Ngã rẽ bất ngờ từ đêm định mệnh

Từ một công nhân chăm chỉ, được tiếng là có trách nhiệm với gia đình nhưng 4 năm nay Nguyễn Hoàng Can, SN 1985, ở huyện Ba Vì, Hà Nội khoác áo phạm nhân với tội danh giết người. Ngã rẽ ấy bắt nguồn từ cái đêm định mệnh khi Can tham dự vào một cuộc đánh nhau.

Đêm định mệnh

Bố Can không may mất sớm, Can được nuôi ăn học hết phổ thông. Biết khả năng của mình không thể thi đỗ ĐH và phần vì không muốn khoác thêm gánh nặng cho mẹ nên Can đi học nghề rồi về làm công nhân cho một nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Hai năm sau khi đi làm cho thu nhập ổn định, Can quyết định lập gia đình với một đồng nghiệp nữ, cùng quê. Cuộc sống gia đình không có gì đáng nói bởi vợ chồng Can đều là những người làm công ăn lương, chăm chỉ và biết thu vén. Hai đứa con chào đời cũng không làm cuộc sống của họ xáo trộn bởi hai bên nội ngoại đều ở gần. Có lẽ vì có sự hỗ trợ của hai bên gia đình nên thi thoảng Can lại đi chơi tối với đám thanh niên trong xã. Nói về điều này, Can bảo cũng không bài bạc, rượu chè gì mà thi thoảng ra quán nét gần đấy xem phim hoặc tụ tập xem bóng đá, tám chuyện gẫu, vậy thôi. Can không ngờ từ chuyện hay đi chơi đêm ấy đã đưa đẩy anh ta vào một vụ đánh nhau để rồi trở thành kẻ mắc tội giết người.

“Thực tình thì tôi cũng không biết họ là ai vì cũng chưa từng gặp bao giờ. Chỉ là nghe nói đám thanh niên trong xóm đang xô xát với thanh niên nơi khác đến thì chạy ra, cũng là chỉ mong muốn chúng không bị sao, ai ngờ”, Can tâm sự.

Hỏi anh ta có biết nguyên nhân từ đâu không, nam phạm nhân này lắc đầu bảo: “nào đã kịp nghe rõ đầu đuôi thế nào”. Rồi như không muốn nhắc lại chuyện không hay đó, Can bày tỏ: “Tôi không kêu oan, mục đích có mặt tôi hôm đó không phải để giết người. Tôi không muốn lấy đi mạng sống của ai cả, chỉ là điều ngoài mong muốn nhưng hậu quả thì vô cùng tệ hại cho cả đôi bên”.

Theo lời Can thì tại phiên tòa sơ thẩm, Can bị kết án 15 năm tù, đến lần xử phúc thẩm, tội danh của anh ta vẫn được giữ nguyên nhưng án phạt được giảm xuống còn 13 năm tù.

“Tội của tôi là gián tiếp nên trong thời gian điều tra 2 năm, những người khác bị tạm giam còn tôi được tại ngoại cho đến lúc xét xử”, Nguyễn Hoàng Can kể như minh chứng cho việc mình chỉ là kẻ vô tình tham dự mà mang tội.

Phạm nhân Nguyễn Hoàng Can đang lao động trên đồng.

Phạm nhân Nguyễn Hoàng Can đang lao động trên đồng.

Mong được mọi người nhìn nhận

Gặp Can đúng lúc anh ta đi làm về, mồ hôi bết hai bên thái dương, tay xách chiếc túi bóng đựng mấy con cua, cá. Can bảo số cua cá này bắt được trong lúc làm cỏ lúa ngoài đồng, được cán bộ cho phép mang về cải thiện bữa ăn. Gần 4 năm sống trong trại cải tạo, Can đã quen với công việc của mình. Thanh niên này bảo xuất thân là con nhà nông nên những việc trồng rau, chăm bón chẳng ngại gì, chỉ có việc cấy lúa là chưa làm bao giờ nên thời gian đầu có bỡ ngỡ.

“Lao động ở đội sản xuất, nắng mưa vất vả thật đấy nhưng được cái thoáng đãng. Thi thoảng bắt được con tôm con cá lại được cán bộ cho phép dùng để cải thiện bữa ăn nên không có cảm giác tù túng”, Can tâm sự. Anh ta cho biết, nhiều lúc nếu không nhìn lại bộ quần áo phạm nhân đang mặc trên người thì cứ ngỡ mình là anh nông dân thứ thiệt.

