'Ngã ngửa' với máy bay không người lái cỡ lớn của Nga

Hiện tại ngành công nghiệp quốc phòng Nga chưa có khả năng chế tạo các máy bay không người lái vũ trang với tính năng tiệm cận sản phẩm phương Tây.

Trong suốt thời gian dài vừa qua, người Nga vẫn đang phải loay hoay với lĩnh vực chế tạo máy bay không người lái. Thực tế cuộc chiến tại Gruzia năm 2008 và hiện nay là ở Syria đã cho thấy rõ điểm yếu này của Nga.

Tại Gruzia, chính vì không có UAV đủ khả năng trinh sát chiến trường sau khi thất bại trong thương vụ mua sắm với Israel đã khiến Nga buộc phải điều Tu-22M làm thay, dẫn tới việc nó bị phòng không đối phương bắn rơi.

Ở Syria, do không có UAV vũ trang và chỉ điểm cho nên đã yêu cầu đặc nhiệm Nga nhiều lần phải tiến sát vào vị trí đóng quân của địch để làm thay máy móc dẫn tới nguy cơ thương vong lớn và làm chậm nhịp độ tác chiến.

Máy bay dân dụng Diamond DA42 Twin Star

Hiện nay Nga đang rất cố gắng để thu hẹp khoảng cách với phương Tây trên lĩnh vực UAV trinh sát - tấn công cỡ lớn nhưng thực tế cho thấy rằng để đuổi kịp Trung Quốc hay Iran cũng là rất khó khăn với Moskva vào thời điểm hiện tại.

Theo các nhà quan sát, máy bay không người lái như Orlan-10 được Nga sử dụng tại Syria có độ thô sơ đến khó tin.

Chiếc Korsar có khá hơn thời gian hoạt động trên không ngắn, tải trọng vũ khí lại thấp, chưa thể thay thế chiến đấu cơ trên chiến trường.

Việc nghiên cứu thiết kế một loại UAV tính năng tiệm cận MQ-1 Predator của Mỹ vẫn còn là tương lai xa đối với người Nga, cho nên trong giai đoạn trước mắt họ đành phải tạm "chữa cháy" bằng một giải pháp cực kỳ lạ lùng.

Máy bay không người lái vũ trang DA42B do Nga sửa đổi từ chiếc DA42 có người điều khiển

Nga đã mua một số máy bay dân dụng hạng nhẹ 2 động cơ DA42 Twin Star do Áo sản xuất, họ loại bỏ khoang lái cho phi công để lắp đặt các khí tài điện tử và dẫn đường nhằm biến nó thành một chiếc UAV.

Chiếc DA42B của Nga có thể điều khiển từ cách xa 250 km, mang theo tải trọng vũ khí 600 kg, tuần tra liên tục trên không được 12 tiếng, tuy rằng còn xa mới đạt tới các thông số của Predator hay Reaper nhưng đây vẫn là bước tiến lớn với người Nga.

Nhờ khối quang điện dưới mũi mà chiếc DA42B có thể mang theo tên lửa chống tăng Ataka trong những phi vụ tấn công, tuy nhiên không biết nó có truyền được hình ảnh về sở chỉ huy theo thời gian thực hay không?

Đây dĩ nhiên chỉ là giải pháp chữa cháy tạm thời, về lâu về dài Nga vẫn phải tập trung đầu tư mạnh cho công việc nghiên cứu để tạo ra được một chiếc UCAV đích thực.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-ngua-voi-may-bay-khong-nguoi-lai-co-lon-cua-nga-3361311/