Nga ngỏ ý bán S-400 cho Mỹ: Đòn tâm lý

S-400 không phải là một hệ thống tấn công, nó là một hệ thống phòng thủ. Chúng tôi có thể bán vũ khí cho Mỹ nếu họ muốn mua.

Trả lời phỏng vấn với tờ Washington Post hôm 10/2, Giám đốc điều hành Tập đoàn Rostec Sergey Chemezov khẳng định:

''S-400 không phải là một hệ thống tấn công, nó là một hệ thống phòng thủ. Chúng tôi có thể bán vũ khí cho Mỹ nếu họ muốn mua. Thật sự không vấn đề bất cập từ quan điểm chiến lược''.

Khi được hỏi lý do đằng sau việc bán hệ thống vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, lãnh đạo tập đoàn Rostec cho biết, việc bán hệ thống S-400 cho một quốc gia thành viên NATO không làm xáo trộn an ninh của Nga.

''Trái lại, nếu một quốc giá có thể đảm bảo an toàn không phận, họ sẽ cảm thấy an toàn hơn. Và những ai có ý định muốn tấn công nước này sẽ phải suy nghĩ kỹ'', ông Chemezov giải thích.

Ông cho biết, những hệ thống như vậy đang có nhu cầu cao ở nhiều quốc gia và Nga đã nhận đươc nhiều đơn đặt hàng.

Vào cuối tháng 12/2017, Nga và Thổ Nhĩ kỳ đã ký một hợp đồng cung cấp hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Nga sử dụng S-400 từ năm 2007.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga

Tuyên bố của Giám đốc điều hành Tập đoàn Rostec nói lên nhiều điều. Trước mắt, việc Nga sẵn sàng bán S-400 cho Mỹ để Washington thấy rằng, thương vụ mua bán loại tên lửa này với Ankara sẽ không có gì đáng ngại.

Tuy nhiên, giữa nói và làm là cả một khoảng cách dài. Mặt khác, bản thân Mỹ dù rất muốn mua S-400 nhưng cũng không thể làm điều đó vì thể diện của một cường quốc xuất khẩu vũ khí.

Ở một góc nhìn khác, giới phân tích cho rằng, dù Nga có bán S-400 cho Mỹ thì cũng chẳng có gì to tát. Bởi lẽ, theo Đại tá Viktor Murakshovsky, Tổng biên tập Tạp chí "Kho vũ khí Tổ quốc" của Nga thì, các tính năng chiến đấu của S-400 phiên bản xuất khẩu không tối tân bằng S-400 có trong kho vũ khí của phòng thủ Nga, và không được lắp đặt công nghệ kỹ thuật mới nhất – loại công nghệ Bộ Quốc phòng liệt kê vào danh sách bí mật quốc gia.

Đặc biệt, nếu như Bộ Quốc phòng chưa đồng ý sẽ không có bất cứ một loại vũ khí nào được chuyển ra nước ngoài trong cấu hình có thể gây ra mối đe dọa với nền an ninh quốc gia Nga. Quy định tương tự cũng được áp dụng cho S-400 phiên bản xuất khẩu.

Một chuyên gia quân sự khác là Mikhail Khodarenko, cựu kiêm Tổng biên tập Tạp chí Phòng không nhận định, thậm chí ngay cả trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ chuyển S-400 cho Mỹ, điều đó cũng chẳng giúp ích gì trong việc phá vỡ bí mật quốc phòng Nga.

"Những nỗi lo lắng về việc rò rỉ công nghệ đang bị đồn thổi một cách thái quá, đặc biệt là đối với tên lửa phòng không. Thậm chí nếu như họ có tháo dỡ từng cái ốc vít của S-400 nhằm tìm ra bí công nghệ bên trong, họ sẽ trắng tay với tham vọng của mình".

Đồng quan điểm, Giám đốc cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Dmitry Shugaev khẳng định rằng: "Không thể sao chép hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph do vũ khí này được sản xuất với công nghệ cực tối tân của người Nga".

"Hệ thống S-400 hiện nay là thủ lĩnh được công nhận trong lĩnh vực phòng không, là công nghệ không thể bị sao chép. Nó sở hữu những yếu tố rất quan trọng tạo nên ưu điểm cho hệ thống này", ông Shugaev nhấn mạnh.

Với khả năng đánh chặn gần như tuyệt đối, hện thống S-400 đang nhận được hàng loạt đơn hàng, lôi cuốn sự hứng thú từ những quốc gia khác kể cả từ khối NATO. Sau Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến bắt đầu nhận từ cuối năm 2017, Trung Quốc cũng sẽ nhận được hệ thống S-400 của Nga.

Dương Châu

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nga-ngo-y-ban-s-400-cho-my-don-tam-ly-3352714/