Nga quyết xóa bài của Mỹ

Nga quyết xóa bài của Mỹ nhưng lại đang 'giúp' Trung Quốc một cách đáng phải suy ngẫm.

Nga-Trung song kiếm hợp bích

Hãng tin Reuters cho biết, Nga và Trung Quốc đã bắt đầu đưa ý kiến của mình ra Liên hợp quốc (LHQ) để phản đối tuyên bố của Washington rằng Mỹ có thể kích hoạt trở lại tất cả các lệnh trừng phạt chống Iran tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Moscow viện dẫn một quan điểm pháp lý quốc tế đã tồn tại 50 năm để làm lý lẽ phản đối động thái này.

Cả Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đều đã gửi thư đến hội đồng gồm 15 thành viên này cũng như Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sau khi Mỹ đe dọa kích hoạt cái gọi là một sự quay trở lại của các lệnh trừng phạt dựa theo thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), mặc dù bản thân Washington đã đơn phương từ bỏ vào năm 2018.

Ngoại trưởng Nga S. Lavrov nói thẳng Mỹ "lố bịch và thiếu trách nhiệm"

Ngoại trưởng Nga S. Lavrov nói thẳng Mỹ "lố bịch và thiếu trách nhiệm"

Washington đã đe dọa kích hoạt trở lại các lệnh trừng phạt của LHQ lên Iran nếu HĐBA không gia hạn một lệnh cấm vận vũ khí dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10 tới theo thỏa thuận của Tehran với các cường quốc thế giới nhằm ngăn ngừa nước này phát triển các vũ khí hạt nhân.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft hồi tuần trước cho biết một dự thảo nghị quyết về lệnh cấm vấn này sẽ sớm được lưu hành. Các quốc gia có quyền phủ quyết trong hội đồng là Nga và Trung Quốc cũng đã ra cảnh báo rằng họ sẽ chống lại nỗ lực tái áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.

Trong lá thư đề ngày 27/5, được công bố trong tuần vừa qua, ông Lavrov viết rằng Mỹ đang “rất lố bịch và thiếu trách nhiệm”. Ông viết: “Điều này thực sự là không thể chấp nhận được và chỉ khiến người ta nhớ lại câu tục ngữ nổi tiếng bằng tiếng Anh là “vừa muốn giữ lại cái bánh vừa muốn ăn nó”.

Ngoại trưởng Nga Lavrov đã viện dẫn quan điểm của Tòa án Quốc tế năm 1971, theo đó đưa ra một quy tắc cơ bản bao trùm các mối quan hệ quốc tế là “bất cứ bên nào không công nhận hoặc không thực thi các bổn phận của mình thì đều không thể được duy trì các quyền mà họ nhận được từ mối quan hệ đó”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị viết trong lá thư ngày 7/6: “Mỹ, hiện không còn là thành viên trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA sau khi đã rút khỏi đó, không có quyền yêu cầu HĐBA thúc đẩy một sự nối lại trừng phạt”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga V. Putin

Đây là đòn “song kiếm hợp bích” mới nhất của Nga và Trung Quốc nhằm chống lại những lời đe dọa đơn phương của Mỹ. Đáng chú ý, động thái “hiệp lực” này diễn ra giữa lúc Mỹ đang tỏ rõ ý đồ lôi kéo Nga vào một liên minh chống Trung Quốc thông qua lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay khi Mỹ đóng vai trò nước chủ nhà.

Có thể thấy rõ, ngôn từ của hai nhà ngoại giao hàng đầu Nga và Trung Quốc đã cho thấy rõ Moscow và Bắc Kinh đánh giá như thế nào về cách hành xử của Mỹ, nhất là khi cường quốc số một thế giới dưới thời Tổng thống Trump đã chỉ đích danh hai nước là mối đe dọa. Mỹ cũng ngày càng tỏ ra “lộng hành” khi đơn phương rút khỏi hoặc đe dọa rút khỏi các thỏa thuận quốc tế cũng như các tổ chức mang tính toàn cầu như WHO hay WTO.

Qua hành động phản đối Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran, Nga-Trung một lần nữa cho Mỹ thấy lôi kéo nước này để chống lại nước kia không phải dễ dàng, nhất là chỉ dựa vào “miếng mồi” nhỏ bé G7, vốn chỉ mang tính hình thức hơn là thực chất.

