Nga: Một số lượng lớn xe tăng T-90 đã được chuyển giao cho Việt Nam

Ria Novosti đưa tin, phần lớn các xe tăng T-90S và T-90SK đã được phía Nga cung cấp cho Việt Nam theo hợp đồng cung cấp 64 xe tăng được ký năm 2016.

Nga đã cung cấp phần lớn xe tăng T90 cho Việt Nam

Nga đã cung cấp phần lớn xe tăng T90 cho Việt Nam

Thông tin trên được ông Viktor Kladov, người đứng đầu đoàn đại biểu Công ty công nghệ Rostec thuộc Tập đoàn xuất khẩu Quốc phòng Nga Rosoboronexport, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RIA Novosti.

Phát biểu tại Triển lãm hàng không vũ trụ Trung Quốc - Airshow China-2018 được tổ chức tại Chu Hải từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 11, ông Kladov cho biết, hợp đồng cung cấp 64 xe tăng T-90S và T-90SK cho Việt Nam đã được ký kết vào năm 2016 với thời hạn thực hiện đến năm 2019. "Hiện đang tiến hành giao sản phẩm (xe tăng T-90S và T-90SK), hầu hết các thiết bị đã có mặt tại chỗ".

T-90 là một trong những loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất của quân đội Nga. Nó được sản xuất với số lượng ít vào năm 1993 và chính thức phục vụ trong quân đội Nga năm 1995, dựa trên kiểu mẫu đầu tiên được gọi là Obyekt 188.

T-90 nguyên thủy là một phiên bản hiện đại hóa sâu của T-72B, được tích hợp nhiều đặc tính thiết kế của T-80. Ban đầu được đặt tên là T-72B nâng cấp nhưng đến năm 1992 được đặt lại tên mã là T-90.

Từ năm 2001 đến 2010, theo nguồn tin của Nga thì T-90 là loại xe tăng chủ lực được bán chạy nhất thế giới. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011, quân đội Nga đã ngưng đặt hàng T-90 để chuyển sang mua loại xe tăng hiện đại hơn là T-14 Armata, trong khi các công nghệ trên T-90 được Nga áp dụng để hiện đại hóa hàng ngàn xe tăng T-72 của họ bởi như vậy tiết kiệm chi phí hơn.

Xe tăng T90

T-90 là loại xe tăng đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống bảo vệ 5 lớp: lớp 1 là hệ thống ngụy trang "Nakidka" để làm giảm khả năng bị đối phương phát hiện bởi ống nhòm, radar hoặc tín hiệu hồng ngoại; lớp thứ 2 là hệ thống phòng thủ chủ động quang điện gây nhiễu Shtora-1 để chống lại các tên lửa dẫn đường bằng laser, hồng ngoại cũng như gây rối các hệ thống hiển thị mục tiêu; lớp thứ 3 là hệ thống phòng thủ chủ động ARENA chuyên đánh chặn các loại đạn chống tăng trước khi chúng lao vào xe, lớp thứ 4 là giáp phản ứng nổ gắn ngoài, và lớp thứ 5 là vỏ giáp được kết hợp giữa thép độ bền cao và vật liệu tổng hợp (composite). Cho tới khi T-14 Armata ra đời, T-90 được coi là mẫu xe tăng có khả năng phòng vệ tốt nhất thế giới. Hệ thống chống mìn bằng xung điện EMT-7 cũng được thử nghiệm trên T-90 nhưng nó chưa được gắn đại trà vào các T-90 đang hoạt động.

T-90 trang bị pháo nòng trơn 125mm với sự tăng cường độ chính xác, hệ thống cân bằng pháo – tăng hai chiều dọc – ngang, đồng trục với pháo là súng máy 7,62mm (PKT hoặc PKTM) và súng phòng không 12,7mm (NSVT-12,7 hoặc KORD).

Trên T-90 lắp tổ hợp điều khiển hỏa lực tự động với máy tính toán đường đạn kỹ thuật số và kính ngắm hồng ngoại hoạt động trong điều kiện ngày/đêm, thiết bị nạp đạn tự động (AZ) đảm bảo hiệu quả chiến đấu cao của các loại vũ khí trong xe.

Thiết bị súng máy phòng không (ZPU) với thiết bị ngắm và dẫn bắn từ xa cho phép bắn mục tiêu trên không và trên mặt đất từ trong buồng chiến đấu của xe tăng.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nga-mot-so-luong-lon-xe-tang-t90-da-duoc-chuyen-giao-cho-viet-nam-post281233.info