Nga mong đợi gì từ 'giông tố' chính trị Merkel?

Một nước Đức, một thế giới không còn Angela Merkel trên cương vị Thủ tướng, đang trở nên vô cùng rõ ràng.

Được bầu làm Thủ tướng Đức vào năm 2005, kể từ đó, bà Merkel đã trở thành một trong những biểu tượng cho sự ổn định và lâu bền của chính trị toàn cầu – đến nỗi thật khó có thể tưởng tượng một nước Đức hoặc một Châu Âu thiếu vắng Merkel.

Tuy nhiên, sau kết quả của cuộc bầu cử hồi tháng Chín, khi liên minh hai đảng CDU (Liên minh dân chủ Cơ đốc) và CSU (Liên minh xã hội Cơ đốc) của bà mất 65 ghế trong Quốc hội, Merkel đã không có được thuận lợi khi tìm cách kết nối các đảng nhỏ hơn để thành lập một chính phủ đa số. Hãng tin Bloomberg nhận định, bất chấp sức mạnh kinh tế, nước Đức vẫn không thể thoát được những ảnh hưởng từ cơn lốc chủ nghĩa dân túy đang “hoành hành” tại các nền dân chủ phương Tây lâu đời trong một vài năm trở lại đây.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, một cuộc bầu cử Đức đã không bầu ra được một Chính phủ. Mặc dù vẫn có nhiều cách để bà Merkel giữ lại quyền lực, và bà cũng tuyên bố đã chuẩn bị cho một cuộc bầu cử khác, nhưng viễn cảnh một thế giới thiếu vắng Angela Merkel trong cương vị Thủ tướng Đức – đang trở nên vô cùng rõ ràng.

Kỷ nguyên Merkel đã trôi qua?

“Merkel là một nhân vật lịch sử đối với Châu Âu, nhưng thời điểm của bà đã trôi qua,” Ashoka Mody, cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, người vừa hoàn thành một cuốn sách nói về quá trình bà Merkel xử trí cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Âu – đánh giá. Kể cả khi vẫn ở lại vị trí Thủ Tướng, theo Mody, bà Merkel hiện tại và tương lai sẽ rất khác bà Merkel trong quá khứ.

Trong ba nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, Angela Merkel đã chèo lái nước Đức thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giúp cho đồng Euro không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng và giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, quyết định mở cửa nước Đức cho làn sóng người tị nạn từ Syria và phần còn lại “bất ổn” của thế giới, đã khiến bà mất đi sự ủng hộ ngay từ bên trong. Thủ tướng tiếp theo của Đức – cho dù là bà Merkel hay không – sẽ phải đối mặt với sứ mệnh “chỉnh sửa” một mô hình phát triển đang dần bộc lộ khiếm khuyết. Ngoài ra, việc AfD trở thành đảng cựu hữu đầu tiên bước vào Quốc hội Đức kể từ năm 1950 cũng đặt ra một thách thức khác cho nhà lãnh đạo tương lai của nước Đức: làm cách nào để hạn chế sự trỗi dậy của AfD?

Một tấm áp-phích của bà Angela Merkel bị nước mưa làm bong (ảnh: Reuters)

Ảnh hưởng ngày càng giảm sút của bà Merkel là “một tin tức rất xấu cho Liên minh Châu Âu”, tờ Le Monde bình luận về sự kiện đàm phán thành lập chính phủ liên minh thất bại tại Berlin. Tờ báo Pháp nhận định, những hy vọng về một thông điệp thân châu Âu, tự do - có được từ sau chiến thắng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, giờ đây đã bị “cản trở”.

