Ngả mũ trước chiến công chưa từng được biết đến của S-200 Syria

Sau sự kiện phòng không Syria bắn rơi máy bay trinh sát Nga ngày 17/9, đã đẩy S-200 đứng trước nguy cơ bị loại biên chỉ vì một sai lầm. Nhưng ít ai biết rằng cũng chính tên lửa này đã giúp Syria đánh bại không quân Israel trong quá khứ.

Sau khi tên lửa S-200 của Phòng không Syria bắn nhầm một máy bay trinh sát IL-20 của Không quân Nga ngày ngày 17/9/2018, nhiều người nhắc lại những thành tích không mấy tốt đẹp của tổ hợp tên lửa phòng không có biệt danh “Lừa dối” này, điển hình như vụ bắn nhầm một máy bay chở khách Tu-154 của Siberia vào năm 2001…Vậy chiến tích của S-200 liệu còn gì khác ngoài những sai lầm chết người?

 Trong suốt nửa thế kỷ hoạt động tổ hợp phòng không S-200 chỉ được thế giới biết tới với những sai lầm chết người.

Trong suốt nửa thế kỷ hoạt động tổ hợp phòng không S-200 chỉ được thế giới biết tới với những sai lầm chết người.

Từ lần thực chiến đầu tiên tại Syria...

Sau thất bại trên bầu trời Li-băng năm 1982, để đối phó hiệu quả với Không quân Israel, quân đội Syria đề nghị phía Liên Xô (LX) bố trí các hệ thống S-200 trên lãnh thổ Syria. Đầu năm 1983, hai trung đoàn tên lửa phòng không tầm xa 220 và 231 thuộc Lực lượng Phòng không Liên Xô, với trang bị là tên lửa phòng không S-200 cùng 96 đạn tên lửa 5V28, đưa tới đóng quân tại khu vực Al-Dimass, cách thủ đô Damascus 40km về phía Tây.

Sự xuất hiện của các tổ hợp S-200 trên lãnh thổ Syria khiến Israel và Mỹ cảm thấy lo lắng, và buộc phải tiến hành các chuyến bay trinh sát hoạt động cách xa bờ biển Syria hơn trước.

Ngày 06/12/1983, Không quân Israel sử dụng máy bay không người lái MQM-74A Chacker làm mồi nhử tìm ra vị trí của các tổ hợp S-200 của Syria bố trí ở Li-băng. Khi một phi đội MQM-74A của phi đoàn UAV số 200 của Không quân Israel bay ngang qua thung lũng Beqaa ở phía Đông Li-băng, các tổ hợp S-200 do các chuyên gia LX điều khiển đã phát hiện, bám sát trước khi phóng đạn về phía mục tiêu. Theo màn hình điều khiển tên lửa, hai mục tiêu bị trúng đạn ngay lập tức, tuy nhiên khi tìm kiếm trên mặt đất, chỉ phát hiện xác một chiếc UAV bị bắn rơi.

Máy bay không người lái MQM-74A Chacker của Không quân Israel từng bị phòng không Syria bắn rơi trong Chiến dịch Mole Cricket 19 vào năm 1982.

...cho tới chiến công vang dội trên bầu trời Libya

Chiến công thứ hai của tên lửa S-200 tiếp tục được ghi dấu trên "chảo lửa"xung đột của thế giới và lần này là tại Bắc Phi - Lybia. Theo hồi ký của Thượng tướng, Anh hùng Lao động Liên Xô Yevgeny Yurasov, nguyên Phó Tư lệnh thứ nhất Bộ đội phòng không Liên Xô: Năm 1984, hợp tác quân sự - quốc phòng giữa Libya và Liên Xô đang rất tốt đẹp. Phía Libya đề nghi mua một số tổ hợp S-200 và đã được Moscow chuyển giao các 2 hệ thống TLPK S-200VE (gồm 12 bệ phóng) và đã bố trí 2 tiểu đoàn vận hành chúng tại khu vực thành phố cảng Sirte ở phía bắc đất nước.

Cuối năm 1985, Mỹ xác nhận Libya đang triển khai hai hệ thống S-200 nhằm kiểm soát các máy bay cảnh báo sớm E-2 và săn ngầm P-3 của Mỹ trên khu vực vịnh Sidra. Tháng 1/1986, báo chí Ai Cập đưa tin Libya đã hoàn thành việc xây dựng các trận địa cho tên lửa S-200 cùng với sự xuất hiện của nhiều chuyên gia LX để huấn luyện cho kíp chiến đấu tên lửa phòng không Libya. Bên cạnh đó, vệ tinh do thám của Mỹ cũng phát hiện các trận địa S-200 tại Tripoli và Benghazi nhưng không ghi nhận được các bệ phóng và tên lửa.

Căng thẳng Mỹ - Libya ngày càng lên cao cùng với việc Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở khu vực vịnh Sidra thuộc chủ quyền của Libya từ cuối tháng 1/1986. Đồng thời, các máy bay Không quân Hải quân Mỹ cất cánh từ 3 tàu sân bay thuộc Hạm đội 6 đang có mặt ở khu vực biển Địa Trung Hải, tiến hành hoạt động trinh sát nhằm vào lãnh thổ Libya.

