robot chiến đấu dựa trên nguyên mẫu T-72B3 để thay thế cho Uran-9.

Trong chuyến thăm, ông Shoigu đã kiểm tra dây truyền sản xuất và nghe báo cáo về tiến độ sản xuất dòng robot tấn công hạng nặng hàng đầu thế giới này. "Robot T-72B3 đang được sản xuất và đẩy nhanh tiến độ và nguyên mẫu dùng cho thử nghiệm đã được hoàn thành", đại diện nhà sản xuất cho biết.

Dòng robot phát triển trên nguyên mẫu tăng T-72B3 được Nga định danh là Storm có trọng lượng trên 40 tấn. Mục tiêu của chương trình không có gì khác biệt so với Uran-9, đó là giảm thiểu thương vong cho binh sĩ trong tác chiến đô thị.

Robot chiến đấu Uran-9.

Robot chiến đấu Uran-9.

Điều đặc biệt là Storm sẽ được phát triển với 4 cấu hình khác nhau. Thiết kế số 1 là xe tăng điều khiển từ xa nặng 50 tấn, trang bị pháo 125 mm nòng ngắn với độ dài chỉ 4.000 mm, vũ khí là súng máy đồng trục PKT, bổ sung lưỡi ủi phía trước và một lớp giáp chống RPG quanh thân.

Mẫu thứ hai đơn giản hơn chỉ sử dụng súng bắn đạn nhiệt áp RPO-M thay cho pháo 125 mm. Mẫu thứ ba trang bị 2 pháo tự động 2A42 cỡ 30 mm tương tự BMPT đi kèm súng máy PKT và súng phun lửa RPO-M. Và cuối cùng là mẫu trang bị dàn phóng đạn nhiệt áp cỡ 220 mm của TOS-1A đi kèm súng máy PKT.

Theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng Nga, dòng robot chiến trường hạng nặng này là phải chịu được 10 - 15 phát đạn chống tăng RPG và mìn. Xe cũng phải có sức cơ động tốt trong thành phố, vũ khí không cản trở vận cơ động trong không gian hẹp. Khoảng cách điều khiển đối với robot chiến trường này tối thiểu phải là 3 km.

Việc phát triển robot Storm khi đã có robot hạng nặng Uran-9 được Nga tiết lộ do Uran-9 đã thể hiện khả năng chiến đấu yếu kém trong thời gian ngắn được điều đến Syria tham gia cuộc chiến chống khủng bố.

Đáng chú ý là hiệu suất hoạt động của Uran-9 tại thực địa không thể thay thế vai trò của người lính trên chiến trường, làm tăng chi phí, cồng kềnh và không làm thay đổi năng lực tác chiến của một đơn vị bộ binh cơ giới có trang bị nó.

Tại Syria khoảng cách trung bình mà trạm điều khiển có thể kiểm soát robot chỉ là 300 - 500 m trong hoàn cảnh địa hình trống trải không có nhà cao tầng, tuy nhiên vẫn xảy ra 17 trường hợp mất tín hiệu ngắn trong 1 phút và hai trường hợp mất tín hiệu dài trong gần 1 giờ 30 phút.

Khung gầm của Uran-9 cũng có màn thể hiện rất kém, hay bị hỏng vặt và không vượt qua được các chướng ngại vật đơn giản. Về hỏa lực, pháo 2A72 cỡ 30 mm hoạt động không đảm bảo khi có tới 6 lần kẹt đạn, tên lửa chống tăng bắn không đúng lúc (chậm hoặc sớm, 8 trường hợp), kính ngắm ảnh nhiệt hỏng 2 lần.

Nguy hiểm hơn, robot chỉ có thể bắn khi đứng yên vì vũ khí và khí tài quang học không có hệ thống ổn định. Hệ thống ngắm bắn tích hợp cho Uran-9 tỏ ra rất kém, tầm xác định mục tiêu chỉ là 2 km trong điều kiện lý tưởng, không có khả năng phát hiện khí tài trinh sát của địch, độ phân giải của màn hình hiển thị quá thấp.

Những điểm yếu bộc lộ của Uran-9 đã khiến Nga nhanh chóng rút dòng robot này khỏi Syria và bắt tay vào chương trình phát triển robot Storm dựa trên nguyên mẫu tăng T-72B3 để thay thế.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-san-xuat-robot-chien-dau-40-tan-thay-the-uran-9-3385577/