Nga phải lấy lại từ Boeing, Airbus không chỉ titan

Chúng tôi mới giới thiệu bài 'Kremlin định bóp nghẹt Mỹ bằng cuộc chiến titan?' (DVO,6/3/2021).

Để cung cấp thêm một cách nhìn, xin giới thiệu tiếp bài viết với tiêu đề trên trình bày quan điểm và đề xuất của một chuyên gia Nga nữa- đó là chuyên gia Xergey Marzhetsky. Sẽ có một số thông tin lặp lại bài trước, xin bạn đọc thông cảm.

Kremlin định bóp nghẹt Mỹ bằng cuộc chiến titan?

Mấy hôm trước đây, Mỹ đã noi theo tấm gương Liên minh Châu Âu và áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì "vụ Navalny."

Các biện pháp hạn chế được áp dụng chủ yếu là với các quan chức các cơ cấu sức mạnh Nga (đã giải thích trong bài trước-ND), một số nhân vật chính trị, ba viện nghiên cứu khoa học quân sự bị cáo buộc có liên quan đến việc chế tạo vũ khí hóa học. Matxcova liệu có thể trả đũa Washington không và phải đáp trả như thế nào?

Bất kỳ một biện pháp trừng phạt và phản trừng phạt nào cũng đều nhằm đạt được một số mục tiêu cụ thể nhất định.

Bằng cách phát hành "các con dấu đen" đóng vào một số cá nhân Nga, Nhà Trắng hy vọng sẽ biến càng nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong giới quyền lực cao nhất tại Nga thành những người chống lại nguyên thủ quốc gia đương nhiệm (V.Putin) càng tốt.

Tổng thống Joe Biden đã từng nói thẳng thừng rằng nước Mỹ dưới thời Đảng Dân chủ một lần nữa quay trở lại với chính sách "Cách mạng màu" nhằm thay đổi những chế độ mà Mỹ không ưa ở các nước khác. Các mục tiêu hàng đầu cũng đã được “bạch hóa”- đó là Trung Quốc và Nga.

Trong danh sách “Navalnyi” của Mỹ, cũng giống như danh sách (trừng phạt) của người Châu Âu, có tên người đứng đầu FSB (Cơ quan An ninh Liên Bang) Alexandr Bortnhikov, Tổng công tố viên Igor Krasnov, người đứng đầu FSIN (Cơ quan Thi hành án Liên bang) Alexandr Kalashnikov, hai thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng như một số nhân vật trong Văn phòng Tổng thống LB Nga, v.v.

Vậy, chúng ta (Nga) phải đáp trả như thế nào?

Nhà tự do dân chủ chủ chốt của đất nước chúng ta, ngài Vladimir Zhirinovsky, với một phong cách đã thành thương hiệu không thể bắt chước được của mình, đề xuất như sau:

“Hãy lấy nước Mỹ làm ví dụ, - các máy bay của họ bay bằng… titan và các kim loại khác của chúng ta. Chúng ta sẽ không bán (titan, kim loại) nữa, và tất cả những chiếc máy bay này của Mỹ sẽ không bay được. Các tên lửa của chúng ta mang các thiết bị vũ trụ khác nhau của họ lên không gian vũ trụ...”.

Nhân trường hợp này, tôi muốn gián tiếp trả lời Vladimir Volfovich (Zhirinovsky ) như sau:

Thứ nhất, chính các tên lửa vũ trụ là lĩnh vực mà mọi thứ của chúng ta giờ đã không còn tốt đẹp như ngày xưa, và vâng, Mỹ đã vượt lên trước chúng ta rất xa.

Hiện giờ họ đã có các tên lửa- phương tiện mang (tên lửa đẩy) hạng nặng và các tàu vũ trụ của riêng mình, và họ đang dự định làm chủ Mặt Trăng, đã lên kế hoạch chinh phục Sao Hỏa.

Việc từ chối các hoạt động thương mại có lợi cho Hoa Kỳ và các đối tác của họ sẽ là một thêm một phát súng nữa bắn vào chân của tập đoàn “Roscosmos” vốn đã chịu quá nhiều tai ương.

Thứ hai, "không bán titan" cho Phương Tây cũng không phải là một ý tưởng hay ho. Vâng, quả đúng là có tới khoảng 30% lượng titan sử dụng trong quy trình sản xuất máy bay Boeing là titan nhập khẩu từ Nga.