Đại tá Alexander Marchenko, chuyên gia LX tại Libya kể về chiến công của S-200 trên bầu trời Libya: Ngày 23/3/1986, máy bay chiến đấu của Mỹ bắt đầu vượt qua đường ranh giới trên vịnh Sidra, bắt đầu hoạt động trinh nhắm vào Libya. Từ 7h sáng ngày 24/3, máy bay Mỹ xuất hiện cách 100-130km so với bờ biển Libya, đặt lực lượng PK Libya trong trạng thái liên tục báo động cao độ.

Tới 13h, một đợt tấn công với khoảng 100 máy bay Mỹ bay ở các độ cao khác nhau trên vùng biển vịnh Sidra, trong đó bay cao nhất là máy bay cảnh báo sớm E-2C cùng sự yểm trợ của máy bay tác chiến điện tử EA-6B. Lúc 13h45, radar cảnh giới của Libya phát hiện mục tiêu một cặp cường kích A-7 Corsair ở độ cao 4,5km từ khoảng cách 160km. Lúc 13h50, khi mục tiêu vừa tiếp cận, xâm nhập vịnh Sidra, Bộ Chỉ huy lực lượng phòng không Libya quyết định chỉ tên lửa S-200 tham gia chiến đấu trận này. Tuy nhiên, do giới hạn về cơ số đạn tên lửa, mỗi tiểu đoàn S-200 của phòng không Libya chỉ được phép phóng một quả đạn. Ngay lập tức, hai đạn 5V28 lần lượt được phóng từ khoảng cách 115km về phía mục tiêu với giãn cách phóng giữa hai loạt là 8 giây. 30 giây sau đó, hai chiếc A-7 Corsair giảm độ cao (từ 4,5km xuống 2,5km) và vận tốc nhằm thực hiện động tác cơ động tránh tên lửa nhưng không có hiệu quả. Hai quả tên lửa đánh trúng mục tiêu sau 95 giây kể từ thời điểm phóng. Trên màn hình hiển thị của radar PRV-17 và các radar khác, các sĩ quan điều khiển thấy xuất hiện sự giảm độ cao và tốc độ đột ngột của mục tiêu, cho thấy chúng đã bị trúng đạn.

Rất bất ngờ, không phải các chuyên gia LX trực tiếp điều khiển tên lửa đánh máy bay Mỹ mà chính là các sĩ quan, binh sĩ Libya tham gia trực tiếp vào trận đánh này. Thời điểm xảy ra trận đánh, các chuyên gia LX đang đi ăn trưa và không có mặt tại vị trí, mọi thao tác đều do kíp chiến đấu Libya tự thực hiện.

Ảnh: Sơ đồ mô tả trận đánh tiêu diệt 3 máy bay Mỹ của tên lửa S-200 Libya lúc 13h52 và 18h42 ngày 24/6/1986

Phát huy thành tích trên, năm tiếng sau, phòng không Libya phóng 1 đạn 5V28 tiêu diệt một máy bay không người lái trinh sát của Mỹ từ cự lý 75-100km. Cụ thể, lúc 18h42, PK Libya phát hiện mục tiêu bay ở độ cao 3km và cự ly 120km trên khu vực hành lang Benghazi-Misurata. Lúc 18h44, do liên lạc gián đoạn với Sở chỉ huy cấp trên, chỉ huy tiểu đoàn hạ quyết tâm phóng đạn tiêu diệt khi mục tiêu đang độ cao 3km và cự ly 100km. 30 giây sau khi phóng, đạn tên lửa chạm đích ở độ cao1,5km và cự ly 85km.

Trung tướng Vladimir Yaroshenko, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng lực lượng Phòng không Liên Xô nói về phản ứng của các bên sau trận đánh trên bầu trời Libya: Khi nhà lãnh đạo Libya M.Qaddafi ra tuyên bố về việc này, phía Mỹ ngay lập tức phủ nhận và chỉ thừa nhận là phía Libya đã phóng 3 tên lửa nhưng tất cả đều trượt mục tiêu trên biển, phía Mỹ không có thiệt hại nào. Tổng Bí thư Liên Xô bấy giờ Mikhail Gorbachev nhận được tin tình báo từ Tripoli về trận đánh, đã bày tỏ hoài nghi về khả năng và hiệu quả của S-200 trong chiến đấu và yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng S. Sokolov, Tổng Tham mưu trưởng S. Akhromeev và Tư lệnh Phòng không Liên Xô A. Koldunov phải có kết quả kiểm tra chính xác về việc bắn rơi náy bay Mỹ. Với những thông tin cơ bản về điều kiện, thông số chiến đấu của hệ thống S-200 tại Libya, chuyên gia từ các đơn vị: Cục Thiết kế Almaz (cha đẻ của S-200), Viện Nghiên cứu kĩ thuật quân sự và trường bắn đã thử nghiệm độc lập bằng phương pháp giả lập trên máy tính và đều đưa ra kết luận rằng khả năng đã bắn hạ mục tiêu của S-200 trong trận đánh tại Libya là từ 0,96 tới 0,99.