Ông Macron đã dựa trên sự hỗ trợ của bà Merkel để đứng vững trong cơn lốc thay đổi của EU, đề xuất sự hợp tác sâu rộng hơn về quốc phòng, thuế quan, nhập cư – và quan trọng nhất là một ngân sách chung cho 19 quốc gia sử dụng đồng euro. Điều này trở nên khó khăn hơn bởi sự thỏa thuận mà ông mong muốn từ bà Merkel, giờ đây có thể sẽ là “cái giá chính trị” cho bất kỳ Thủ tướng Đức nào. Ngoại trừ bà Merkel, “không ai có quyền lực hoặc niềm tin dư luận để cho phép nước Đức đưa ra những nhân nhượng cần thiết,” Jan Techau, Giám đốc của Diễn đàn Richard C. Holbrooke từ Học viện Hoa Kỳ tại Berlin – phân tích.

Một mục tiêu mà Đảng Dân chủ tự do đưa ra khi đảng này rời khỏi cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh vào ngày 19/11 vừa qua, đó là họ muốn có một cam kết về việc thay đổi các luật lệ của EU, theo đó, cho phép các nước thành viên có thể dừng sử dụng đồng tiền chung mà không phải rời bỏ khối. Đây, đáng buồn thay, lại là một điều kiện chính trị không có khả năng thành hiện thực đối với Merkel.

Trong mối quan hệ với Moscow, Thủ tướng Đức là người dẫn đầu trong những nỗ lực thuyết phục Áo, Hy Lạp, Italy và các thành viên EU khác, áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga vào năm 2014. Các lệnh trừng phạt đã khiến cả hai bên (Nga và EU) phải trả giá, nhưng Merkel luôn là người ủng hộ gia hạn chúng sau mỗi 6 tháng. Theo Chủ tịch của Hội đồng Đại Tây Dương Frederick Kempe, không có tiếng nói của bà Merkel sẽ tạo ra “một môi trường đa mục tiêu cho Thủ tướng Nga Vladimir Putin” hướng tới các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ trong khi nước Nga không phải rút quân đội và vũ khí khỏi đông Ukraine. Sau Merkel, “chúng ta sẽ thấy một nước Đức có vẻ hướng nội”, ông Kempe nói, “Macron đã bước ra nhưng phải công nhận rằng, về phương diện kinh tế và địa chính trị, không ai tại Châu Âu có thể thay thế Đức”.

Gần như chắc chắn không ai tiếp nối Merkel?

Tuy nhiên, Josef Janning, người đứng đầu Văn phòng Berlin của Hội đồng Đối ngoại Châu Âu nhận định, có thể nhìn nhận kỷ nguyên của bà Merkel theo một góc độ khác. Trong quá trình xử lý khủng hoảng, bà hiếm khi chỉ đạo dựa trên các nguyên tắc hoặc tìm cách định hình tương lai. Thậm chí ngay cả quyết định của bà Merkel “chào đón” làn sóng nhập cư, theo Janning, cũng là một sự tính toán chiến lược, bởi bà Thủ tướng hầu như không có cách nào ngăn chặn nó.

Janning phân tích, tại các hội nghị quốc tế, mặc dù tiếng nói của Đức luôn có trọng lượng, nhưng bà Merkel không bao giờ đưa ra cam kết về các nguồn lực cần thiết để giữ vai trò dẫn đầu trong công cuộc tái định hình thế giới. Một trong những lý do, đó chính là bà Merkel biết rõ, nước Đức không muốn vị trí đó.

Chuyên gia trên cũng cho biết, nếu bà Merkel rời bỏ chính trường, gần như chắc chắn sẽ không ai tiếp tục những gì bà đang để lại. Những thỏa thuận chính trị cần thiết cho trật tự thế giới dựa trên các nguyên tắc mà bà Merkel đang theo đuổi - khó có thể được quyết định khi các quốc gia đang bị chia cắt và các nhà lãnh đạo phải cố hết sức tìm kiếm sự ủng hộ ngay từ bên trong đất nước mình.

“Nếu Merkel không còn trên chính trường, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn rằng chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu sự lãnh đạo,” Jannning nói. Và không ai – kể cả một nhà lãnh đạo nước Đức mới, không phải là Macron, không bất kỳ ai – có thể thay đổi được điều đó.

(Theo Bloomberg)

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/nga-mong-doi-gi-tu-giong-to-chinh-tri-merkel-264594.html