Nga quay lại châu Phi bằng đường sắt xuyên lục địa

Đường sắt sẽ là lựa chọn của Nga khi quay trở lại châu Phi, nước này cạnh tranh hay cùng khai thác với Trung Quốc?

Trang RT của Nga dẫn thông báo từ Ủy ban liên Chính phủ Nga- Sudan cho biết, đầu tư vào đường sắt xuyên lục địa nối Đông và Tây Phi sẽ nằm trong chiến lược của Nga.

"Phía Sudan đã bày tỏ sự quan tâm đến sự tham gia của các công ty Nga trong việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên châu Phi qua Dakar - Cảng Sudan - Cape Town" - thông báo của Ủy ban trên cho biết.

Dự án đường sắt xuyên lục địa sẽ là lựa chọn của Nga ở châu Phi.

Thông tấn TASS cho biết thêm, phía Nga đã xác nhận việc sẵn sàng tham gia dự án đường sắt nhưng đang cần các số liệu để nghiên cứu cụ thể hơn về vấn đề tài chính, pháp lý của dự án.

Tuyến đường sắt xuyên châu Phi là một phần trong kế hoạch của Liên minh châu Phi để kết nối cảng Dakar ở Tây Phi với cảng Djibouti ở Đông Phi. Nó sẽ chạy qua 10 quốc gia khác nhau (nhiều quốc gia nằm trong lục địa) và dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại trên lục địa.

Tuyến đường liên lục địa sẽ là sự mở rộng của Quốc lộ 5 châu Phi hiện tại (TAH5).

Giai đoạn đầu tiên sẽ là một dự án nâng cấp trị giá 2,2 tỷ USD cho 1.228 km đường sắt hiện có nối Dakar, Thủ đô của Sénégal và Bamako, thủ đô của nước láng giềng Mali.

Sự tham gia của Nga có thể sẽ là cạnh tranh, cũng có thể là sự bổ trợ với Trung Quốc khi nước này cũng đang đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng châu Phi thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng (BRI).

Nga gần đây đã chọn cách gây ảnh hưởng ở châu Phi bằng quân sự, ngoại giao năng lượng, bây giờ là cả đầu tư cơ sở hạ tầng.

Moscow có tầm ảnh hưởng quân sự mạnh mẽ ở châu Phi cả về số lượng binh lính trên thực địa lẫn các can thiệp quân sự ở các nước trong khu vực này. Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới và là một nhà cung cấp vũ khí lớn cho châu Phi.

Nhiều quốc gia châu Phi trực tiếp tham gia “các cuộc diễn tập quân sự” do Nga tổ chức hoặc đóng vai trò quan sát.

Nga đóng góp nhiều binh lính cho các đơn vị gìn giữ hòa bình của LHQ. Binh lính gìn giữ hòa bình của Nga ở châu Phi lớn hơn tổng số binh lính của Pháp, Anh và Mỹ.

Về mặt kinh tế, trọng tâm được đặt lên ngoại giao năng lượng. Các khoản đầu tư chủ chốt thuộc lĩnh vực dầu, khí và năng lượng hạt nhân với các "ông lớn" như Gazprom, Lukoil và Rosatom. Những công ty này có dự án đầu tư hoặc có những lợi ích ở Algeria, Ai Cập, Nam Phi, Uganda và Angola.

Do hầu hết các tập đoàn lớn của Nga hoàn toàn hoặc một phần thuộc sở hữu của nhà nước nên phần lớn lợi ích kinh tế từ Nga ở châu Phi thuộc dạng các quan hệ đối tác công-tư. Các khoản đầu tư của Nga hầu hết là do nhà nước chủ trì và thường liên quan đến các lợi ích quân sự và ngoại giao.

Sự gia tăng ảnh hưởng một cách vững mạnh hơn là đầu tư phát triển tại Lục địa đen. Điều này sẽ nâng tầm vị thế của Nga trong khu vực cũng như trao cho Moscow nhiều cơ hội trong kêu gọi sự trợ giúp của châu Phi trong các vấn đề quốc tế.

Trong bối cảnh ngay cả các nước châu Phi cũng ngại ngùng các dự án đầu tư của Trung Quốc vì kiểu đầu tư "ngoại giao bẫy nợ" thì Nga là một lựa chọn rất thích hợp.

Trung Quốc cũng giúp châu Phi làm đường sắt nhưng lại mang nợ nần tới.

Mỹ cũng đang tìm cách giành sự ảnh hưởng của mình ở châu Phi. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton trong bài phát biểu tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation) ở Washington D.C ngày 13/12 đã nói về tham vọng trở lại lục địa này của Mỹ.

Trong đó, ông Bolton không che giấu ý định cạnh tranh với Nga và Trung Quốc bằng cách bôi xấu kiểu đầu tư của đối thủ.

Ông Bolton đã cho rằng Trung Quốc đang dùng tiền để hối lộ, giành các thỏa thuận mập mờ và sử dụng chiến lược nợ để khống chế các quốc gia châu Phi phải làm theo mong muốn và yêu cầu của họ.

Còn Nga thì “tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong khu vực thông qua các thỏa thuận kinh tế mang tính chất tham nhũng”.

Hoạt động buôn bán năng lượng và vũ khí của Moscow là nhằm giành lá phiếu ủng hộ ở Liên Hiệp Quốc để duy trì vị thế cường quốc song lại gây ảnh hưởng tới nền hòa bình, an ninh cũng như đi ngược lại với lợi ích của người dân châu Phi.

Ông gọi đây là kiểu hành xử "cướp bóc" của Nga và Trung Quốc, gọi đó là "làm còi cọc tăng trưởng kinh tế ở châu Phi và đe dọa độc lập kinh tế của các quốc gia".

Thay vào đó, ông Bolton ca ngợi kiểu đầu tư của Washington là "có đi có lại, nhưng không khuất phục". Đồng thời nhấn mạnh, tầm nhìn của Mỹ đối với khu vực là "độc lập, tự chủ và tăng trưởng chứ không phải là sự phụ thuộc, thống trị và nợ nần".

Thế giới đang chờ sáng kiến mới của Mỹ mang tên “Prosper Africa” (Châu Phi Thịnh vượng) mà Washington đổ vào châu Phi sẽ mang tới điều kỳ diệu gì cho Lục địa đen?

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-quay-lai-chau-phi-bang-duong-sat-xuyen-luc-dia-3371140/