Chiến thắng nào cũng có cái giá phải đánh đổi

Để truy tìm, trả đủa cho những tổn thất diễn ra vào buổi chiều, Hải quân Mỹ tiếp tục điều động các tốp máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Saratoga nhằm tiêu diệt, vô hiệu hóa các trận địa S-200.

Tới 20h cùng ngày, Mỹ tiếp tục tấn công khi điều động 4 tốp máy bay xuất kích (trong đó có hai tốp bay cao ở khoảng cách xa vùng hỏa lực PK đôi phương, làm nhiệm vụ nghi binh và không tham gia tấn công). Lúc 20h25, PK Libya phát hiện một tốp 10-12. máy bay Mỹ gồm các loại F-14, F/A-18, A-7E và EA-6B ở cự ly 160-180km, độ cao 3-4km, góc phương vị 0-20 độ. Các radar của PK Libya như P-14, P-35, P-18, PRV-17 bị gây nhiễu chủ động nặng, dẫn tới việc cường độ tín hiệu thu được kém nên không biết rằng vẫn còn một tốp máy bay khác đang tiếp cận để tấn công. Tới 20g50, nhiễu chấm dứt, các radar PK mới phát hiện tốp mục tiêu thứ hai gồm 8-10 máy bay đã còn cách 140km, góc phương vị 45-60 độ. Các máy bay trong tốp này đều bay ở độ cao tầm 2km, cố tình nằm trong tầm quan sát tương đối rõ của radar PK Libya nhằm làm mồi, bẫy đánh lạc hướng cho hai chiếc EA-6B của tốp đang bay ở độ cao khoảng 150m và mang theo tên lửa diệt radar thế hệ mới AGM-88 HARM.

Sơ đồ mô tả cuộc tấn công của máy bay Mỹ nhằm vào trận địa S-200 lúc 20h ngày 24/6/1986

Chỉ huy phòng không Libya giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn tên lửa S-200 thứ hai hạ bám sát tốp mục tiêu đang bay gần hơn (trong khi đó, tiểu đoàn thứ nhất vẫn tiếp tục theo dõi tốp mục tiêu ở cự ly xa hơn đang có dấu hiệu bay vòng ra). Nhận thấy tốp mục tiêu đang dần tiến vào vùng tiêu diệt hiệu quả của hệ thống S-200, tiểu đoàn tên lửa thứ hai ngừng phát xạ các đài cảnh giới và chuyển sang ngắm bắn mục tiêu. Ngay lập tức, cảm biến cảnh báo bị chiếu xạ được trang bị trên hai chiếc máy bay tác chiến điện tử EA-6B đã dò tìm, xác đinh được chính xác tần số radar hỏa lực của đối phương trước khi phi công quyết định sử dụng chiến thuật “bay thấp, kéo cao”, đột ngột tăng độ cao, tới cự ly lần lượt 60 và 80km để tiến hành phóng hai tên lửa AGM-88 HARM rồi thực hiện các động tác cơ động trên không rút khỏi tuyến phóng, quay đầu về phía vịnh Sidra.

Ảnh: Thiệt hại của đài 5N62 do tên lửa chống bức xạ AGM-88 HARM gây ra.

Hai quả tên lửa AGM-88 HARM đã lần theo cánh sóng radar, trong đó một quả đã tấn công "trái tim" của hệ thống S-200 là radar điều khiển hỏa lực 5N62 ở khoảng cách 8m và độ cao 9m. Tuy nhiên, thiệt hại không đủ tới mức có thể phá hủy hay vô hiệu hóa hoàn toàn đài 5N62. Phía Liên Xô thực tế chỉ mất hơn 1 ngày để khôi phục kênh dẫn bắn bị hỏng, đưa đài hỏa lực 5N62 hoạt động trở lại sau đó.

Đây cũng chính là lần đầu tiên tên lửa chống bức xạ AGM-88HARM được sử dụng trên chiến trường. Tuy nhiên, quả tên lửa thứ hai bắn trượt, phát nổ ở mặt đất vượt qua mục tiêu khoảng 2km. Điều quan trọng là một phần còn sót lại sau vụ nổ của quả tên lửa này đã được tìm thấy, giúp người LX phát hiện ra một loại tên lửa chống bức xạ mới mà họ chưa từng đối đầu trên chiến trường để nghiên cứu về sau này, góp phần vào sự ra đời của họ tên lửa chống bức xạ Kh-31 năm 1991.

Mời độc giả xem video: Hình ảnh hiếm hoi về tổ hợp tên lửa S-200 trong biên chế Quân đội Nga. (nguồn World Military)

Ngọc Quỳnh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-mu-truoc-chien-cong-chua-tung-duoc-biet-den-cua-s-200-syria-1126033.html