Với Airbus, tỷ lệ thậm chí còn cao hơn. Bằng một lệnh cấm cung cấp nguyên liệu thô, chúng ta thực sự có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho hai tập đoàn này. Tuy nhiên, Nga không phải là nước độc quyền trên thị trường titan và các kim loại hiếm khác.

Các chuỗi logistics và thương mại sẽ được tổ chức lại, và các đối thủ cạnh tranh sẽ chiếm thị phần cung cấp titan của chúng ta. Trong khi đó các nhà xuất khẩu trong nước sẽ bị “bỏ lại phía sau” mà không có thị trường tiêu thụ chắc chắn nào bảo đảm.

Mà như thế cũng vẫn còn là một kịch bản tốt đấy. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như, để đáp trả các lệnh trừng phạt chống Phương Tây của Nga như vậy, Mỹ và Liên minh Châu Âu từ chối bán máy bay mới cho Nga và cũng từ chối bảo dưỡng những máy bay đã được bàn giao- đang khai thác?

Ở nước ta, có khoảng 95% số khách vận chuyển bằng đường hàng không bay trên các máy bay chở khách nhập khẩu do hai hãng này sản xuất.

Nếu không có nguồn cung cấp phụ tùng- linh kiện mới, các hãng hàng không Nga trước hết sẽ buộc phải "xẻ thịt" một số máy bay này để lấy phụ tùng – linh kiện sửa chữa những chiếc máy bay khác.

Chi phí cho các chuyến bay vốn đã cao ngất ngưỡng sẽ tăng vọt ngay lập tức. Và sau đó thì toàn bộ loại hình kinh doanh này chắc chắn sẽ ngày càng thu hẹp lại. Khả năng kết nối bằng đường không một đất nước rộng lớn như chúng ta sẽ trở thành câu chuyện khoa học viễn tưởng.

Về vấn đề này, tôi muốn đưa ra một “đề xuất ngược” như sau. Vì tất cả các lệnh trừng phạt đều cho thấy rất rõ sự phụ thuộc của Nga vào Phương Tây, nên phương án đáp trả thông minh nhất sẽ là từng bước và nhất quán giảm dần sự lệ thuộc đó.

Có lẽ đúng là nên giảm khối lượng cung cấp titan cho Mỹ và các nước EU. Nhưng trước tiên, cần phải hồi sinh hoàn toàn tất cả các phân khúc của ngành công nghiệp chế tạo máy bay dân dụng trong nước:

nội địa hóa 100% dây chuyền sản xuất máy bay “Superjet” cho vận tải cung đường ngắn, khởi động dây chuyền sản xuất máy bay MS-21 đường bay trung bình, triển khai sản xuất hàng loạt động cơ cực mạnh PD- 35và với động cơ ưu việt này, chế tạo máy bay Il-96 thân rộng đường bay dài thành một máy bay có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Nhưng trước hết chúng ta hãy sản xuất đủ số lượng những máy bay như vậy, chuẩn bị mọi cơ sở hạ tầng cần thiết và sau đó- cho việc bảo dưỡng kỹ thuật và khai thác chúng, cả ở Nga và cả ở nước ngoài, tìm cách xuất khẩu các máy bay chở khách sang các nước thân thiện với chúng ta, chiếm dần thị phần của Boeing và Airbus.

Titan nội địa khi đó sẽ được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay trong nước. Và như vậy, do khối lượng xuất khẩu titan giảm nên giá mua của các đối tác phương Tây sẽ phải tăng tương ứng.

Một chính sách kinh tế kiểu như vậy mới là biện pháp đáp trả tốt nhất trước các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, bởi vì như thế Nga sẽ trở nên độc lập hơn và các lợi ích của các tập đoàn Phương Tây khổng lồ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Tất cả những thứ khác còn lại- đều chỉ là một chủ nghĩa dân túy thuần túy và các tuyên bố mị dân. Cũng cần hành động theo cách thức tương tự trong các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp như công nghiệp vũ trụ, đóng tàu và chế tạo máy... .

Cần đầu tư vào chính đất nước của mình, chứ không phải dồn tiền vào các "gói" chứng khoán nước ngoài, và cần phải hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước không phải bằng lời nói- mà phải bằng những hành động cụ thể.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-phai-lay-lai-tu-boeing-airbus-khong-chi-titan-3428609/