Nga nói gì khi phi công Trung Quốc khẳng định 'J-16 vượt mọi biến thể Su-30'?

Một phi công kỳ cựu Trung Quốc mới đây khẳng định tiêm kích đa năng J-16 do nước này phát triển từ Su-27 đã vượt trội mọi biến thể Su-30 của Nga.

Phi công Vương Tôn Tây (một sĩ quan khá nổi tiếng của Không quân Trung Quốc - PLAAF) trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV 7) đã đưa ra quan điểm rất đáng chú ý.

Phi công Vương Tôn Tây (một sĩ quan khá nổi tiếng của Không quân Trung Quốc - PLAAF) trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV 7) đã đưa ra quan điểm rất đáng chú ý.

Theo viên phi công kỳ cựu, tiêm kích đa năng J-16 sản xuất tại Tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương và đang được biên chế hàng loạt cho đơn vị tác chiến của PLAAF thuộc thế hệ 4++.

“Máy bay chiến đấu J-16 (bao gồm cả phiên bản tác chiến điện tử J-16D) đã vượt qua các tiêm kích đa năng hạng nặng thuộc dòng Su-30 của Nga về gần như toàn bộ các thông số kỹ chiến thuật”.

“Sự vượt trội thể hiện ở cả hệ thống điện tử hàng không và đặc tính điện động lực, hệ số giảm diện tích phản xạ radar (RCS), J-16 chỉ giữ lại bố cục khí động học của khung máy bay”, phi công Vương nói rõ.

Trước tình hình trên, báo chí Nga nhận định rằng để tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu hay mang lại tinh thần và trạng thái tâm lý cao cho quân nhân, các nhà sản xuất vũ khí đã sử dụng công cụ quảng bá rất tinh vi và không phải lúc nào cũng khách quan.

Giới chuyên gia quân sự Nga phản bác khi nhấn mạnh viên phi công Trung Quốc đang so sánh thông số kỹ chiến thuật của thiết bị điện tử trên tiêm kích Su-30MKK và Su-30MK2 phần nào đã lạc hậu.

Những chiến đấu cơ này được cung cấp cho PLAAF từ cách đây 20 năm, chúng thực sự thua kém đáng kể J-16 khi đối đầu lúc tập trận (cả khi thực hiện nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt nước và đánh chặn tầm xa).

Lý do là bởi Su-30 của Trung Quốc tích hợp radar mảng pha thụ động (PESA) N001VE, đảm bảo thực hiện chế độ lập bản đồ địa hình và khẩu độ tổng hợp "cắt ngắn" (SAR) với độ phân giải thấp, chỉ cho phép phát hiện và phân loại mục tiêu có tham số RCS lớn.

Ngoài ra công suất và khả năng chống nhiễu của radar N001VE khá thấp, nó chỉ bám bắt được mục tiêu trên không có RCS 1m2 cách xa 75 - 80 km trong trường hợp đối phương không sử dụng các biện pháp đối phó điện tử.

Thực tế cho thấy radar mảng pha chủ động (AESA) năng lượng cao và chống nhiễu tốt của J-16 có phạm vi bám bắt mục tiêu với RCS 1 m2 từ xa 130 - 150 km, và khả năng chống nhiễu ở mức cao, chỉ bị giảm một chút phạm vi hoạt động trong môi trường gây nhiễu mạnh.

Khả năng này đạt được là do sự hiện diện trong kiến trúc điện tử của radar AESA tiên tiến, gồm hơn 1.500 module thu - phát, mỗi module được trang bị một bóng bán dẫn vi sóng arsenide/gallium nitride riêng lẻ.

Hơn nữa loại radar này còn có khả năng hoạt động ở khẩu độ tổng hợp (SAR), khẩu độ tổng hợp ngược (ISAR) và theo dõi mục tiêu mặt đất di chuyển theo thời gian thực.

Tuy khí tài trang bị cho J-16 rất tiên tiến, nhưng phía Nga cho rằng cần phải so sánh J-16 với những sửa đổi hiện đại hơn, ví dụ như biến thể Su-30SM2 chuẩn bị đưa vào biên chế.

Mặc dù radar N035 Irbis sẽ trang bị cho Su-30SM2 thuộc loại PESA có thể thua kém đáng kể so với radar AESA của J-16 về khả năng chống nhiễu, nhưng công suất lại cao hơn (cung cấp phạm vi thu nhận mục tiêu với RCS 1 m2 ở khoảng cách 250 - 270 km).

Với radar N035 Irbis, tiêm kích Su-30SM2 sẽ có khả năng “thấy trước và bắn trước” J-16 trong tình huống đối đầu trực tiếp, đặc biệt khi Nga còn đang hoàn thiện tên lửa không đối không tầm xa “sản phẩm 180”.

Nhưng lại phải lưu ý đến một chi tiết đó là Su-30SM2 vẫn còn trên giấy, trong khi J-16 đã trực chiến từ nhiều năm nay và chưa có gì đảm bảo chiến đấu cơ Nga thực sự sở hữu những tính năng nổi trội như họ vẫn công bố.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-nga-noi-gi-khi-phi-cong-trung-quoc-khang-dinh-j-16-vuot-moi-bien-the-su-30-post464324.antd