Nga ra mắt tên lửa hạt nhân 'quỷ Satan 2' có khả năng thổi bay cả một quốc gia

Với 15 đầu đạn hoạt động độc lập tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ, siêu tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat hay còn gọi là 'quỷ Satan 2' có thể thổi bay cả một quốc gia nhỏ. RS-28 Sarmat sẽ là thành phần nòng cốt trong lực lượng răn đe hạt nhân tương lai của Nga.

RS-28 Sarmat thế hệ mới của Nga mang được tải trọng thuốc nổ tương đương với 8 megaton TNT, tức đạt sức công phá gấp hơn 400 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Nhật Bản vào năm 1945. Đây là loại tên lửa hạt nhân khủng khiếp nhất mà con người từng chế tạo.

Trong thông điệp liên bang thường niên hôm 1-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho trình chiếu một loạt video tiết lộ về các vũ khí hạt nhân hoàn toàn mới của Nga với sức công phá cực lớn.

Ông Putin tuyên bố, Nga đã phát triển được một "tên lửa hành trình toàn cầu" trang bị động cơ hạt nhân "không thể đánh chặn" và có tầm bắn "không giới hạn" trên thực tế.

Nhà lãnh đạo Nga cũng đã giới thiệu một thiết bị lặn không người lái vũ trang hạt nhân tốc độ cao, có khả năng tấn công cả tàu chiến lẫn các mục tiêu duyên hải.

"Nga đã từng và vẫn đang là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới", Tổng thống Putin phát biểu với các khán giả tham dự buổi đọc thông điệp liên bang tổ chức tại Moscow.

Ông Putin cũng tuyên bố, Nga đang phát triển một thế hệ các vũ khí hạt nhân tiên tiến, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể tấn công bất cứ nơi nào trên thế giới và không thể bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa.

"Các quốc gia khác chỉ lắng nghe Nga khi chúng ta phát triển các hệ thống vũ khí mới"-hãng tin Sputnik dẫn lời ông Putin- "Vậy thì bây giờ họ hãy lắng nghe".

Dù Mỹ là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, tuy vậy xét về năng lực hạt nhân họ vẫn xếp sau Nga bởi Moscow đang thừa hưởng kho vũ khí hủy diệt khổng lồ từ thời Liên Xô để lại.

RS-28 Sarmat hay SS-X-30 ( quỷ Satan 2 theo cách gọi của NATO) là siêu tên lửa hạt nhân mạnh nhất thế giới vừa được Nga phát triển.

Với 15 đầu đạn hoạt động độc lập tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ, một tên lửa loại này có thể thổi bay cả một quốc gia nhỏ.

Truyền thông Nga cho biết, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat được phát triển để thay thế R-36M2 Veovoda, mẫu ICBM khổng lồ nặng 210 tấn nhưng đã cũ từ thời Liên Xô.

Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây lại cho rằng tên lửa này sẽ thế chỗ tên lửa UR-100N nặng 106 tấn.

Với tầm bắn xa khủng khiếp nhất thế giới hiện nay lên tới 17.000km.

Cùng 15 đầu đạn hạt nhân độc lập, tên lửa đạn đạo Sarmat có khả năng phá hủy bất cứ mục tiêu nào, ở bất cứ đâu.

Đương lượng vụ nổ của mỗi đầu đạn từ 150 -300 kiloton, trong khi quả bom nguyên tử từng ném xuống Hiroshima vốn chỉ là 21 kiloton.

Tuy nhiên các chuyên gia Nga dường như chưa muốn dừng lại, họ tuyên bố sẽ tiếp tục cải tiến để hoàn thiện hơn nữa khả năng hoạt động của loại tên lửa khủng khiếp nhất hành tinh này.

Cận cảnh một giếng phóng tên lửa hạt nhân của Nga. Hầm chứa RS-28 đủ sức chống chịu sức công phá của 7 đầu đạn hạt nhân, nhằm gia tăng khả năng sống sót khi bị tấn công phủ đầu.

Trong khi đó, hầm phóng tên lửa Minuteman III của Mỹ chỉ chịu được tối đa sức công phá của hai đầu đạn hạt nhân.

Sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo hạt nhân Sarmat được cho là sẽ đảm nhiệm xuất sắc nhiệm vụ mà huyền thoại R-36M2 biệt danh 'Satan' để lại.

So với R-36M2, Sarmart có ưu điểm nhẹ hơn, linh hoạt hơn, mang nhiều đầu đạn hạt nhân và bay xa hơn.

Nếu như R-36M2 chỉ có thể bay quãng đường 11.000km, thì Sarmart đạt tầm bay 17.000km.

RS-28 Sarmat được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại cũng như tương lai, nhằm bảo đảm khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Không giống như nhiều tên lửa hạt nhân hiện nay của Nga có thể đặt trên xe tải hạng nặng mang phóng, RS-28 do có trọng lượng lớn nên sẽ được phóng từ các giếng phóng đặt sâu dưới mặt đất.

Với tầm bay rất xa, khả năng trang bị nhiều đầu đạn với đương lượng nổ cực lớn, RS-28 được coi là con bài chiến lược của Nga trong nhiệm vụ răn đe hạt nhân chiến lược.

Một tên lửa hạt nhân của Nga.

Clip mô phỏng một đầu đạn hạt nhân tách ra từ RS-28 Sarmat đang tấn công mục tiêu.

Một tên lửa đạn đạo hạt nhân chiến lược của Nga đang được di chuyển xuyên qua khu rừng.

Các kỹ thuật viên quân sự Nga đang lắp đặt một tên lửa hạt nhân vào bệ phóng.

Đường bay của tên lửa hạt nhân Nga.

Điểm độc đáo của tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat là chúng có đường bay zích zắc khiến cho các hệ thống đánh chặn rất khó để bắn trúng.

Đường bay của tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat được mô phỏng bay trên tầng khí quyển trước khi lao vào mục tiêu.

RS-28 Sarmat sử dụng "công nghệ hồi quyển đa đầu đạn phân hướng độc lập" (MIRV) để tấn công, nghĩa là mỗi đầu đạn mà nó mang theo có thể độc lập tấn công từng mục tiêu riêng rẽ.

Hình ảnh tên lửa hạt nhân Nga đang lao lên khỏi giếng phóng.

Tùy thuộc vào vị trí triển khai trên không trung và cách thức di chuyển, mỗi đầu đạn có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm dặm.

Dự kiến Nga sẽ biên chế hàng loạt tên lửa RS-28 Sarmat vào năm 2020 và chúng sẽ trở thành nòng cốt của lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tương lai.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-ra-mat-ten-lua-hat-nhan-quy-satan-2-co-kha-nang-thoi-bay-ca-mot-quoc-gia/759341.antd