Nga phòng thủ cho cây cầu nối với Crimea

Cây cầu Crimea mà Moscow xây dựng nối liền bán đảo này với Nga đang trở thành chủ đề nóng bỏng trong quan hệ Nga-Ukraine, đồng thời nhiều chuyên gia lo ngại khả năng Ukraine có thể dùng không quân để phá hủy cây cầu này.

Cây cầu dài 19km nối liền lục địa Nga với bán đảo Crimea đã chính thức được thông xe vào hôm 15-5-2018. Đây là cây cầu dài nhất châu Âu nhưng cũng là cây cầu gây tranh cãi về chủ quyền và không loại trừ khả năng Ukraine sẽ tìm cách gây thiệt hại cho cây cầu này.

Hình ảnh buổi thông xe cây cầu Crimea hôm 15-5.

Đích thân Tổng thống Putin lái chiếc xe tải để đi dọc theo cây cầu này trong buổi khánh thành.

Theo tạp chí Newsweek, cây cầu – dành cho cả đường bộ lẫn đường sắt - nói trên sẽ là cầu nối duy nhất giữa Nga và bán đảo Crimea một khi đi vào hoạt động.

Với chiều dài 19 km, cầu Crimea đã trở thành cây cầu dài nhất tại châu Âu, vượt mặt cầu Vasco da Gama ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Hình ảnh cây cầu được chụp từ trên cao.

Phía Ukraine cực lực lên án việc Nga xây dựng cây cầu này. Ukraine cho rằng Nga đã lấy bất hợp pháp bán đảo Crimea của mình.

"Chúng tôi ước tính thiệt hại là khoảng 500 triệu grivna (hơn 19 triệu USD) mỗi năm. Đấy là thiệt hại trực tiếp vì sụt giảm dòng tàu vào ra hai cảng của chúng tôi trên biển Azov", tờ NewsOne dẫn lời Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraina Volodymyr Omelyan khi đề cập tới việc Nga khánh thành cây cầu nối bán đảo Crimea với miền nam nước Nga.

Ông này cũng nói thêm, thiệt hại gián tiếp của Ukraina từ cầu Crimea là khoảng 1 tỷ gryvnia (hơn 38 triệu USD), bởi vì, "trong từng giây eo biển Kerch đều bị nguy cơ đóng cửa". Eo biển Kerch nối biển Đen với biển Azov, tách Crimea ở phía tây với bán đảo Taman ở phía đông. Eo biển này rộng khoảng 4,5 đến 15 km và sâu tới 18 m. Cảng quan trọng nhất ở đây là thành phố Kerch.

Phía Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rằng, họ sẽ phá hủy cầu Crimea. Trước đó một tờ báo của Mỹ cũng khuyên Ukraine nên phá hủy сây cầu này, bởi vì nó như một biểu tượng xúc phạm đối với chính quyền Ukraine.

Hình ảnh máy bay chiến đấu Su-27 của không quân Ukraine.

Số lượng máy bay của không quân Ukraine chỉ còn 80 máy bay MiG-29, 20 máy bay Su-27, 24 máy bay Su-24M, 36 máy bay Su-25, 12 máy bay trinh sát Su-24MR, 38 máy bay huấn luyện L-39, 7 máy bay vận tải IL-76MD, 5 máy bay An-26, 1 máy bay chở VIP An-24 và Tu-134AK.

Dù số lượng máy bay bị giảm đi một cách chóng mặt so với thời điểm lúc mới độc lập, nhưng các chuyên gia đánh giá số máy bay này vẫn đủ sức để hạ cây cầu Crimea nếu xung đột nổ ra.

Các máy bay Su-27 được trang bị nhiều tên lửa không đối đất hoặc không đối hải đủ sức để phá hủy hoặc làm tê liệt cây cầu của Nga.

Tuy nhiên Nga cũng đã có những bước phòng bị cần thiết.

Đứng trước nguy cơ có thể bị tấn công bằng không quân Nga đã bố trí những lực lượng phòng không hùng hậu tới đây.

Nga còn triển khai cả hai tổ hợp S-400 tới bán đảo Crimea sẵn sàng cho những trường hợp cần thiết phải đánh trả để bảo vệ nơi này.

Trung tướng, cựu Phó tổng tư lệnh Không quân phụ trách các vấn đề về hệ thống phòng thủ của Nga, ông Aitech Bizhev khẳng định rằng, quân đội Ukraine không đủ khả năng phá hủy cầu Crimea.

“Hiện nay cây cầu này được bảo vệ chặt chẽ cả từ trên biển và trên không. Chúng tôi có một lực lượng gồm các máy bay chiến đấu và các hệ thống phòng không phòng thủ tên lửa, ví dụ như tổ hợp S-300, S-400 đủ khả năng chống lại các cuộc tấn công từ phía quân đội Ukraine..."

"Lực lượng phòng thủ và không quân Rostov-on-Donu có trách nhiệm bảo vệ cây cầu như một mục tiêu quan trọng"

Để bảo vệ cây cầu này sẽ có một lực lượng chuyên trách có trạm chỉ huy riêng – nơi có thể thu thập thông tin nhanh nhất”, chuyên gia này tiết lộ.

Ông cũng cho biết thêm rằng, trước khi bắt đầu xây dựng cây cầu này vấn đề an ninh đã được xem xét cẩn thận, trong đó bao gồm cả trường hợp khiêu khích từ phía Ukraine trong quá trình xây dựng cầu.

“Thực tế trong quá trình xây dựng họ không gặp bất kỳ các hành động khiêu khích nào, có chăng chỉ là việc Ukraine lên tiếng phản đối hành động này.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng các lực lượng từ trên không, trên biển và thậm chí tàu ngầm thường xuyên tăng cường giám sát, theo dõi tình hình. Chỉ cần phát hiện ra các mục tiêu lạ tiếp cận, ngay lập tức chúng sẽ bị tiêu diệt”, ông Bizhev nói thêm.

Ông Sergey Khatylev tiết lộ rằng, cây cầu được bảo vệ bởi hệ thống phòng không S-400 và các hệ thống phòng không trên bán đảo Crimea cùng với một đơn vị lực lượng Hải quân. Lực lượng này đủ khả năng đảm bảo an toàn cho nó.

“Chỉ cần xuất hiện bất kỳ mối đe dọa nào đối với cầu Crimea, các lực lượng này sẽ cùng nhau phối hợp và giải quyết chúng. Bằng tất cả lực lượng phải tăng cường bảo vệ cây cầu này”, ông nhấn mạnh.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-phong-thu-cho-cay-cau-noi-voi-crimea/769043.antd