Nga xóa bài của Mỹ

Ngày 30/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng G7 đã lỗi thời và không còn đại diện cho những gì đang diễn ra trên thế giới. Ông đã đề xuất mời Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay. “Lời mời” được đưa ra sau khi kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 trong tháng 6 này không nhận được sự ủng hộ. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chối tham dự hội nghị tại Washington.

Việc ông Trump đề xuất đưa Nga trở lại nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới - vốn là nhóm G8 - không phải là điều mới mẻ. Ông chủ Nhà Trắng từng nhắc đến ý định này vào năm 2018, và một lần nữa vào tháng 8/2019, khi ông nói rằng cựu Tổng Thống Barack Obama “kém thông minh hơn” Tổng thống Nga Vladimir Putin, và rằng đó là “động cơ” khiến ông Obama loại Nga khỏi các cuộc họp này.

Mỹ muốn lập "đội" chống Trung Quốc nhưng bản thân cũng bị các đồng minh xa lánh

Giới phân tích cho rằng có rất nhiều đồn đoán về lý do thật sự khiến Tổng thống Trump đề xuất mở rộng định dạng của G7. Có ý kiến cho rằng đây là một nỗ lực của ông nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi việc Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối tham dự cuộc họp tại Washington, hoặc là nhằm hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và huy động một lập trường có quy mô toàn cầu nhằm đối trọng tham vọng của Trung Quốc.

Để khôi phục lòng tin của cử tri trước cuộc bầu cử sắp tới, ông Trump tỏ ra gay gắt hơn khi chĩa mũi dùi vào Trung Quốc và vận dụng mọi công cụ trừng phạt khả thi. Một trong những vũ khí hiệu quả nhất chính là miêu tả Trung Quốc như một đối tượng bị chính các đối tác “ruồng bỏ và cô lập”. Mỹ có một lựa chọn là lôi kéo đối tác lâu năm của Trung Quốc là Nga vào nhóm “những bè bạn thân thiết”.

Về mặt chính thức, Nga luôn tỏ thái độ sẵn sàng cân nhắc những đề xuất về việc khôi phục G8. Ngay cả Tổng thống Putin cũng khẳng định lập trường cởi mở của Nga về G8. Tuy nhiên, song song với điều này, Nga lại đặt ra những hoài nghi về tính hiệu quả của G7 khi không có sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo giới phân tích, đây là tín hiệu rõ nét cho thấy Nga nhận thức được môi trường quốc tế đang biến động với sự hiện diện của những nhân tố mới. Nga không còn xem G7 hay G8 là một công cụ quản trị toàn cầu hiệu quả, mà nhìn nhận đây giống như một trong nhiều nền tảng hợp tác khác.

Cuộc chơi tay ba không dễ dàng cho cả Mỹ, Nga và Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý rằng sáng kiến của ông Trump về G7 vẫn chỉ là một “câu lạc bộ khép kín”, chứ không là “một đại diện thật sự” cho thế giới. Bà cũng nhấn mạnh rằng thiếu đi Trung Quốc, tập hợp này “khó có thể triển khai những sáng kiến toàn cầu quan trọng”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng Nga không chấp nhận việc bị biến thành quân bài trong nỗ lực đối trọng Trung Quốc của ông Trump. Trên thực tế, Nga hoan nghênh mọi cơ chế hợp tác song không muốn mạo hiểm quan hệ với những đối tác bền vững chỉ để đổi lấy việc có chân trong một nhóm quốc gia vốn không hoàn toàn chào đón họ.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov thậm chí còn mỉa mai rằng ông đồng ý với đánh giá của ông Trump rằng định dạng G7 đã lỗi thời và không còn phù hợp để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Không chỉ có Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Lavrov nhắc tới Bắc Kinh như một bên không thể thiếu trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Đại sứ Antonov cũng nói rằng thật khó hình dung việc giải quyết các vấn đề toàn cầu mà lại thiếu Trung Quốc. Quyết xóa bài của Mỹ nhưng Nga lại đang “giúp” Trung Quốc một cách đáng phải suy ngẫm.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-quyet-xoa-bai-cua-my-3405629/