Nga-Pháp chung quan điểm với Iran: Mỹ đẩy EU sát về Nga

Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Nga Putin có chung quan điểm về cách ứng xử cần có trong cuộc khủng hoảng Mỹ Iran.

Ngày 18/7, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc thảo luận về thỏa thuận về hai đề tài nóng liên quan tới hai quốc gia này: thảo thuận hạt nhân Iran và xung đột miền Đông Ukraine.

Thông báo của Điện Kremlin nhấn mạnh: "Cả hai nhà lãnh đạo khẳng định thỏa thuận hạt nhân JCPOA đã đạt được năm 2015 là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo an ninh tại Trung Đông. Đây cũng là chế tài duy nhất để duy trì cơ chế không phát triển và phổ biến vũ khí hạt nhân".

Cả Pháp và Nga đều khẳng định không tham gia vào các hoạt động leo thang quân sự tại khu vực này. Đồng thời phát đi thông điệp gửi tới các bên liên quan cần kìm chế và chấm dứt mọi hành động có nguy cơ dẫn đến đụng độ quân sự.

Liên quan đến vấn đề Iran, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu EU về chính sách và an ninh đối ngoại, bà Fedirica Mogherini cho biết EU không coi các vi phạm của Tehran với JCPOA vừa qua là nghiêm trọng.

Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp trong một cuộc gặp mặt trực tiếp gần đây

Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp trong một cuộc gặp mặt trực tiếp gần đây

Đồng thời EU không có ý định kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp của thỏa thuận hay áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào vào Iran. EU ưu tiên giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng.

Bà Mogherini cũng khẳng định EU không tán đồng ý tưởng thành lập liên minh quân sự để giám sát hàng hải tại khu vực Eo biển Hormuz, vịnh Oman, vịnh Ba Tư...

Như vậy, có thể thấy trong vấn đề Iran, lập trường của Nga cho đến thời điểm này đồng nhất với quan điểm của EU. Hai bên đã lựa chọn đứng về một phía để cùng giải quyết cuộc khủng hoảng trên phương diện tôn trọng những thỏa thuận mà nhóm P5+1 đã có với Iran từ năm 2015.

Vì vậy, việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này và gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran là bước đi mang tính "một mình một phách". Hành động đó đã không nhận được sự tán đồng từ phía EU, một đồng minh thân cận của Mỹ.

Càng gia tăng căng thẳng ở vùng Vịnh, Mỹ càng ép EU phải lựa chọn: hoặc đứng về phía mình cùng gia tăng sức ép lên Iran, hoặc bảo vệ những thỏa thuận đã có trước đây để duy trì một tình trạng an ninh cho toàn khu vực.

EU đã lựa chọn quan điểm và công khai quan điểm ấy. Hiếm khi nào EU có quan điểm đi ngược lại với Mỹ. Và trong lần hiếm hoi đó, châu Âu đã tình cờ đứng chung hàng ngũ với Nga - quốc gia luôn bị coi là kẻ thù của cả EU.

Cần nhớ rằng căng thẳng với Iran xung đột trực tiếp với lợi ích của EU. Họ không được mua dầu, khí đốt từ nguồn cung này. Các hợp đồng nhiều tỷ Euro của các tập đoàn Pháp, Đức, Tây Ban Nha... về năng lượng với Iran bị hủy bỏ. Đồng thời, căng thẳng với nước xuất khẩu dầu đứng thứ 3 OPEC làm giá dầu bị đẩy lên cao, và EU - khu vực phần lớn phải nhập khẩu năng lượng để phục vụ nhu cầu của mình là bên chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Chưa dừng ở đó, nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao leo thang thành xung đột vũ trang, cơn biến động này sẽ lan sang toàn châu Âu, tiếp tục châm ngòi cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy. Đồng thời, làn sóng di cư tị nạn mới sẽ tiếp tục đổ bộ vào châu Âu, như tình trạng hiện nay của Syria.

Vì thế, lợi ích sát sườn của EU đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những hành động của Mỹ. Chỉ có điều, Washington tiếp tục không quan tâm đến lợi ích của đồng minh. Và EU phải nhìn nhận một cách khách quan rằng Nga mới là bên đang đứng chung chiến tuyến với họ về lợi ích trong vấn đề Iran.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-phap-chung-quan-diem-voi-iran-my-day-eu-sat-ve-nga-3384044/