Nga phủ quyết điều tra VKHH Syria: Mỹ hối hận vụ Tomahawk?

Chính sách ngoại giao tên lửa hành trình không những khiến Washington phải tự đếm Tomahawk xịt, mà nó còn tước đi cơ hội mà Moscow đã tạo ra...

Nga liên tiếp phủ quyết việc kéo dài và mở rộng điều tra vũ khí hóa học Syria khiến Mỹ thất vọng

The Guardian ngày 18/11 cho hay, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã mô tả việc Nga phủ quyết, không cho phép kéo dài việc điều tra vũ khí hóa học tại Syria là hành động đáng xấu hổ.

Sau khi phủ quyết dự thảo nghị quyết của Mỹ, ngày 17/11 Nga tiếp tục phủ quyết dự thảo nghị quyết của Nhật Bản mở rộng Cơ chế Điều tra chung của LHQ (JIM) trong 30 ngày để có điều kiện đàm phán về một thỏa hiệp rộng rãi hơn.

Khi Nga phủ quyết, thì có 12 thành viên HĐBA bỏ phiếu thuận, Trung Quốc bỏ phiếu trắng, Bolivia bỏ phiếu chống.

Đây là lần thứ 11 Nga sử dụng quyền phủ quyết để chấm dứt hành động của HĐBA nhằm vào chính quyền Syria.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley

"Nga đang lãng phí thời gian của chúng ta, họ không quan tâm đến việc HĐBA tìm cách cứu JIM. Nga sẽ không đồng ý với mọi cơ chế có thể làm sáng tỏ việc sử dụng vũ khí hóa học của chế độ Syria. Thật đáng hổ thẹn", bà Haley gay gắt.

Cơ chế Điều tra chung (JIM) được thiết lập giữa Ủy ban Liên lạc LHQ về Syria với Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) do Nga và Mỹ bảo trợ, được HĐBA thông qua vào năm 2015 và năm 2016 đã được gia hạn thêm một năm.

Nhiệm vụ của JIM là xác định thủ phạm của các cuộc tấn công bằng vũ hóa học tại Syria. Trong bản báo cáo hồi tháng 10/2017, JIM đã kết luận chính quyền Syria có liên quan tới nhiều vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, bao gồm cả vụ ở Idlib.

Nga đã chỉ trích kết luận của JIM và quyết chấm dứt cơ chế này. Đại sứ Nga tại LHQ, Vassily Nebenzia, cho rằng : "Bất cứ việc kéo dài, mở rộng nào với JIM đều chỉ cung cấp thêm những sai sót căn bản trong công việc của họ".

Ông Nebenzia cáo buộc : "Lãnh đạo JIM đã tự làm hại mình bằng cuộc điều tra hư cấu về khí sarin ở thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib. Ban hội thẩm đã ký tên vào những cáo buộc vô căn cứ chống lại Syria", theo The Guardian.

Washington đang hối hận vì vội vã phóng tên lửa Tomahawk vào Syria?

Việc ra đời Cơ chế Điều tra chung được xem là hệ quả từ "sơ xuất" của chính quyền Tổng thống Barak Obama trong nước cờ vũ khí hóa học Syria.

Đó là thiếu cơ chế tái kiểm tra hay thanh sát về việc tuân thủ tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria.

Bởi khi nhận tiêu hủy và giám sát tiêu hủy 1.300 tấn vũ khí hóa học của Syria, Mỹ chỉ dựa trên số liệu do chính quyền Damascus cung cấp. Đây là một trong hai bước việt vị mà Tổng thống Obama đã mắc phải trong nước cờ vũ khí hóa học Syria.

Vì vậy, Washington đã cố đẻ ra JIM và được Moscow đồng thuận. Vì mục đích của Mỹ trong nước cờ vũ khí hóa học luôn là lật đổ Tổng thống Assad nên khi đề xuất cơ chế điều tra chung, Washington cũng hướng JIM phục vụ cho mưu đồ đó.

Washington phải tự đếm Tomahawk xịt

Tuy nhiên, Moscow đã nhận ra hiểm ý của Washington nên đã tạo ra những hạn chế với JIM trong cơ chế vận hành, từ đó khiến cho kết quả điều tra mà JIM đưa ra luôn rơi vào một trong hai trường hợp, hoặc vừa lòng Mỹ thì mất lòng Nga và ngược lại.

Khi nắm quyền lực, Tổng thống Donald Trump đã nhận ra sự bó hẹp của JIM nên đã xem nhẹ cơ chế này.

Điều đó thể hiện rõ qua việc Mỹ vội vã "cho Tomahawk bay vào Syria" trừng phạt Damascus mà Washington cho là thủ phạm của “sự kiện Idlib”.

Kết quả là cả những quả Tomahawk bay đến mục tiêu lẫn những quả Tomahawk bị xịt - mà đến nay Mỹ vẫn chưa biết lý do - đều không giúp tìm ra vũ khí hóa học của Syria cũng như không đủ công lực làm lung lay quyền lực của Tổng thống Assad.

Trong khi đó những nước đi khác của Washington nhằm hạ bệ Assad - như sứ mệnh của CIA - cũng mất tác hiệu. Điều đó buộc Tổng thồng Trump phải quay lại cơ chế điều tra chung và làm mới nó theo ý đồ của mình.

Để làm mới JIM thì kéo dài điều tra là quan trọng nhất. Đầu tiên, Washington sử dụng lá bài nhân sự tại OPCW qua việc chọn người tâm phúc đứng đầu tổ chức này và tiếp theo là tìm kiếm nghị quyết của HĐBA cho phép gia hạn sứ mệnh của JIM.

Tiếc thay, các nước đi của Washington đã bị Moscow bắt bài và thực hiện quyền phủ quyết của mình.

Hành động của Nga khiến Mỹ buộc phải lựa chọn, hoặc làm mới JIM theo cách của Nga hoặc JIM phải kết thúc sứ mệnh.

Khi Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley chỉ trích Moscow phủ quyết kéo dài việc điều tra vũ khí hóa học Syria là một hành động đáng xấu hổ, có thể thấy Washington cay đắng đến mức nào.

Trong sự bẽ bàng ấy, Washington không khỏi nuối tiếc về việc bỏ qua đề xuất của Moscow là cùng điều tra kỹ càng và thấu đáo “sự kiện Idlib” trước khi hành động. Đây được cho là cơ hội tốt nhất giúp Mỹ làm mới JIM mà gặp ít bất lợi nhất từ Nga.

Washington mệt mỏi khi Assad ngày càng vững vàng

Bởi, theo giới phân tích, trong thời điểm ấy Washington té nước theo Moscow là nhất cử lưỡng tiện, song Tổng thống Trump lại mặc định chính quyền Assad là thủ phạm gây ra “sự kiện Idlib” và vội vã ra lệnh cho phóng Tomahawk vào Syria.

Đến nay thì "chính sách ngoại giao tên lửa hành trình" của vị tổng thống doanh nhân không những khiến Washington tiếp tục rơi vào việt vị - phải tự đếm Tomahawk xịt - mà nó còn tước đi cơ hội dễ dàng làm mới JIM mà Moscow đã tạo ra.

Đại sứ Mỹ tại LHQ lên án "Nga đã giết chết JIM" và cảnh báo Mỹ có thể lại phóng Tomahawk vào Syria "nếu cần". Điều đó cho thấy, dường như Mỹ đã bó tay trong mưu đồ luật pháp hóa chính trị xoay quanh nước cờ vũ khí hóa học, lật đổ Assad.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-phu-quyet-dieu-tra-vkhh-syria-my-hoi-han-vu-tomahawk-3347475/