Nga-Mỹ tranh cãi: Cosmos-2542 khiến Mỹ mù, điếc?

Tướng John Raymond: 'Phương tiện này có súng không gian không giật và có khả năng tiêu diệt mọi vệ tinh của Mỹ'.

Ảnh: Roscosmos State Corporation / TASS

Ảnh: Roscosmos State Corporation / TASS

Cổng thông tin Anh-Mỹ The Economist trong bài viết "Vũ khí vệ tinh của Nga cho thấy sự nguy hiểm trong không gian" đã tố cáo Nga đang có chính sách quân sự hóa không gian.

Theo Tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ, Tướng John Raymond, được The Economist trích dẫn, Moscow đã triển khai pháo không gian di động bên ngoài bầu khí quyển và có thể bắn theo các hướng khác nhau, khiến các tướng lĩnh Mỹ phải kinh ngạc.

Tướng John Raymond cho hay: “Kosmos 2542”, một vệ tinh của Nga được phóng lên bằng tên lửa “Soyuz” vào ngày 25 tháng 11 năm ngoái, giống như một con búp bê matryoshka của Nga: Mười một ngày sau khi được phóng lên, vệ tinh này đã “ném” ra một vệ tinh khác, có tên gọi là "Cosmos-2543".

Vào ngày 15 tháng 7 năm 2020, chính “Cosmos 2543”, trên không gian phía trên Bắc Âu, đã “ném” ra một vật thể khác bay với tốc độ hơn 140 mét / giây".

The Economist kết luận rằng phép loại suy của Tướng Raymond là phù hợp và còn thêm vào một chi tiết gây sốc: ông ta chắc chắn rằng chúng được bắn ra từ loại súng không gian.

Christopher Ford, một trong những lãnh đạo của Cơ quan Kiểm soát Vũ khí Hoa Kỳ (ACDA) ngày 24/7 cho biết: “Nga khẳng định rằng đó chỉ là một tàu vũ trụ nhỏ để kiểm tra các vệ tinh khác. Đó là điều vô lý, đây chính là một thiết bị được bắn ra”

Theo ông, đây là "một hành động rất đáng lo ngại, mang tính chất khiêu khích, rất nguy hiểm và phi lý từ phía Nga". Đặc biệt là, tuyên bố của vị quan chức ACDA hàng đầu đã thúc đẩy The Economist "phân tích toàn diện vấn đề".

Ngay từ đầu, Bộ Quốc phòng Nga đã không che giấu sự thật rằng cỗ máy mang tên "Cosmos-2542", là một vệ tinh thanh tra quân sự. Điều này có nghĩa là nó phải cơ động và di chuyển trong không gian. Tất nhiên, nó có thể bay gần tới các vệ tinh của Mỹ và thậm chí chụp ảnh chúng, theo tiêu chuẩn vũ trụ.

Hồi tháng hai năm nay, ông Raymond đã phát sốt lên, vì theo vị chỉ huy của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ thì “tàu vũ trụ Nga bắt đầu cơ động theo hướng của vệ tinh Mỹ, đôi khi tiếp cận nó ở khoảng cách 100 dặm”.

Đó là ông ta nhắc tới con tàu vũ trụ lớn “USA 245” của Mỹ, dài gần 20 mét và nặng 13 tấn, được các chuyên gia vũ trụ gọi là KH-11. Nó còn được gọi là "lỗ khóa" vì có khả năng chụp ảnh với độ phân giải 15 cm trong điều kiện khí hậu lý tưởng.

Theo báo cáo của truyền thông Mỹ, chính “USA 245”, một phần của nhóm vệ tinh tình báo có mật danh Keyhole / CRYSTAL, đã chụp ảnh Trung tâm Vũ trụ Iran mang tên Imam Khomeini với chất lượng tốt đến mức người ta có thể đọc được những dòng chữ trên các tấm chắn gần bệ phóng.

Mỹ đã so sánh hành vi vệ tinh quân sự Nga tiếp cận “USA 245” nguy hiểm như là các máy bay chiến đấu quân sự, tức là, với cái gọi là kiểu đánh chặn.

Về vấn đề này, tờ The Time đưa ra bình luận: “Những vụ va chạm này diễn ra cũng giống như các cuộc đụng độ trên mặt đất của Nga với Mỹ và các đồng minh, bao gồm các cuộc tiếp xúc gần giữa những binh lính, các máy bay chiến đấu và tàu chiến ở khắp nơi trên thế giới.

Các nhà quan sát lo ngại rằng không gian hiện đang là một chiến trường mới cho sự leo thang của các hành động quân sự giữa các đối thủ lâu năm".

