Nga ngầm cảnh báo các căn cứ quân sự Mỹ?

CSBA nhận định Nga và Trung Quốc hoàn toàn đủ sức chọc thủng hệ thống phòng thủ của các căn cứ Mỹ.

Nga-Trung đe dọa 800 căn cứ Mỹ?

Trang Sputnik của Nga mới đây có bài viết đánh giá, binh sĩ Mỹ đóng quân trên khắp thế giới không còn cảm thấy an toàn nữa. Sputnik dẫn lời các nhà phân tích tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) của Mỹ cho rằng, căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài rất sơ hở, dễ bị tấn công.

Đặc biêt, CSBA nhận định Nga và Trung Quốc hoàn toàn đủ sức chọc thủng hệ thống phòng thủ của các căn cứ Mỹ, vì vậy về nguyên tắc cần phải có những loại vũ khí mới.

Căn cứ quân sự Al Asad ở Iraq do Mỹ sử dụng bị trúng loạt tên lửa Iran hồi đầu năm 2020

Căn cứ quân sự Al Asad ở Iraq do Mỹ sử dụng bị trúng loạt tên lửa Iran hồi đầu năm 2020

Hiện Mỹ có hơn 800 căn cứ quân sự, phần lớn được thiết lập từ sau năm 1945 và vẫn được coi là an toàn và ít sơ hở, khó bị tổn thương. Lầu Năm Góc đã quen coi các cuộc tấn công hạn chế tiềm ẩn bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình từ các nước như Triều Tiên và Iran là mối đe dọa cơ bản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia CSBA, vũ khí phòng không mà Mỹ hiện có không đủ để đẩy lùi cuộc tấn công từ Trung Quốc hoặc Nga.

Báo cáo của CSBA nhận xét: “Hệ thống phòng thủ tại các căn cứ nước ngoài của chúng ta sẽ không thể đương đầu với số lượng lớn tên lửa hoặc thiết bị không người lái (UAV). Hiện nay, chúng ta trông cậy chủ yếu vào các tổ hợp phòng không và chống tên lửa có từ thời Chiến tranh Lạnh, trong khi các đối thủ tiềm năng của chúng ta đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc cải tiến tiềm lực tấn công”.

Các nhà phân tích lưu ý rằng Trung Quốc sở hữu 1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 1.000 tên lửa hành trình từ cơ sở mặt đất với tầm bắn không dưới 1.500 km. Mối đe dọa nghiêm trọng đối với các căn cứ của Mỹ là những phi đội máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc và tương lai còn có máy bay tàng hình H-20 có thể giáng đòn tấn công vào lãnh thổ Mỹ.

Trong khi đó, Nga được coi là mối đe dọa đối với các cơ sở quân sự của Lầu Năm Góc ở châu Âu. Nga có kho dự trữ lớn các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M và nhiều loại tên lửa hành trình phóng từ đất liền, từ biển và từ trên không. Lo ngại đặc biệt của Washington là những hệ thống tấn công siêu thanh tiên tiến mới nhất của Nga.

Trung Quốc thường xuyên phô diễn các loại tên lửa

Phòng thủ của các căn cứ quân sự Mỹ chủ yếu dựa trên cơ sở tổ hợp tên lửa phòng không Patriot và hệ thống chống tên lửa THAAD. Bên cạnh đó, Mỹ còn dựa vào hệ thống phòng không NASAMS và hệ thống pháo Phalanx của Na Uy.

Tuy nhiên, hiệu suất của hệ thống phòng không - phòng thủ chống tên lửa trên vẫn bị đặt dấu hỏi. Ví dụ, các tổ hợp Patriot xuất khẩu cho Saudi Arabia đã nhiều lần bất lực hoàn toàn trước các UAV của lực lượng Houthi ở Yemen. Ngoài ra, người Mỹ đã không thể đẩy lùi các đòn tấn công bằng tên lửa của Iran vào căn cứ ở Iraq hồi tháng 1/2020 sau vụ ám sát Tướng Qasem Soleimani.

