Nga quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, đến lượt Nga cũng tuyên bố tương tự khiến cho số phận của cơ chế này có nguy cơ sớm 'đóng lại vĩnh viễn'.

Theo Reuters, ngày 15-1, Bộ Ngoại giao Nga thông báo nước này sẽ xúc tiến thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, vốn cho phép các máy bay do thám không có vũ trang bay trên lãnh thổ những quốc gia thành viên. Lý do được chính quyền Moscow đưa ra là các bên thiếu tiến bộ trong việc duy trì hiệp ước sau sự ra đi của Washington hồi cuối năm ngoái cũng như việc các bên khác không ủng hộ những đề xuất của Nga để thực hiện trong các điều kiện mới. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết, phía Moscow sẽ bắt đầu xúc tiến các thủ tục trong nước trước khi chính thức thông báo tới các nước thành viên của hiệp ước.

Tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ (trên) và máy bay ném bom Tu-95 của Nga bay trên không phận quốc tế giữa hai nước trong một hoạt động giám sát thuộc Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: NORAD

Tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ (trên) và máy bay ném bom Tu-95 của Nga bay trên không phận quốc tế giữa hai nước trong một hoạt động giám sát thuộc Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: NORAD

Ngay sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, Người phát ngôn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Piers Kazalet cho rằng, việc cả Mỹ và Nga cùng rời khỏi sẽ làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Hiệp ước Bầu trời mở trong khu vực; đồng thời cho biết thêm, các đồng minh NATO vẫn cam kết đối thoại với Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí trong thời gian tới. Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Đức bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nga thông báo chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, cho rằng đây là bước thụt lùi lớn đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu và có những tác động rất cụ thể đối với an ninh, lòng tin ở khu vực Bắc bán cầu. Trong khi đó, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide cho rằng, Hiệp ước Bầu trời mở đã đóng góp rất nhiều trong việc giảm thiểu rủi ro và bảo đảm an ninh chung. Theo bà Soreide, Oslo sẽ thảo luận với các thành viên còn lại về cách thức duy trì hiệp ước trong tương lai.

Có thể nói, đi cùng với việc Nga và Mỹ tự gạch tên mình khỏi Hiệp ước Bầu trời mở chính là sự rạn nứt ngày càng khó cứu vãn trong quan hệ song phương về kiểm soát vũ khí. Động thái trên được Nga công bố vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trong bối cảnh dư luận quốc tế đang lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới sắp bắt đầu bởi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START)-thỏa thuận vũ khí hạt nhân lớn cuối cùng mà Moscow ký với Washington năm 2010-sẽ hết hạn vào tháng 2 tới đây. Về phần mình, ông Biden tuyên bố muốn gia hạn thỏa thuận, nhưng chưa rõ thời hạn kéo dài cụ thể là bao lâu.

Hiệp ước Bầu trời mở được 34 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga và nhiều nước NATO ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ đầu năm 2002. Cơ chế này giúp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia tham gia thông qua việc công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang cũng như các hoạt động quân sự của nhau, thực hiện bằng thiết bị bay giám sát không mang theo vũ khí trên không phận của nhau nhưng phải được thông báo trước và trong hạn ngạch đã được thiết lập. Cũng theo các thỏa thuận, dữ liệu thu được trong các chuyến bay nên cung cấp cho tất cả các bên khác của thỏa thuận này và không nên cung cấp cho các bên không tham gia. Ngoài ra, các nước tham gia ký kết có quyền rút khỏi hiệp ước và có nghĩa vụ phải thông báo về quyết định này không quá 6 tháng trước ngày dự định rút lui.

Theo thống kê của AP, đã có hơn 1.500 chuyến bay được thực hiện theo tinh thần của Hiệp ước Bầu trời mở. Tuy nhiên, cả hai nhân tố chính là Mỹ và Nga thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước bằng cách hạn chế các khu vực bay hay dùng các rào cản kỹ thuật khác. Đỉnh điểm là vào ngày 22-11-2020, chính quyền Washington chính thức rút khỏi thỏa thuận sau 6 tháng thông báo ý định.

Điều mà dư luận quan ngại về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở có thể kéo theo hành động tương tự từ phía Nga đã trở thành hiện thực. Được coi là một trong những trụ cột bảo đảm an ninh ở "lục địa già", thỏa thuận đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, từ đó làm gia tăng nguy cơ xung đột và những tính toán sai lầm. Quyết định này có thể đảo ngược được hay không vẫn sẽ phụ thuộc vào các bên liên quan.

KHÁNH NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nga-quyet-dinh-rut-khoi-hiep-uoc-bau-troi-mo-649363