Nga sai lầm chiến lược khi chuyển giao S-300 cho Syria?

Giới quan sát lo ngại rằng có thể Nga đã 'tự bắn vào chân mình' chuyển giao S-300 cho Syria. Thật vậy, việc hệ thống này hoàn toàn 'câm nín' trước chiến đấu cơ Israel khiến cho danh tiếng của các hệ thống phòng không tầm xa Nga bị tổn hại nghiêm trọng.

Có thể nói rằng trong bối cảnh hiện tại trên chiến trường Syria, Nga đang bị đặt vào thế "dở khóc dở cười" khi các chiến đấu cơ Israel ngang nhiên không kích Syria, ngay trước mặt hệ thống S-300 mà họ đã chuyển giao.

Thậm chí Israel không cần phải dựa hoàn toàn vào phi đội chiến đấu cơ tàng hình F-35, họ chỉ cần dùng chiến đấu cơ F-15, F-16 không có tính năng tàng hình để tiến hành đánh phá các mục tiêu tại Syria.

Cường độ đánh phá còn khốc liệt hơn cả thời điểm Syria chưa nhận được hệ thống S-300.

Một số nhà quan sát cho rằng phải chăng Nga đã sai lầm khi cung cấp S-300 cho Syria?

Hành động này được một số nhà quan sát coi như Moscow đã "tự bắn vào chân mình".

Trước đó Nga từ chối cung cấp S-300 cho Syria sau khi bị Israel phản đối dữ dội.

Họ chỉ cung cấp hệ thống đánh chặn tầm gần Pantsir-S1, bên cạnh những hệ thống phòng không kiểu cũ từ thời Liên Xô.

Nga chỉ nối lại việc cung cấp S-300 (đúng ra phải giao vào năm 2013) cho Syria sau khi chiếc IL-20 của Nga bị S-200 Syria bắn nhầm, vụ việc làm 15 thành viên quân đội Nga thiệt mạng.

Cả Nga và Syria đều cáo buộc những chiến đấu cơ F-16 của Israel đã cố tình cài bẫy, để cho chiếc máy bay Nga "ăn trọn" quả tên lửa phóng lên từ hệ thống S-200 do lính Syria điều khiển.

Có lẽ Nga hy vọng sau khi Syria có S-300, ngoài Israel còn có cả Mỹ và các quốc gia đồng minh đang tham chiến tại chiến trường này sẽ phải "kiêng nể" ít nhiều.

Thực tế Nga luôn quảng bá S-300 là hệ thống phòng không cực mạnh, thậm chí phiên bản Nga cung cấp cho Syria còn có tính năng tiệm cận với S-400.

Với việc sở hữu hệ thống phòng thủ này, phòng không Syria sẽ giảm đáng kể sự thiệt hại gây ra bởi các đòn không kích từ các đối thủ.

Nếu Syria không hao binh, tổn tướng hay thiệt hại khí tài sẽ được coi là điều có lợi cho phía Nga.

Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự cấm vận từ phía Mỹ, chiến tranh tại Syria tiếp tục kéo dài, thì việc đỡ chiến phí cho chiến trường này càng ít càng tốt.

Nga không thể bỏ rơi Syria, ngoài vị thế chiến lược, thì công sức Moscow bỏ ra sau 7 năm cho chiến trường này không hề nhỏ, họ không muốn tất cả đều là vô ích!

Mặt khác IL-20 bị bắn hạ được coi như lý do chính đáng để Israel không phản đối Nga chuyển giao S-300 cho Syria.

Nga vừa có mối quan hệ thân thiết với Syria, mặt khác họ cũng duy trì quan hệ nồng ấm với Israel, thậm chí hai nước còn bắt tay vào nhiều dự án để hợp tác kỹ thuật quân sự.

Dù Israel luôn thông báo trước các địa điểm tấn công vào Syria cho phía Nga, nhưng Moscow vẫn mong muốn Tel-Aviv đừng đánh phá Damascus thì sẽ tốt hơn.

Dù muốn như thế nhưng họ lại không thể ngăn cản Israel từ bỏ các cuộc không kích, chính vì thế Nga hy vọng, một khi Syria có S-300, không quân Israel sẽ phải "nằm đất" chờ thời mà thôi.

Thực tế không quân Israel cũng chịu "nằm đất" một vài tháng để nghe ngóng tình hình sau khi Syria nhận S-300.

Tuy nhiên chỉ sau một vài trận không kích thăm dò, Israel phát hiện Damascus không thể sử dụng tốt S-300 để khống chế tiêm kích nước này. Chính vì thế cường độ đánh phá của Israel lại tăng đột biến trở lại.

Đây là điều có thể Nga chưa lường trước. Rõ ràng để binh sĩ Syria vận hành thành thạo S-300 thì không thể một sớm một chiều. Có chuyên gia cho rằng số thời gian phải tính bằng năm. Đó chưa kể việc binh sỹ Syria thường không thực hiện đúng yều cầu kỹ thuật khi vận hành vũ khí hiện đại.

Nếu không thành thạo mà để lính Syria vận hành hệ thống S-300, điều này sẽ là thảm họa cho chính Nga.

Một khi S-300 bắn hụt, trận địa liền bị phía Israel phát hiện, chỉ trong thời gian ngắn đòn trả đũa hủy diệt sẽ được tung ra, lúc này S-300 sẽ chỉ còn là đống sắt vụn. (Trước đó một hệ thống S-200 bắn hụt chiếc F-15 của Israel cũng đã bị không quân Do thái trả đũa và phá hủy tan tành).

Đến lúc này thì mọi lời quảng cáo của Nga về hệ thống S-300 nói riêng và các hệ thống phòng không tầm xa nói chung sẽ vô nghĩa.

Với một quốc gia đang thu rất nhiều ngoại tệ từ việc bán các loại vũ khí trong đó có các hệ thống tên lửa đánh chặn, việc buôn bán ế ẩm sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế nói riêng. Không những vậy hiệu năng của các hệ thống phong không bị đánh giá thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế quân sự của Nga nói chung.

Trước các cuộc không kích ngày càng tăng của Israel, trong khi Nga vẫn tiến thoái lưỡng nan trong việc bật đèn xanh cho S-300 Syria khai hỏa, phòng không Syria vẫn sẽ phải căng mình ra đỡ đòn mà thôi.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-sai-lam-chien-luoc-khi-chuyen-giao-s300-cho-syria/796508.antd