Việc “Cosmos-2543” tiếp cận vệ tinh quân sự của Mỹ đã làm cho Mỹ tiêu tốn 15 tỷ USD mỗi năm. Nhà Trắng đã phân bổ cho Lực lượng Không gian Hoa Kỳ số tiền khổng lồ để giải quyết vấn đề đó.

Tất nhiên, với số tiền hàng tỷ đô la này, như The Time viết, Mỹ đang thực hiện một sự chuyển đổi chiến lược từ khai thác thụ động và giám sát vệ tinh sang bảo vệ chủ động" tránh các loại "búp bê vũ trụ Nga" có súng. Nếu không, Nga sẽ biến Mỹ thành “mù, câm, điếc” trong không gian.

Điều thú vị là Mỹ đã không phát hiện ra “Cosmos-2543” ngay lập tức. Lúc đầu, họ cho rằng đó là "Cosmos-2542" vỡ ra thành hai mảnh và thậm chí còn nhận xét: "Đã xảy ra lỗi nào đó với người Nga". Nhưng sau khi "mảnh vỡ" đó bắt đầu cuộc sống tự thân, thì quan điểm của họ đã thay đổi hẳn.

Và vào cuối tháng 7 "Cosmos-2543" đã "bắn" ra một vật thể, và nó bay đi đâu đó với tốc độ 140 mét / giây. Điều này có đúng hay không, hiện vẫn còn chưa rõ. Và điều gì sẽ xảy ra nếu John Raymond một lần nữa lại khiến Donald Trump sợ hãi, phải bỏ thêm 10 tỷ đô la nữa giữa lúc khủng hoảng do covid này.

Tướng Raymond nói rằng Nga không phải lần đầu tiên đưa súng vào quỹ đạo. Ông ta thậm chí còn tham khảo Wikipedia, nơi có thể tìm thấy các bài báo nói về khẩu pháo tự động 23 mm “R-23” của A. Richter, được cho là được lắp đặt trên trạm vũ trụ quân sự “Almaz” của Nga, được biết đến với tên gọi “Salyut-3”.

Trong khi đó, "viên đạn" được bắn ra từ một khẩu súng trong không gian, theo nhiều chuyên gia, giống với việc tự sát. Lực giật trong môi trường vi trọng lực không những phá hủy thân vệ tinh mỏng manh (có thể dễ dàng khoan bằng máy khoan tay thông thường), mà còn thay đổi quỹ đạo của nó trở nên không kiểm soát nổi. Nếu như Nga thực sự có một khẩu pháo như vậy ở trong không gian, thì đó là vũ khí của Ngày tận thế.

Mặt khác, Raymond có thể đã không nói dối. Về mặt lý thuyết, "Cosmos-2543" có khả năng phóng ra một vật thể, và thậm chí nhiều hơn một vật thể, vật thể này sẽ phát triển tốc độ của đại bác nhờ các vi động cơ ion.

Trong quá trình phát triển mới nhất, "Trung tâm Keldysh" đã rất thành công. Vả lại, tốc độ 140 mét / giây chưa phải là quá nhanh đối với khoảng không gian, nhưng cũng đủ để phá hủy bất kỳ vệ tinh nào của Mỹ thành những mảnh vỡ nhỏ từ khoảng cách 160 km.

Rõ ràng là, dự án "những con búp bê matrioska Nga" kiểu pháo không gian có triển vọng tuyệt vời. Ví dụ, một vệ tinh tiếp theo, tương tự "Kosmos-2542" có thể được chia thành một số cỗ máy "Kosmos-2543", và đến lượt chúng sẽ bay đến nhóm vũ trụ của Mỹ được phân công, trên mỗi tàu có 2-3 quả đạn ion. Chỉ nghĩ đến đó thôi cũng đủ làm cho Tướng John Raymond phải ngất vì lo lắng.

Hơn nữa, nếu phải đổ lỗi cho việc quân sự hóa không gian, thì trước hết, người có lỗi chính là Mỹ. Mỹ thậm chí không giấu giếm rằng tàu con thoi mini Boeing X-37 được tạo ra như một máy bay chiến đấu không gian, và một ngày không xa các phi đội vũ trụ sẽ xuất hiện.

Và ngoài ra họ còn có chương trình Keyhole / CRYSTAL, được tuyên bố là chương trình thuần túy dân sự, được điều hành bởi Cơ quan Tình báo Không gian Quốc gia Hoa Kỳ có trụ sở tại Chantilly, bang Virginia.

T t Thi ̣ nh (Theo “Bình luận quân sự” Nga)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/nga-my-tranh-cai-cosmos-2542-khien-my-mu-diec-3417577/