Nga nhắc Mỹ về mối nguy tên lửa Trung Quốc

Rút khỏi INF để đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa, Mỹ đang đẩy mình vào một cuộc đọ sức không có cơ hội giành phần thắng.

Tên lửa Trung Quốc áp đảo

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) (là hiệp ước về việc tiêu hủy các tên lửa tầm trung và tầm ngắn) vì Nga không tuân thủ hiệp ước này.

Tuy nhiên, những tuyên bố mang tính giải thích của Tổng thống Trump và giới chức Mỹ cho thấy động cơ của quyết định này còn liên quan tới Trung Quốc. Theo ông Trump, Mỹ sẽ tăng số lượng vũ khí hạt nhân cho đến khi Nga và Trung Quốc “bình tĩnh” trở lại.

Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố rút khỏi INF hôm 20/10

Trang Sputnik của Nga dẫn đánh giá của chuyên gia Vasily Kashin cho rằng việc Mỹ rút khỏi INF để đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa đồng nghĩa với việc Mỹ đang đẩy mình vào một cuộc đọ sức mà họ không có cơ hội giành phần thắng.

Theo chuyên gia Kashin, Mỹ sẽ luôn là bên thua cuộc trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc về số lượng tên lửa đạn đạo tầm trung, trong khi đó, chất lượng của các tên lửa Trung Quốc có thể sánh được với Mỹ hoặc thậm chí tốt hơn.

Mỹ đã phải mất nhiều năm để phát triển và thử nghiệm các loại tên lửa. Ngoài ra, nước này còn cần thiết lập hệ thống sản xuất hàng loạt và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, Trung Quốc có sẵn các cơ sở sản xuất đang vận hành hết công suất. Trung Quốc đang sản xuất các loại tên lửa có tầm bắn 4.000km và đang phát triển các loại tên lửa mới (bao gồm cả tên lửa có thể mang đầu đạn siêu vượt âm).

Theo chuyên gia Nga, các cơ sở sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc được tách ra khỏi các doanh nghiệp sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa và có đến hàng chục nghìn người đang làm việc để sản xuất tên lửa tầm trung ở Trung Quốc.

Chuyên gia Nga cảnh báo sức mạnh tên lửa áp đảo của Trung Quốc

Hơn nữa, chuyên gia Nga đánh giá việc Mỹ có ý định bố trí các tên lửa ở châu Á là rất bất tiện. Việc triển khai Hệ thống tên lửa phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc đã cho thấy Trung Quốc có thể sử dụng các công cụ kinh tế để trừng phạt bất kỳ quốc gia nào trong khu vực có ý định triển khai các hệ thống chiến lược của Mỹ (phòng thủ hoặc tấn công) trên lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, Mỹ không thể làm gì để giúp đỡ các đồng minh của họ. Do vậy, người dân Hàn Quốc không muốn để Mỹ bố trí các tên lửa tầm trung ở nước này. Nhật Bản cũng ít có khả năng sẽ đồng ý để Mỹ bố trí các tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) trên lãnh thổ nước này.

Philippines và Thái Lan thì được chuyên gia Nga coi là “những đồng minh không đáng tin cậy” đang hướng về Trung Quốc và có mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Vì vậy, rất khó để Mỹ triển khai các tên lửa nhắm vào Trung Quốc ở hai nước này.

Cảnh báo Nga-Trung hợp lực

Với lập luận trên, chuyên gia Nga nhận định rằng ở châu Á, không có nơi nào để Mỹ bố trí các tên lửa với đặc tính kỹ thuật tương tự như Pershing 2 và Gryphon thời Chiến tranh Lạnh để chống lại Trung Quốc.

Cần phải có các hệ thống tên lửa để triển khai ở miền bắc Australia hoặc trên Quần đảo Mariana có tầm bay xa tương tự như hệ thống tên lửa đạn đạo di động Pioner của Liên Xô.

Mỹ có muốn các tên lửa kiểu này không phải vì Trung Quốc đang sở hữu rất nhiều tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình tầm trung, mà do xu hướng phát triển kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Rất có thể vào cuối thập kỷ tới, Trung Quốc có thể trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba với bộ 3 hạt nhân đầy đủ giá trị, với số lượng đầu đạn tương đương với Nga và Mỹ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-nhac-my-ve-moi-nguy-ten-lua-trung-quoc-3368094/