Nga nhận tìm tàu ngầm Argentina khi Mỹ bất lực

Trong khi Mỹ và lực lượng tìm kiếm của hơn 10 đã nhập cuộc ngay sau khi tàu San-Huan mất tích từ hôm 15/11, Nga mới có đề nghị giúp đỡ Argentina.

Nga nhập cuộc

Hãng Sputnik dẫn nguồn tin từ cơ quan báo chí của Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Argentina, người đồng cấp Nga - ông Vladimir Putin đã đề nghị hợp tác và giúp đỡ trong việc tìm kiếm tàu ngầm San-Huan bị mất tích hôm 15/11 trên Đại Tây Dương.

"Trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ muốn hỗ trợ tìm kiếm chiếc tàu ngầm San Juan bị mất tích ở Đại Tây Dương", tuyên bố cho biết.

Bên Nga đề nghị Argentina giúp đỡ trong hoạt động tìm kiếm. Các lãnh đạo hai nước cũng đồng ý thiết lập liên lạc giữa hai Bộ quốc phòng để cứu hộ thủy thủ tàu ngầm. Trước đó Hải quân Argentina tuyên bố rằng "giai đoạn khẩn cấp" của hoạt động tìm kiếm tàu ngầm đã bắt đầu.

Tàu ngầm San Juan trước khi mất tích.

Tàu ngầm San Juan trước khi mất tích.

Dù Nga đã chính thức đề nghị giúp đỡ Argentina nhưng đây được xem là lời đề nghị khá muộn bởi theo nhận định của nhiều chuyên gia, cơ hội tìm thấy những thủy thủ trên tàu còn sống là gần như không còn. Vậy, Nga sẽ dùng phương tiện nào để thực hiện công tác tìm kiếm của mình?

Theo truyền thông phương Tây, nhiều khả năng hệ thống SOKS sẽ được sử dụng bởi đây được xem là hệ thống tối tân hàng đầu của Hải quân Nga hiện nay. Nguyên lý hoạt động của nó chính là lợi dụng việc tàu ngầm thải ra một loạt chất hóa học như kẽm và nickel trong khi đang bơi. Dù chỉ một lượng cực nhỏ nhưng vẫn có thể bị nhận ra nếu dùng trang bị đo đạc tối tân.

Báo cáo của CIA đã cho biết "Một hệ thống định vị dựa trên các kỹ thuật này của Nga có thể phát hiện dấu vết sót lại của tàu ngầm từ trước đó vài giờ, và Liên Xô và Nga ngày nay đã thành công trong việc dùng công nghệ này để định vị tàu ngầm của chính họ".

Nếu thực sự SOKS thần diệu như những gì đã nói ở trên, Liên Xô trước kia và Nga ngày nay đã sở hữu công nghệ có một không hai, giúp họ phát hiện tàu ngầm Mỹ một cách bí mật, khiến cho ưu thế về độ tĩnh lặng của chúng không còn ý nghĩa.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra sự nghi ngờ về tài liệu này, họ dẫn chứng thực tế là nếu tàu ngầm Liên Xô và Nga có thể đứng "trong bóng tối" định vị và theo dõi tàu ngầm Mỹ một cách dễ dàng thì sẽ không có sự cố chìm tàu ngầm nguyên tử Kursk.

Chính vì vậy, hệ thống này bị đánh giá không có khả năng phát hiện mục tiêu tĩnh. Và việc tìm kiếm tàu ngầm Argentina bằng hệ thống SOKS được xem là thiếu hiệu quả.

Phủ nhận tiếng động lạ

Theo nhận định của những chuyên gia hàng đầu, dù lực lượng tìm kiếm được triển khai khá hùng hậu nhưng điều này không đồng nghĩa với việc sẽ tìm được những thủy thủ còn sống trên chiếc tàu ngầm gặp nạn.

Hãng Reuters dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Hải quân Argentina Enrique Balbi vừa tiết lộ thông tin bất ngờ rằng, một âm thanh bất thường đã được phát hiện ngay trong ngày tàu ngầm San Juan với thủy thủ đoàn 44 người, mất tích ở Đại Tây Dương.

Nhưng khi được truyền thông yêu cầu nói rõ về bản chất của âm thanh nói trên, phát ngôn viên hải quân Argentina Enrique Balbi từ chối cho hay đó có phải là tiếng nổ hay âm thanh khẩn cấp từ tàu San Juan hay không.

Trước đó, vị phát ngôn viên này cho hay lần liên lạc cuối cùng của tàu ngầm San Juan với giới chỉ huy hải quân là vào sáng 15/11, khi tàu đang trở về căn cứ ở thành phố Mar del Plata thuộc phía đông nam Argentina sau khi kết thúc một nhiệm vụ bình thường ở thị trấn Ushuaia, gần mũi cực nam của nước này.

Mặc dù chưa có tín hiệu tích cực nào nhưng việc tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích San Juan vẫn được lực lượng của hơn 10 quốc gia thực hiện không ngừng nghỉ bất chấp sự bất lợi của thời tiết.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-nhan-tim-tau-ngam-argentina-khi-my-bat-luc-3347669/