Nga, Mỹ và những bất đồng âm ỉ trong chiến sự ở Syria

Theo các nhà phân tích, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định, Mỹ tiến hành hoạt động quân sự chống IS ở Syria chỉ là một cái cớ cho sự hiện diện lâu dài của nước này ở đây.

Theo Sputnik, hôm 13/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, sự hiện diện của Mỹ ở Syria đã được Liên Hợp Quốc nhất trí khi Washington muốn tăng cường cuộc chiến chống lực lượng khủng bố IS.

Tuy nhiên, hôm 14/11, bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Mỹ đã từ chối không kích lực lượng IS đang trốn khỏi Al Bukamal ở Syria. Điều này được cho là mâu thuẫn với tuyên bố của ông Mattis về hoạt động của Mỹ tại Syria.

Dù cho Nga – Mỹ đã ra tuyên bố chung về Syria nhưng hai nước này vẫn còn nhiều bất đồng xung quanh cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông (Ảnh minh họa)

Những lý do không thuyết phục

Trong cuộc họp hôm 14/11, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết, tuyên bố của Lầu Năm Góc rằng Mỹ sẽ không rời khỏi Syria đang vi phạm thỏa thuận Geneva và các cam kết từ bộ Ngoại giao Mỹ.

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư đại học Ohio John Quigley nhận định, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không bao giờ cho phép Washington mở rộng hoạt động quân sự tại Syria, cho dù đó là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

“Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không bao giờ cho các quốc gia khác đưa quân đội vào Syria. Chính phủ Syria không bao giờ đồng ý về sự có mặt của Mỹ tại đây”, ông John Quigley nói thêm.

Theo ông Quigley, thiếu cơ sở luật pháp quốc tế cho phép sự hiện diện quân đội Mỹ tại Syria. Vì thiếu cơ sở pháp lý quốc tế, nên Mỹ vẫn tiến hành các hoạt động quân sự trong đó có việc tiến hành các cuộc không kích khiến dân thường thiệt mạng trên lãnh thổ Syria, ông Quigley cho hay.

Giáo sư đại học Illinois Boyle chia sẻ, tuyên bố của ông Mattis hôm 13/11 dường như đang thách thức luật pháp quốc tế về sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này trong suốt nhiều thập kỷ.

Tranh cãi chưa có hồi kết

Sự hiện diện của Mỹ tại Syria đã bị lực lượng Damascus chỉ trích nhiều lần. Với lập luận rằng bất kỳ hoạt động quân sự nước ngoài nào diễn ra mà không có sự đồng thuận của Chính phủ nước đó đều được xem là hành động xâm lược bất hợp pháp.

“Nga và Iran hiện đang ở Syria nhưng các nước này ở đây theo lời thỉnh cầu từ phía Chính phủ Syria. Điều này được xem là sự hiện diện hợp pháp và tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Mỹ can thiệp quân sự vào Syria mà không có sự đồng ý hay chấp thuận từ Chính phủ nước này”, ông Boyle nhận xét.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Liên minh do Mỹ dẫn đầu liên tục tiến hành các cuộc không kích đối phó với các mục tiêu khủng bố tại Trung Đông. Các cuộc tấn công tại Iraq đều có sự hậu thuẫn bởi Baghdad.

Tuy nhiên, sự hiện diện của Mỹ tại Syria lại không hề có sự chấp thuận của lực lượng Damascus hay Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trước đó, ngày 13/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề nghị Nga và Mỹ rút quân khỏi Syria sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump nói không có giải pháp quân sự dành cho cuộc nội chiến ở Syria.

Cuối tuần trước, trong cuộc gặp ngắn giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ, tuyên bố chung về Syria được đưa ra. Tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho rằng, động thái trên cho thấy Mỹ đang nhường lại vị thế tại khu vực này cho Nga và Iran.

Theo thông tin từ các quan chức bộ Ngoại giao Mỹ, việc đưa ra tuyên bố chung về Syria của Washington và Moscow này đã "dựa trên các cuộc thảo luận khá căng thẳng kéo dài hàng tháng" và cả "ngoại giao hậu trường".

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nga-my-va-nhung-bat-dong-am-i-trong-chien-su-o-syria-a347182.html