Mỹ chơi trò viễn tưởng?

Xuất phát từ đánh giá trên, giới phân tích Mỹ cho rằng để bảo vệ vững chắc các căn cứ quân sự khỏi cuộc tấn công của đối phương mạnh “ngang ngửa” Mỹ, cần sáng chế và ứng dụng khái niệm phòng thủ tên lửa nhiều lớp, có sử dụng các công nghệ tiên tiến. Hàng chục UAV được liên kết vào mạng thiết bị bay không người lái với chip cảm biến mạnh trong chế độ tự động trên các tuyến đường có thể xuất hiện tên lửa hành trình, cũng như theo dõi các mục tiêu đạn đạo và truyền dữ liệu cho những nền tảng khác.

Tuyến phòng thủ tiếp theo là máy bay chiến đấu và máy bay không người lái với tên lửa đánh chặn tầm xa “không đối không”. Nhiệm vụ của lớp phòng thủ này là đánh chặn các mục tiêu đạn đạo trong giai đoạn tăng tốc và tiêu diệt tên lửa hành trình khi còn ở cự ly xa căn cứ. Một phần UAV sẽ được trang bị laser với công suất từ 100-150 kilowatt, đủ sức bắn hạ các thiết bị bay và đầu đạn trong tầm nhìn.

Người Mỹ đang "mơ mộng" về vũ khí laser?

Giới phân tích Mỹ tự tin các loại vũ khí dựa trên những nguyên tắc vật lý mới sẽ giúp bảo vệ các căn cứ của Mỹ bằng cách bổ sung cho các hệ thống phòng không/phòng thủ chống tên lửa hiện có. Đến năm 2022, Lầu Năm Góc cần nhận được những mẫu đầu tiên của vũ khí tên lửa laser 300 kilowatt dành cho căn cứ mặt đất. Thiết bị này đủ mạnh để đảm bảo tiêu diệt máy bay không người lái và tên lửa hành trình của đối phương và thậm chí có thể bắn hạ cả máy bay chiến đấu có người lái.

Về mặt kinh tế, người Mỹ cho rằng việc triển khai các hệ thống phòng không này còn có hiệu quả hơn. Chi phí cho một tổ hợp tên lửa phòng không Patriot là khoảng 5 triệu USD, trong khi một tên lửa laser chỉ có mức giá khá “bèo” là gần 100 USD.

Đến năm 2024, quân đội Mỹ sẽ có pháo vi sóng THOR, tạo ra xung điện từ cực mạnh. Những vũ khí này cho phép đối phó hiệu quả với dàn máy bay không người lái cỡ nhỏ và tên lửa hành trình, vô hiệu hóa các thiết bị điện tử phức tạp.

Pháo M109 đủ sức bắn hạ tên lửa hành trình?

Tuyến phòng thủ chốt chặn là các dàn pháo M109, sẽ dùng loại đầu đạn siêu thanh “đầy hứa hẹn” HVP đang được phát triển. Cũng có thể dùng loại đạn đa năng này để chống lại các mục tiêu trên không, tạo ra những đám mây dày đặc phía trước tên lửa gồm toàn mảnh kim loại.

Theo các nhà phân tích của CSBA, cấu hình mới của hệ thống phòng không/phòng thủ chống tên lửa tại các căn cứ nước ngoài như vậy sẽ là lá chắn đáng tin cậy cho các quân nhân, giống chiếc ô bảo vệ với bán kính lên tới 460 km. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hệ thống phòng không nào không thể vượt qua, trong khi luôn sẵn có nhiều các đối tượng phải đánh chặn.

Do đó, việc Mỹ đặt cược vào các hệ thống laser trên mặt đất và vũ khí vi sóng được đánh giá là “có vẻ hợp lý”. Tuy nhiên, những tổ hợp phòng thủ như vậy vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chưa rõ khi nào những nguyên mẫu đầu tiên sẽ ra đời!

Thành Minh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-ngam-canh-bao-cac-can-cu-quan-su-my-3433249/