Nga phấn đấu thu hẹp khoảng cách công nghệ UAV với Israel

Dù đang phải nhập khẩu một số loại UAV tối tân của Israel nhưng theo Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, Moscow sẽ sớm đuổi kịp Tel Aviv trong công nghệ này.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trước truyền thông Nga, Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin cho biết nước này đã thu hẹp khoảng cách và sẽ sớm bắt kịp Mỹ, Israel về công nghệ chế tạo các loại thiết bị bay không người lái (UAV) phục vụ cho mục đích chiến đấu và do thám.

Ông Rogozin nhấn mạnh: "Về vấn đề UAV, tôi cho rằng không có lý do gì để nói rằng Nga đang bị tụt hậu. Khoảng cách (với Mỹ, Israel) đang dần được thu hẹp và sẽ sớm bị loại bỏ hoàn toàn."

UAV do Israel sản xuất trong Không quân Nga.

Theo Sputnik, tuyên bố của ông Dmitry Rogozin không có gì là bất ngờ bởi hiện nay, mỗi nước đều có thế mạnh riêng về công nghệ riêng của mình. Chính vì vậy, trong khi UAV do Israel sản xuất được xuất khẩu đến một số cường quốc quân sự trên thế giới, trong đó có cả Nga và Mỹ thì nước này lại phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ quân sự khác của nước ngoài.

Nguồn tin này cho biết, Israel vừa quyết định mua thêm 4 tàu hộ tống lớp Meko của tập đoàn Đức ThyssenKrupp, trị giá 1 tỷ Euro và Tel Aviv sẽ được Chính phủ Đức hỗ trợ một phần giá trong thương vụ này.

Thông tin này nằm trong bức thư tuyệt mật được Quốc vụ khanh Bộ Tài chính liên bang Đức Steffen Kampeter gửi Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Quốc hội Gesine Lötzsch. Bức thư cũng cho biết Bộ Quốc phòng Đức muốn hỗ trợ số tiền lên tới 115 triệu Euro để "trang bị hệ thống quốc phòng cho Israel".

Không phải đến bây giờ thông tin Đức hỗ trợ tài chính cho Israel mua sắm chiến hạm lớp Meko mới được biết đến, thông tin này đã được hai bên thảo luận từ cuối năm 2009. Khi đó, chính phủ Israel đã xem xét khả năng đặt hàng hai tàu chiến mới miễn phí do Đức sản xuất cho lực lượng hải quân nước này.

Israel muốn sở hữu khinh hạm mới lớp Meko với công nghệ bảo vệ chống radar hiện đại. Sau đó, các chiến hạm hiện đại này còn được nâng cấp trang bị các tổ hợp tên lửa đánh chặn của Mỹ để chống lại tên lửa đạn đạo của Iran.

Trong hàng chục năm qua, Israel luôn nhận được sự hỗ trợ vũ khí từ Đức, bất chấp tình hình căng thẳng ở Trung Đông. Mới đây nhất là hồi cuối năm 2017, Hải quân Israel đã tiếp nhận chiếc tàu ngầm lớp Dolphin tiếp theo mang tên Tanin do Đức chế tạo đã cập cảng Haifa, tại lễ đón, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố mạnh mẽ:

"Sự kiện này phát thông điệp trong như pha lê tới các kẻ thù của chúng ta, rằng Nhà nước Israel kiên quyết đối mặt với bất kỳ đe dọa, thách thức nào vào bất cứ lúc nào. Trước tảng núi đe dọa, chúng ta sẽ mạnh mẽ bảo vệ bờ cõi trên bộ bằng hàng rào, không phận bằng vòm phòng không và hải phận bằng tàu ngầm".

Tất cả tàu ngầm lớp Dolphin Đức chuyến giao cho Israel là loại tàu ngầm chạy bằng động cơ AIP. Nó được dựa trên mẫu tàu ngầm lớp 209 mà Đức chế tạo để dành riêng cho việc xuất khẩu tới các khách hàng nước ngoài.

Israel hiện có 6 chiếc loại này. Về hỏa lực, tàu ngầm lớp Dolphin trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm, có khả năng thả được cả thủy lôi, phóng được ngư lôi và tên lửa ngầm đối hạm với cơ số đạn 16 quả.

Ngoài ra, nó còn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 650mm SDV, có khả năng phóng tên lửa hành trình tầm trung, mang đầu đạn hạt nhân Popeye Turbo, tầm bắn 1500km.

Theo một số nguồn tin quân sự, trong tổng cộng 6 chiếc tàu ngầm lớp Dolphin Israel tiếp nhận từ Đức thì chỉ có 2 chiếc vừa tiếp nhận đúng nghĩa là mua bán, còn những chiếc đầu tiên Đức chuyển giao dưới hình thức hỗ trợ tài chính.

Ngoài ra, Israel còn sử dụng một số loại vũ khí khác do Đức sản xuất - những vũ khí có công nghệ chỉ tương đương, thậm chí thua kém sản phẩm tương tự của Nga. Có thể nói, vũ khí Đức hiện diện trong quân đội Israel không quá nhiều nhưng đó đều là những vũ khí đặc biệt quan trọng có ý nghĩa chiến lược với Nhà nước Do Thái.

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-phan-dau-thu-hep-khoang-cach-cong-nghe-uav-voi-israel-3355174/