Nga-Mỹ có thể lâm nguy nếu Trung Quốc làm điều này

Động thái 'tranh thủ' bán dầu của Trung Quốc có thể không làm giá dầu sụp đổ nhưng tác động tiêu cực đối với Nga và Mỹ.

Trung Quốc tranh thủ kiếm lời

Hãng Sputnik của Nga đưa tin, Trung Quốc bắt đầu bán dầu thô mà nước này đã mua vào mùa Xuân với giá tối thiểu. Còn Bloomberg nhận định, hành động của Trung Quốc có thể khiến giá dầu thế giới sụp đổ, đặc biệt sau khi các nước OPEC+ nâng hạn ngạch sản lượng.

Đầu tháng 4/2020, giá dầu thô Brent đã giảm xuống dưới 15 USD/thùng trong bối cảnh áp lực dư thừa nguồn cung và nhu cầu giảm. Khi giá dầu giảm mạnh gần 60%, Trung Quốc bắt đầu tích cực mua dầu thô để lấp đầy các kho dự trữ.

Theo Bloomberg, ngoài các cơ sở dự trữ chiến lược, Trung Quốc đã sử dụng các kho chứa thương mại. Mục tiêu ban đầu của Bắc Kinh là nâng lượng dầu trong các kho dự trữ chiến lược lên mức tương đương 90 ngày nhập khẩu ròng, tức khoảng 900 triệu thùng dầu.

Trung Quốc tranh thủ bán dầu "kiếm lời"

Trung Quốc tranh thủ bán dầu "kiếm lời"

Mặc dù lượng dầu ở các kho dự trữ chiến lược của Trung Quốc vẫn là một ẩn số, nhưng theo ước tính, Bắc Kinh đã mua thêm từ 80 triệu đến 100 triệu thùng dầu trong năm nay.

Hiện tại, Trung Quốc bắt đầu bán ra một phần dự trữ ngay vào lúc OPEC+ đang chuẩn bị nâng hạn ngạch sản lượng. Kể từ ngày 1/8, các nước này sẽ thực hiện cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày.

Bắc Kinh đã bán được gần 1 triệu thùng dầu thông qua Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải (INE). Dầu thô đã được vận chuyển từ các kho lưu trữ trên bờ biển phía Đông của đất nước và được bán cho khách hàng trước đây, vốn chỉ mua từ thị trường Trung Đông hoặc châu Phi. Bloomberg lo ngại rằng hành động này có thể khiến giá dầu mỏ sụp đổ.

Tuy nhiên, giới phân tích Nga được Sputnik dẫn lời tỏ ra không lo ngại trước các động thái của Trung Quốc.

Chuyên gia Maxim Fedorov, Phó chủ tịch công ty tài chính QBF nhận xét, Trung Quốc không phải là một nhà sản xuất dầu lớn, ngược lại, nước này là người tiêu dùng chính do nhu cầu kinh tế. Bắc Kinh không có khả năng thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực trên thị trường.

Chuyên gia Igbal Guliyev, Phó giám đốc của Viện Chính sách Năng lượng và Ngoại giao Quốc tế thuộc Trường Đại học Quan hệ quốc tế quốc gia Moscow (MGIMO) đánh giá không nên nói về Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh.

Nhà kinh tế này giải thích: “Sau khi tăng gấp nhiều lần lượng dầu dự trữ, Trung Quốc quyết định bán ra lượng dầu dư thừa để kiếm lời, đồng thời không cho phép OPEC+ tăng đáng kể giá bán dầu”.

Hành động của Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho Mỹ, Nga và các nước OPEC

Vitaly Mankevich, Chủ tịch liên minh các nhà công nghiệp và doanh nghiệp Nga- châu Á lưu ý rằng, dự trữ dầu thô của Trung Quốc chiếm 69% tổng dự trữ toàn cầu. Nhưng Bắc Kinh đã mua nhiên liệu không phải để đầu cơ mà để tăng trưởng, tức là để đáp ứng nhu cầu hậu khủng hoảng.

Ông Mankevich nói: “Do đó, Trung Quốc sẽ không bán ra nhiều dầu và không thể vượt trước các nhà cung cấp như Nga, Saudi Arabia và Mỹ. Chắc Bắc kinh sẽ chỉ bán ra lượng dầu dư thừa”.

