Nga muốn ngăn chặn cuộc khủng hoảng tên lửa ở châu Âu

Sự sụp đổ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã tạo ra thách thức lớn cho an ninh châu Âu. Trước tình hình này, Nga đang có những nỗ lực mạnh mẽ để xây dựng lòng tin giữa các bên trong lĩnh vực tên lửa cũng như ngăn chặn cuộc khủng hoảng tên lửa ở 'lục địa già'.

Theo TASS, ngày 28-10, Nga kêu gọi các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nghiên cứu kỹ đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin nhằm tháo gỡ căng thẳng xung quanh việc triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như đề xuất về việc kiểm tra chéo các địa điểm gây lo ngại cho các bên. Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, nước này đang thúc giục các bên ít nhất là bắt đầu nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng sáng kiến của Moscow. “Chúng tôi sẵn sàng giải thích các đề xuất của mình. Chúng tôi luôn sẵn sàng có sự phối hợp mang tính xây dựng nhằm giảm hậu quả tiêu cực do sự sụp đổ của INF trên cơ sở nguyên tắc an ninh bình đẳng, cũng như có tính đến sự cân bằng lợi ích giữa các bên. Moscow mong các thành viên NATO thể hiện trách nhiệm”, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định trong một tuyên bố.

Tên lửa 9M729 của Nga. Ảnh: RT

Tên lửa 9M729 của Nga. Ảnh: RT

Trước đó, ngày 26-10, ông Putin tuyên bố, Moscow sẵn sàng không triển khai tên lửa 9M729 tại khu vực châu Âu của nước này. Đây vốn là điều mà Mỹ coi là vi phạm INF. Tổng thống Nga khẳng định: “Tôi vẫn giữ lập trường nhất quán về việc tên lửa 9M729 tuân thủ đầy đủ các quy định trong INF. Tuy nhiên, Nga sẵn sàng thể hiện thiện chí bằng cách không triển khai tên lửa này trên phần lãnh thổ ở châu Âu nhưng với điều kiện các nước NATO hành động có đi có lại nhằm ngăn việc triển khai các loại vũ khí bị cấm theo INF ở châu Âu”. Tổng thống Nga cũng đề xuất xem xét áp dụng các biện pháp giám sát lẫn nhau cụ thể nhằm xây dựng lòng tin và tháo gỡ những lo ngại hiện có. Các biện pháp này liên quan đến việc kiểm tra hệ thống Aegis Ashore, bệ phóng Mk 41 tại các căn cứ của Mỹ và NATO ở châu Âu cũng như tên lửa 9M729 tại các căn cứ quân sự của Moscow ở tỉnh Kaliningrad (Nga). Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga vẫn duy trì quan điểm rằng INF là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc duy trì an ninh quốc tế và ổn định chiến lược, bởi nó đóng một vai trò đặc biệt trong việc kiềm chế phạm vi tên lửa ở châu Âu.

INF được lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký ngày 8-12-1987, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm ngắn và tầm trung (từ 500 đến 5.500km). Các bên tham gia INF đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu. Những năm gần đây, Mỹ và Nga đã nhiều lần chỉ trích lẫn nhau vi phạm thỏa thuận. Điều này đã dẫn tới việc ngày 2-8-2019, Mỹ chính thức rút khỏi INF. Sau đó, Nga cũng đình chỉ hiệp ước này. Giới quan sát lo ngại, an ninh của châu Âu sẽ bị đe dọa sau sự đổ vỡ của INF vốn được xem như một trụ cột quan trọng của cấu trúc an ninh châu Âu. Trước thời điểm INF bị “khai tử”, Bộ Ngoại giao Pháp đã cảnh báo về việc gia tăng rủi ro bất ổn ở châu Âu và xói mòn hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế nếu không có INF. Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh, INF đổ vỡ sẽ khiến an ninh của châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phản ứng trước đề xuất của Tổng thống Nga, phía Đức cho rằng không có gì mới trong đề xuất của ông V.Putin, trong khi Anh đổ lỗi cho Nga làm đổ vỡ INF. Chỉ có Pháp tuyên bố rằng, Paris mong đợi từ Moscow các thông tin chi tiết về đề xuất của nhà lãnh đạo V.Putin.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, đề xuất của Tổng thống V.Putin được đưa ra nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng tên lửa mới ở châu Âu. "Các đề xuất này hết sức nghiêm túc. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Những đề xuất này thể hiện rõ chính sách của lãnh đạo Liên bang Nga, đó là mong muốn giữ ổn định tình hình quân sự và chính trị ở châu Âu”, ông Sergei Ryabkov giải thích. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cũng khẳng định, Nga sẵn sàng tìm kiếm các biện pháp để duy trì sự ổn định và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tên lửa trong một thế giới không có INF.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nga-muon-ngan-chan-cuoc-khung-hoang-ten-lua-o-chau-au-642427