Nga muốn nâng cấp pháo phản lực BM-21 theo mô hình PZH-89 Trung Quốc

Pháo phản lực BM-21 Grad của Nga nhiều khả năng sẽ được 'bánh xích hóa' theo mô hình PZH-89 của Trung Quốc để đáp ứng tốt hơn yêu cầu tác chiến.

Chiến trường Ukraine đã cho thấy pháo phản lực BM-21 của Nga ra đời từ thời Liên Xô đã lạc hậu khi bộc lộ khá nhiều nhược điểm, cần phải được nâng cấp triệt để.

Chiến trường Ukraine đã cho thấy pháo phản lực BM-21 của Nga ra đời từ thời Liên Xô đã lạc hậu khi bộc lộ khá nhiều nhược điểm, cần phải được nâng cấp triệt để.

Mặc dù BM-21 trên chiến trường Ukraine vẫn chứng minh được độ tin cậy, đơn giản khi sử dụng, tuy nhiên nhiều nhược điểm cũng đã phát lộ, ví dụ như khả năng cơ động của khung gầm bánh lốp không cao, dễ bị tổn thương và khó khăn trong tái nạp.

Theo một số chuyên gia quân sự Nga, vấn đề cải tiến BM-21 nên được đặt ra, bởi cho dù là một nền tảng đã cao tuổi nhưng vũ khí trên vẫn tỏ ra hữu ích, ít nhất là trong khoảng 20 năm nữa.

Để nâng cao khả năng việt dã cho BM-21, bảo vệ tốt hơn kíp chiến đấu cũng như trang bị khả năng tái nạp đạn nhanh, phương án đưa giàn phóng của tổ hợp Grad lên khung gầm bánh xích tương tự như cách Trung Quốc thực hiện đang được xem xét.

Nguyên mẫu mà Nga muốn học tập chính là PZH-89 - hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) cỡ 122 mm, được trang bị cho các đơn vị thiết giáp của Quân đội Trung Quốc (PLA) với mục đích cung cấp hỏa lực mạnh chi viện cho chiến trường.

Quyết định thông qua sản xuất PZH-89 và biên chế cho lực lượng thiết giáp được phê duyệt vào năm 1986. Hiện nay PZH-89 đang được sản xuất bởi Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Phương Bắc (NORINCO).

Pháo phản lực phóng loạt PZH89 trong giai đoạn tiền sản xuất được cải tiến thiết kế, có khả năng phóng tự động, tái nạp đạn cơ giới, trang bị súng máy hạng nặng 12,7 mm, có cả hệ thống phòng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt (NBC).

Nguyên mẫu PZH-89 chính thức ra mắt vào tháng 2/1987, thử nghiệm tiến hành từ tháng 3 đến tháng 11/1987. Sang tháng 2/1988, Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho phép chế tạo hàng loạt và chính thức cấp định danh như trên.

Khung gầm của pháo phản lực phóng loạt PZH-89 là xe bánh xích đa dụng Type 321 tương tự pháo tự hành Type 83 152 mm với thông số cơ bản dài x rộng x cao là (7,18 m x 3,15 x 3,18) m, trọng lượng 30 tấn.

Động cơ của PZH-89 là loại diesel tăng áp WR-4B công suất 520 mã lực, cho vận tốc tối đa 55 km/h, tầm hoạt động 450 km, hệ thống này không có khả năng lội nước. Kíp chiến đấu của PZH-89 gồm 4 - 5 người tùy yêu cầu nhiệm vụ.

Đạn của PZH-89 được thiết kế dựa trên BM-21 Grad với trọng lượng 66 kg, mang đầu đạn 18,3 kg, tầm bắn nằm trong khoảng 8 - 30 km thùy thuộc loại đạn sử dụng. Bên cạnh đạn nổ phá mảnh, nó còn bắn được chống tăng tự dẫn, rải mìn, đạn chùm...

Giàn phóng có góc xoay trong khoảng -102° đến +66° và góc nâng hạ trong khoảng 0° đến 55°. PZH-89 có tốc độ bắn 2 rocket mỗi giây, thời gian tái nạp để tiếp tục bắn chỉ mất 3 phút.

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt này có tính cơ động cao, thiết bị trợ giúp ngắm bắn khá hiện đại có thể liên kết thành biên đội, đây là một vũ khí đầy nguy hiểm của lực lượng tăng thiết giáp Trung Quốc.

Đáng chú ý là trong quá khứ, Nga cũng đã có ý định đưa giàn phóng của BM-21 Grad lên khung gầm pháo tự hành 2S1 Gvozika, nhưng dự án trên đã bị hủy bỏ chưa rõ lý do.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nga-muon-nang-cap-phao-phan-luc-bm-21-theo-mo-hinh-pzh-89-trung-quoc-post509225.antd