Sputnik dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc đang tăng cường năng lực tích trữ dầu. Theo ước tính của Hãng tư vấn năng lượng Kpler, vào cuối tháng 6/2020, trong các kho lưu trữ thuộc sở hữu của các công ty tư nhân và nhà nước cũng như INE đã có đủ chỗ để trữ thêm 330 triệu thùng dầu.

Dự kiến, Trung Quốc tiếp tục đưa vào vận hành các cơ sở lưu trữ với công suất 74,85 triệu thùng. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục mua dầu thô khi thuận lợi.

Nga-Mỹ lo lắng

Với những thông tin trên, Sputnik cho rằng hành động bán dầu của Trung Quốc vào lúc này không dẫn đến sự sụp đổ của giá dầu. Không những thế, Trung Quốc được cho là có một đòn bẩy để ảnh hưởng đến giá dầu.

Ví dụ, nếu Washington áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, Bắc Kinh có thể phản ứng gay gắt bằng việc bắt đầu bán phá giá lượng dầu dư thừa.

Giới phân tích Nga dù cảnh báo một cuộc chiến thương mại kiểu như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc không thể mang lại điều gì tốt đẹp nhưng lại tin rằng Moscow sẽ được hưởng lợi bởi vì nguyên liệu thô của Nga được cung cấp cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống.

Nói cách khác, cuộc chiến sẽ giúp Nga bán thêm được dầu thô mà không lo bị gián đoạn vì Mỹ phong tỏa đường biển.

Nga tỏ ra tự tin vì vẫn bán được dầu cho Trung Quốc

Chuyên gia Maria Shagina, Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu tại Đại học Zurich (Thụy Sỹ), bình luận, tình trạng giá dầu giảm mạnh kết hợp với đại dịch COVID-19 toàn cầu đã tạo ra một cú sốc đối với ngành dầu khí. So với các nước khai thác dầu khác, Nga có sự chuẩn bị tốt hơn để chống lại cú sốc này.

Theo bà Maria Shagina, kể từ năm 2014, nền kinh tế Nga đã có được sự ổn định nhờ chính sách tài chính và tiền tệ bảo thủ. Ngân sách và dự trữ ngoại hối lớn, tỷ giá hối đoái tự do và sự phụ thuộc của thuế vào giá dầu đã giúp giảm nhẹ cú sốc này.

Tuy nhiên cú sốc kép (giá dầu giảm và dịch COVID-19) sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty năng lượng Nga, và hệ lụy là nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo trung tâm năng lượng Skolkovo, tổng thiệt hại sẽ lên tới 60% doanh thu xuất khẩu và 30% thu ngân sách.

Đối với Mỹ, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, cũng chịu tổn hại nghiêm trọng vì giá dầu giảm sâu. Trước hết, giá dầu thấp khiến các hoạt động khoan và thăm dò và sản xuất dầu ít hơn và điều này dẫn tới việc sa thải người lao động, làm tổn thương các doanh nghiệp Mỹ. Tác động tiêu cực rõ ràng được ghi nhận đối với các doanh nghiệp dầu đá phiến.

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ lao đao sẽ tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế số một thế giới này

Ngoài ra, giá dầu giảm còn tác động tiêu cực tới lĩnh vực ngân hàng và đầu tư của Mỹ. Có rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này bằng cách huy động vốn và nhận nợ.

Điều này đồng nghĩa với việc cả nhà đầu tư và ngân hàng đều có có thể bị thua lỗ nếu giá dầu giảm và các hoạt động khai thác không có lãi, dẫn đến phá sản. Mất việc làm, thua lỗ, phá sản sẽ dẫn tới sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Hồi tháng 4 vừa qua, khi giá dầu thô của Mỹ giảm xuống mức âm, Tổng thống Donald Trump đã lập tức có hành động nhằm bảo vệ ngành sản xuất “vàng đen” với tuyên bố tận dụng giá thấp để mua vào 75 triệu thùng cho kho dự trữ chiến lược quốc gia và xem xét ngừng nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia.

Như vậy, động thái “tranh thủ” bán dầu của Trung Quốc có thể không làm giá dầu sụp đổ song rõ ràng có tác động tiêu cực giữa lúc Mỹ, Nga cùng OPEC đang nỗ lực ổn định thị trường. Giá dầu giảm sâu có lợi cho kinh tế Trung Quốc song tiếp tục gây ra những thiệt hại chưa thể đong đếm hết đối với các nhà sản xuất hàng đầu như Mỹ và Nga.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-my-co-the-lam-nguy-neu-trung-quoc-lam-dieu-nay-3414993/