Nga – NATO: Đảo ngược cục diện ngầm tại châu Âu?

Trong Chiến tranh Lạnh, NATO đã từng lo ngại rằng các tàu ngầm của Liên Xô sẽ phá hủy các đoàn tàu vận tải và các nhóm tàu chiến đấu.

Hiện tại, Nga còn có thể nhắm thẳng đến các hải cảng của liên minh này từ xa.

Ba năm trước, tàu ngầm Nga Rostov-na-Donu đã hoàn tất quá trình thử nghiệm trên biển bằng cách bắn một số tên lửa trên Biển Barents. Điều này không có gì bất thường, các vụ thử như vậy đôi khi được tiến hành ngay ngoài khơi bờ biển Na Uy, đủ gần để các lực lượng biên giới NATO nhìn thấy. Cũng không phải là điều bất thường khi các tàu ngầm mới đưa vào phục vụ của Nga tiến đến bến cảng Sevastopol tại Crimea, nơi có hạm đội Biển Đen của Nga.

Nga đột phá biệt đội ngầm

Sức mạnh tàu ngầm của Nga đã chuyển từ số lượng sang chất lượng, cùng với khả năng sử dụng tên lửa hành trình tầm xa để tấn công tàu và các mục tiêu trên bờ

Nhưng một điều khác lạ đã diễn ra vào đầu tháng 12 năm ngoái, khi một chiếc tàu ngầm lớp Kilo được cải tiến bắt đầu đi tới Syria - và vào ngày 8/12, tung ra một loạt tên lửa hành trình Kalibr – theo Moscow là nhắm tới nhóm Nhà nước Hồi giáo IS gần bờ.

Cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình này không phải là một động thái quá gây chú ý của Nga tại Syria, nhưng nó báo hiệu rằng, Nga đã gia nhập một câu lạc bộ một số ít các quốc gia toàn cầu có thể thực hiện các cuộc tấn công tầm xa không thông báo từ dưới bề mặt biển tương đối an toàn. Thành tựu công nghệ này có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi ván bài đối với NATO và Mỹ trong việc trợ giúp cho các đồng minh châu Âu trong trường hợp Nga và liên minh xuyên Đại Tây Dương này đi đến bước đường xung đột tại châu Âu.

Các tàu chiến Nga tại Biển Caspian đã phóng nhiều tên lửa nhằm vào IS ở Syria. (Nguồn: AP)

Trong phần lớn thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh, các nhà hoạch định NATO lo ngại rằng, quân tiếp viện của Mỹ đến Bắc Đại Tây Dương trong thời chiến sẽ bị các tàu ngầm Liên Xô và các máy bay ném bom hải quân tấn công. Vì vậy, liên minh này đã phát triển một chiến lược ngăn chặn xung quanh các điểm nóng ở khu vực GIUK (vùng biển giáp ranh đảo Greenland, Iceland và Vương quốc Anh ở phía Bắc Đại Tây Dương): sử dụng các ống vi âm dưới nước để tìm ra các tàu ngầm của Liên Xô, sau đó ngăn chặn chúng bằng các tàu khu trục của NATO, máy bay tuần tra trên biển và tàu ngầm. Kịch bản này được kể lại một cách sinh động trong một cuốn sách về Chiến tranh Lạnh của Tom Clancy.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, lực lượng hải quân Nga quá ít để NATO duy trì một chiến dịch ngăn chặn tầm cỡ đó trong khi hải quân Nga cũng chưa đủ sức mạnh để đe dọa hoạt động của Mỹ và NATO tại khu vực biển trên.

Kịch bản đối chiến tại Bắc Đại Tây Dương

Nhưng với lực lượng tàu ngầm chất lượng cao mới, cùng với khả năng mang và phóng tên lửa hành trình, hải quân Nga vẫn đang đóng giữ các vị trí có thể ngăn NATO tiếp cận châu Âu qua Bắc Đại Tây Dương. Bắc Âu – nơi có một số cảng và sân bay để quân đội NATO có thể trú đóng - đang nằm trong tầm bắn của các tên lửa Kalibr, Nga được phóng từ Biển Na Uy hay Biển Bắc.

