Nga muốn Mỹ minh bạch việc rút khỏi INF

Matxcơva rõ ràng muốn làm rõ toan tính của Washington sau tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khi vừa yêu cầu Mỹ làm rõ chính sách kiểm soát vũ khí trong tương lai.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (bên phải) trong một lần gặp gỡ Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jojn Bolton

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong phát biểu trên truyền hình Nga ngày 28-10 đã tuyên bố, Mỹ cần đưa ra những kế hoạch về kiểm soát vũ khí sau khi Washington quyết định rút khỏi INF. Người đứng đầu ngành ngoại giao của Nga nhấn mạnh thêm rằng, Washington cần nói rõ họ sẽ làm gì trong lĩnh vực này trong trường hợp quyết định từ bỏ mọi văn kiện hợp pháp quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

Tuyên bố trên của ông Lavrov được xem không chỉ nhằm gián tiếp bác bỏ việc Washington đổ lỗi cho Matxcơva để lấy lý do rút khỏi INF. Hơn thế, còn được coi là đòn “phản kích” của Nga nhằm vạch rõ những toan tính của Mỹ đằng sau việc rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng, có vai trò lớn trong việc tạo thế cân bằng chiến lược trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, cũng như ngăn chặn chạy đua vũ trang suốt hơn 40 năm qua.

Trước đó, khi bất ngờ tuyên bố sẽ rút khỏi INF, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng sở dĩ họ đi tới quyết định này là do phía Nga “đã có nhiều vi phạm INF”, cụ thể là phát triển tên lửa tầm trung Novator 9M729. Do vậy, theo sự khẳng định của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ rút khỏi INF để khỏi bị ràng buộc bởi các điều khoản hạn chế quy định trong hiệp ước này.

Đổ lỗi cho Nga, song Mỹ lại “quên” rằng chính họ đã có những bước đi nhằm gia tăng sức mạnh răn đe hạt nhân của Mỹ. Trước hết là việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đã “đảo chiều” việc liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng dưới thời các chính quyền tiền nhiệm để tăng ngân sách quốc phòng lên 692 tỷ USD trong năm 2018 và tuyên bố tăng tiếp lên 716 tỷ USD trong năm 2019 nhằm duy trì ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ.

Đồng thời với việc tăng ngân sách quốc phòng, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đảo ngược chính sách “một thế giới không có vũ khí hạt nhân” của nhiều chính quyền trước đây. Điều này được thể hiện trong Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 (NPR) được Lầu Năm góc công bố đầu tháng 2-2018, mà theo đó Mỹ sẽ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân với “bộ 3 hạt nhân” gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm chiến lược và máy bay ném bom để có thể “sử dụng linh hoạt hơn”.

Vì thế, hiện chưa biết phía Mỹ sẽ đối đáp ra sao với yêu cầu của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Nga, song biết chắc trong trường hợp không nhận được câu trả lời “thỏa đáng”, Matxcơva sẽ chẳng ngại ngần gì mà không vạch ra những toan tính đằng sau việc rút khỏi INF của Washington. Nhìn vào việc tăng chi phí quốc phòng và tiếp đó là NPR, ai cũng dễ dàng thấy rằng tuyên bố rút khỏi INF có nguyên nhân sâu xa nhằm thực hiện cam kết “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” - điều mà ông Donald Trump từng nhiều lần khẳng định.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi INF đang gây ra lo lắng sâu sắc trên thế giới, trong đó nguy hiểm nhất là có nguy cơ phá vỡ các cơ cấu kiểm soát vũ khí toàn cầu suốt 4 thập kỷ qua, làm tái phát cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới.

Ông Daryl Kimball, người đứng đầu Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA) có trụ sở tại Mỹ, cho rằng nếu Mỹ rút khỏi INF có thể tạo ra cuộc khủng hoảng về kiểm soát vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ qua. Do vậy, ông Kimball kêu gọi cần phải đưa cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga trở lại đúng hướng.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nga-muon-my-minh-bach-viec-rut-khoi-inf/788055.antd