Hỏi về tội trạng của mình, nam phạm nhân này bảo nếu so mức án 13 năm tù của mình với cái chết của nạn nhân thì vẫn cảm thấy may mắn”. Điều mà Can mong muốn nhất là được mọi người bao dung, tha thứ, có cái nhìn rộng lượng với những người lầm lỗi như anh ta.

“Cải tạo tốt để năm nào cũng được giảm án, sớm trở về là điều mà phạm nhân nào cũng mong muốn nhưng về nhà sống như thế nào mới là quan trọng. Những người như chúng tôi, dù bước chân ra khỏi đây nhưng trong lòng nặng trĩu suy tư, mặc cảm. Chỉ mong mọi người đừng xa lánh mà hãy tạo cho chúng tôi một cơ hội sửa chữa”, Can tâm sự.

Cải tạo ở trại giam số 5, Can bảo do điều kiện gia đình nên 4 năm nay mới được gặp vợ 2 lần. Can không phàn nàn gì về gia đình cả, chỉ mong người thân của mình khỏe mạnh.

“Cuộc sống trong trại cải tạo không có gì đáng sợ như nhiều người nghĩ. Ở ngoài đi làm kiếm tiền thì trong này cũng phải lao động thôi. Có điều ở ngoài thì mình thích làm điều mình muốn, nhiều khi vô tổ chức chứ trong này phải tuân theo nội qui, kỷ luật. Nhiều hôm lên thư viện đọc sách báo, tôi lại thấy tiếc những tối ở nhà rong chơi vô bổ”, Nguyễn Hoàng Can tâm sự.

Mỗi tháng được gọi điện về nhà một lần, Can coi đó là cơ hội để có thêm thông tin về gia đình và là cơ hội để tình cảm bố con Can được bền chặt. Nam thanh niên này bảo mỗi khi được các con hỏi bao giờ bố về, lòng dạ Can lại thấy se sắt. Rồi những khi đau ốm, nằm một mình trong buồng giam hoặc dưới bệnh xá, nghĩ tới những lời bi bô con trẻ lại trào nước mắt vì tủi thân và nhớ nhà.

“Tôi đã làm người thân chịu nhiều tai tiếng, chắc vợ tôi khổ sở vì điều này lắm. Mong sao cô ấy vượt qua được mà quan tâm tới các con nhiều hơn”, Nguyễn Hoàng Can bộc bạch.

Giống như nhiều phạm nhân trẻ tuổi khác, Can cũng không tránh khỏi tâm trạng tiếc nuối và ân hận. Can bảo vợ anh ta là người phụ nữ đảm đang và dũng cảm nên hy vọng rằng cô sẽ vì con mà cố gắng. Còn chuyện có dành tình cảm cho người khác hay ở vậy đợi Can trở về thì anh ta không dám nói đến.

“Tôi biết với bản án của mình, dù được về sớm hay muộn thì cũng có vết tích rồi, sẽ rất khó khăn cho buổi đầu lập nghiệp. Thế nên việc vợ tôi có dự định gì, tôi không cấm cản, chỉ mong cô ấy thương lấy hai đứa trẻ”, Can tâm sự. Anh ta nhắn nhủ: “Tôi vừa được giảm án lần đầu và sẽ cố gắng để được nhiều lần giảm án hơn nữa, mong là cô ấy hiểu được điều đó”.

Chia tay Can, chúng tôi hỏi có nhắn nhủ gì cho vợ không, nam thanh niên này trầm ngâm: “Tôi muốn nói nhiều lắm nhưng chả biết nhắn nhủ gì. Hy vọng là mọi người trong gia đình, nhất là vợ con thông cảm mà bỏ qua”.

Không riêng gì Can mà tất thảy những người từng khoác áo phạm nhân đều mong mỏi nhận được sự tha thứ của người thân và trong lòng chỉ có một mong muốn là cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình. Họ luôn hy vọng sẽ được người thân thông cảm, tha thứ và chỉ nghĩ đến điều đó thôi, những con người lầm lỡ như Can cũng đã cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh để cải tạo tốt hơn.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nga-re-bat-ngo-tu-dem-dinh-menh-161470.html