Nga: NATO chết não khiến Thổ Nhĩ Kỳ lộng hành

Nga giải thích nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hoạt động ở Trung-Cận Đông là do 'sự chết não' của NATO, cùng với sự ghẻ lạnh của EU.

Nga: NATO không thể kiềm chế được Thổ Nhĩ Kỳ

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến hành chính sách tăng cường hoạt động và độc lập ở Cận Đông và Trung Đông, về nhiều mặt có thể là do "thất bại chính trị của phương Tây" và "sự chết não" của NATO. Đây là ý kiến của Thượng nghị sĩ Nga Aleksey Pushkov.

[Năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hoàn toàn mất đi sự phối hợp trong nội bộ khối quân sự - chính trị này. Ông Macron mô tả tình hình tương tự giống như sự "chết não" của NATO.

Hồi tháng 6 vừa qua, sau khi ba tàu hộ vệ của Thổ Nhĩ Kỳ triển khai radar nhắm mục tiêu vào tàu khu trục của Pháp ở gần bờ biển Libya và từ chối tuân thủ các yêu cầu kiểm tra, ông Macron nói rằng, đây tiếp tục là bằng chứng về sự “chết não” của NATO].

Theo lời của chính trị gia Nga, Ankara đang làm điều này trái với ý muốn của Mỹ, nhưng chủ yếu lại nhờ vào sự thất bại về chính trị và ngoại giao của Mỹ ở Trung - Cận Đông.

“Thổ Nhĩ Kỳ làm được điều này nhờ sự rệu rã và “chết não” của NATO, cứ khư khư ôm lấy “mối đe dọa từ Nga” trong tưởng tượng, không thể nhìn xa hơn cái mũi của chính mình, nhưng lại không hiểu rằng thế giới đang thay đổi” - ông Pushkov viết trên kênh Telegram cá nhân.

Thượng nghị sĩ nói thêm rằng, Liên minh châu Âu cũng chỉ "hỗ trợ người Mỹ một cách thụ động", chứ không có bất kỳ chính sách độc lập nào trong khu vực.

Ngoài ra, châu Âu cứ mãi hứa hẹn dành cho Thổ Nhĩ Kỳ tư cách thành viên EU "hão huyền" nhưng không hề hiện thực hóa nó và giờ đây Ankara đang tự đặt ra cho mình những mục tiêu hoàn toàn khác.

[Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập EU từ năm 1987, tuy nhiên các cuộc thảo luận mãi đến năm 2005 mới bắt đầu, nhưng lại bị đình chỉ vào tháng 11/2016 do vấn đề dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, Ankara mới thống nhất được với EU 1 trong số 35 chương phải thực hiện để trở thành thành viên chính thức]

NATO và EU không thể trói buộc được Thổ Nhĩ Kỳ

NATO và EU không thể trói buộc được Thổ Nhĩ Kỳ

Do đó hiện nay, theo ông Pushkov, châu Âu phải giao thiệp với một quốc gia hoàn toàn khác so với Thổ Nhĩ Kỳ trước đây và hiện nay, họ rất khó để gây ảnh hưởng đến Ankara.

“Kể từ bây giờ đối với phương Tây sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể, để có thể kiềm chế được những tham vọng mới của Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng như Mỹ, các cường quốc châu Âu vẫn hòng lợi dụng những tham vọng này để thu được lợi ích cho mình, nhưng tính toán này có thể trở nên sai lầm: Erdogan đã thích kiểu trò chơi tự trị” - ông Pushkov nói.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý rằng do khoảng trống chính trị của Mỹ và sự hỗn loạn ngày càng tăng ở Trung - Cận Đông, nên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, quay trở lại chính trường khu vực này còn có Nga, hậu duệ của Liên Xô - quốc gia trước đây từng đóng vai trò chủ chốt tại khu vực này.

Thổ Nhĩ Kỳ khiến châu Mỹ-Âu và NATO đau đầu

Trước đó, vào ngày 6/10, Ankara đã tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ngày càng nghiêm trọng hơn, liên quan đến hoạt động thăm dò địa chất tại khu vực thềm lục địa đang tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải, cũng như cuộc xung đột quân sự ở Nagorno-Karabakh.

Theo nhà lãnh đạo NATO, Thổ Nhĩ Kỳ nên bắt đầu tìm kiếm phương án thay thế cho các hệ thống tên lửa phòng không (SAM) S-400 mua của Nga để không tạo rủi ro cho máy bay của các nước thành viên Liên minh.

“Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 gây khó khăn cho chúng tôi, có thể tạo rủi ro cho máy bay của các đồng minh, cũng như đặt Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ chịu trừng phạt của Hoa Kỳ. S-400 không thể tích hợp vào hệ thống của NATO, và tôi xin mời các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm giải pháp thay thế” - ông Stoltenberg nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ở Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ liên tục điều tàu thăm dò tài nguyên trong vùng biển tranh chấp với Síp và Hy Lạp

Thổ Nhĩ Kỳ còn khiến Mỹ-NATO và châu Âu tức giận và mệt mỏi vì đã can thiệp quân sự vào Syria, phá chiến lược ủng hộ và nuôi dưỡng người Kurd của Mỹ ở Syria và Iraq. Đồng thời nước này cũng sử dụng con bài người tỵ nạn Syria tràn vào châu Âu để mặc cả với EU về tiền viện trợ và quy chế thành viên Liên minh châu Âu.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến NATO vô cùng đau đầu vì xung đột trực tiếp với các thành viên của khối như Hy Lạp. Năm nay, Ankara đã đưa các tàu khảo sát thăm dò đến vùng biển đang có tranh chấp với Síp và Hy Lạp để thăm dò khoáng sản, bất chấp sự phản đối của đồng minh.

Sự kiện này đã gây ra sự cố tàu chiến Hy Lạp đâm thủng một tàu của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến suýt xảy ra xung đột quân sự.

Không chỉ thế, việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào tình hình chính trị nội bộ Libya cũng khiến nước này mâu thuẫn với các đồng minh châu Âu và Mỹ, làm gia tăng xung đột ở đất nước Bắc Phi này, khiến tình hình khu vực xung quanh Địa Trung Hải trở nên rất hỗn loạn.

Hiện nay, chính quyền Ankara đang tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Azerbaijan-Armenia ở Nagorno-Karabakh. Ankara không chỉ ủng hộ Baku bằng các tuyên bố mà còn bằng chiến đấu cơ F-16 và UAV chiến đấu Bayraktar TB2, cùng với nhiều vũ khí khác.

Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cuộc xung đột không chỉ giới hạn ở Nagorno-Karabakh mà có thể biến thành cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Azerbaijan với Armenia, gây bất ổn nghiêm trọng khu vực Kavkaz, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới xung đột giữa NATO (Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO) và CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, mà Armenia là thành viên).

Toàn Thắng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-nato-chet-nao-khien-tho-nhi-ky-long-hanh-3420235/