Kalibr dù được cho là kém chính xác hơn tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, nhưng đầu đạn lại có kích thước gần gấp đôi. Và việc Nga khiến các cảng và sân bay này bị hư hại và đóng cửa sẽ cản trở các nỗ lực tăng cường lực lượng trên biển của NATO một cách đáng kể. Như vậy, động thái giúp đỡ các đồng minh bị đe dọa của NATO tại khu vực này có thể "chết non" trước khi nó thực sự bắt đầu, và nó có thể diễn ra ở Bắc Đại Tây Dương thay vì Hành lang Suwalki -nơi được cho là "tử huyệt" NATO khi phải đối đầu với mạng lưới khí tài tên lửa của Moscow ở Kaliningrad.

Trong khi đó, khả năng phóng tên lửa hành trình tầm xa của Nga từ tàu ngầm cũng có tác dụng răn đe. Năng lực này chắc chắn có thể làm phức tạp thêm quá trình ra quyết định ở châu Âu khi các nguyên thủ tính tới các quốc gia của họ, dù ở xa Đông Âu, đều có nguy cơ bị Nga tấn công.

Nga đang nhân đôi số lượng tên lửa hành trình trong hải quân của mình. Được phát triển ở Saint Petersburg từ năm 2011 - 2014, Rostov-na-Donu chỉ là một trong sáu tàu ngầm hạng Kilo được cải tiến mang tên lửa của hạm đội Biển Đen. Không chỉ Rostov-na-Donu thực hiện tấn công Syria mà vào tháng 10/2017, hai tàu ngầm hạng Kilo được cải tiến cũng có nhiệm vụ tương tự. Các tàu chiến bề mặt của Nga cũng đã bắn tên lửa hành trình nhằm vào Syria, từ các vùng biển xa như biển Caspian. Không phải tất cả các vụ phóng tên lửa hành trình đều đi theo kế hoạch; một số tên lửa Kalibr từ Caspian đã rơi mà không đến được mục tiêu. Nhưng những thất bại này cũng đã cung cấp dữ liệu và bài học thực tế cho hải quân Nga.

Tàu ngầm lớp Kilo cải tiến không phải là loại tàu ngầm duy nhất có thể mang Kalibr và các tên lửa tầm xa khác. Tàu ngầm tấn công hạt nhân đa mục đích mới của Nga, được gọi là lớp Severodvinsk, có thể mang tới 40 Kalibr, trong khi tàu ngầm tên lửa hạt nhân dẫn đường Oscar-II được nâng cấp có thể mang tới 70 tên lửa. Hai chiếc tàu Severodvinsk và các tàu Oscar -II đang trong biên chế của Hạm đội phương Bắc trên bán đảo Kola, nơi dễ dàng di chuyển tới Bắc Đại Tây Dương. Và trong tháng 7/2017, ông Putin đã ký văn bản mới yêu cầu tên lửa hành trình sẽ trở thành vũ khí chính cho hải quân Nga trong những năm tới.

NATO và các thành viên - đặc biệt là Na Uy, Anh, và Mỹ - đã bắt đầu phản ứng lại mối đe dọa đang nổi lên này bằng cách tăng cường lực lượng trên khắp Bắc Đại Tây Dương, với nhiều khoản đầu tư vào máy bay tuần tra trên biển, tàu ngầm và mở lại Bộ Chỉ huy Bắc Đại Tây Dương. NATO cũng đang tái lập một cơ sở quân sự ở Đại Tây Dương, có trụ sở tại Norfolk, Virginia. Nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu và cuộc cạnh tranh mới ở Bắc Đại Tây Dương sẽ khác hẳn với điều đã diễn ra trong Chiến tranh Lạnh, do sức mạnh tàu ngầm của Nga đã chuyển từ số lượng sang chất lượng, cùng với khả năng sử dụng tên lửa hành trình tầm xa để tấn công tàu và các mục tiêu trên bờ.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nga-nato-dao-nguoc-cuc-dien-ngam-tai-chau-au-20181029165224259.htm