Nga phóng tên lửa chống vệ tinh: Anh 'ra tay' ngăn chạy đua vũ trang

Anh đang đưa ra một nghị quyết tại Liên hợp quốc về an ninh không gian sau khi ngày càng có nhiều lo ngại rằng, không gian đang trở thành một đấu trường mới cho sự leo thang chạy đua vũ trang nguy hiểm.

Anh và Mỹ gần đây đã cáo buộc Nga phóng vũ khí chống vệ tinh lên không gian, điều được cho là phá vỡ lòng tin và kéo theo hậu quả cực kỳ rủi ro cho cộng đồng quốc tế.

Đề xuất đầu tiên về vấn đề này của Vương quốc Anh là kêu gọi mở một cuộc thảo luận khẩn cấp giữa các thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) để hướng tới một thỏa thuận toàn cầu. Văn bản được cho là nhằm tránh những hành động có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng không lường trước được.

Anh ra tín hiệu cảnh giác

Các quốc gia tham gia thảo luận, theo như Anh đề nghị, nên trình bày quan điểm của họ về "hành vi có trách nhiệm và đe dọa" với Tổng thư ký Liên hợp quốc để đưa vào báo cáo lên Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Mỹ và Anh cáo buộc Nga phóng vũ khí chống vệ tinh lên không gian. Ảnh: Getty.

Mỹ và Anh cáo buộc Nga phóng vũ khí chống vệ tinh lên không gian. Ảnh: Getty.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết "nhiều quốc gia sử dụng hệ thống vũ trụ quân sự để kiểm soát thông tin liên lạc chiến trường, hệ thống tên lửa phòng thủ và tấn công và thậm chí cả lực lượng hạt nhân của họ.

"Các hệ thống này rất dễ bị tấn công bởi các hệ thống vũ khí trên không gian và Trái đất, các hoạt động gây nhiễu và hoạt động xấu trên không gian mạng. Khi các quốc gia không thông báo về ý định của họ trong không gian hoặc có hành động theo cách đe dọa, nguy cơ bị trả đũa sẽ tăng lên, có khả năng gây ra hậu quả tàn khốc".

Sáng kiến của nước Anh, theo như họ tuyên bố, "tạo nên một cách tiếp cận mới - nhằm phá vỡ sự bế tắc về vấn đề không gian tại LHQ, tăng cường tính minh bạch và giảm nguy cơ tính toán sai lầm giữa các quốc gia – điều có thể dẫn đến xung đột".

Mặc dù vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) đã bị cấm trong không gian hơn nửa thế kỷ, nhưng có rất ít ràng buộc đối với việc triển khai kho vũ khí hoặc công nghệ mới trong không gian – những điều có thể làm hỏng hoặc phá hủy vệ tinh và các hệ thống vũ trụ khác.

Các quốc gia phương Tây tuyên bố loại vũ khí Nga được phóng vào tháng trước đã đưa việc chế tạo vũ khí không gian lên một tầm cao mới. Trong khi Điện Kremlin trước đây từng bị cáo buộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh, thì đây là lần đầu tiên có cáo buộc phóng vũ khí lên quỹ đạo và để chúng hoạt động trong không gian.

Mỹ và Anh tuyên bố Nga đã sử dụng tàu ngầm để che giấu hoạt động này. Vũ khí chống tên lửa được cho là phóng từ Cosmos 2543, một vệ tinh trong không gian thường dùng để khảo sát và kiểm tra.

Không gian là đấu trường mới

Thông báo về động thái này tại Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết: "Vương quốc Anh đang dẫn đầu cuộc thảo luận toàn cầu về việc có những hành vi trách nhiệm trong không gian. Chúng tôi tin rằng cần phải có một cách tiếp cận mới để tăng cường lòng tin và sự tin cậy giữa các quốc gia hoạt động trong không gian, nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hoặc một cuộc xung đột có thể gây ra hậu quả thảm khốc".

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói thêm: "Xung đột trong không gian tiềm ẩn những hậu quả sâu sắc, và tất cả các cường quốc nên nhận ra tầm quan trọng của điều này không chỉ đối với nền kinh tế của họ mà còn đối với an ninh toàn cầu. Việc ngăn chặn hoạt động ác ý và giảm nguy cơ xảy ra sự cố là vô cùng quan trọng đối với sự an toàn của Vương quốc Anh và đối với các hoạt động quân sự dựa vào các hệ thống trong không gian".

Tuy nhiên, sáng kiến này của Vương quốc Anh lại được đưa ra vào thời điểm quan hệ đặc biệt căng thẳng giữa Anh và Nga. Một báo cáo của Ủy ban An ninh và Quốc tế của Hạ viện Anh cáo buộc Moscow cố gắng can thiệp vào các cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland và Brexit, cùng với cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

Chỉ có bốn quốc gia - Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ - có khí tài đủ khả năng chống vệ tinh trong những thập kỷ qua.

Không gian đang được coi là một biên giới mới khi một số quốc gia thiết lập quyền chỉ huy và kiểm soát đối với các hệ thống trên không gian. Các dự án dân sự trên không gian đang được tận dụng – điều được cho là "con ngựa thành Troy" để tiến tới nỗ lực thống trị chiến lược.

Gần đây, người đứng đầu tổ chức vũ trụ của Nga đã chỉ trích kế hoạch của Mỹ đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng là "một dự án chính trị lớn", đồng thời cảnh báo rằng họ cũng đang đối thoại với Trung Quốc về việc thiết lập một căn cứ hoạt động trên mặt trăng.

Năm ngoái, Nasa đã công bố chương trình Artemis, kế hoạch nhằm đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2024.

Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, cho biết: "Đối với Hoa Kỳ, đây là một dự án chính trị lớn. Với dự án Mặt Trăng, chúng tôi đang thấy các đối tác Mỹ của chúng tôi từ bỏ các nguyên tắc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, vốn được hình thành với sự cộng tác của [Trạm vũ trụ quốc tế]".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nga-phong-ten-lua-chong-ve-tinh-anh-ra-tay-ngan-chay-dua-vu-trang-20200827092950748.htm