Nga mở nhà máy khí hóa lỏng đầu tiên lách cửa Mỹ

Khí hóa lỏng là lĩnh vực mà Mỹ không cấm vận và Nga không thể bỏ qua các dự án loại này.

RT hôm 9/12 thông tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự một lễ khánh thành nhà máy sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá 27 tỷ USD ở Bắc Cực.

Sự kiện diễn ra hôm 8/12 tại nhà máy sản xuất khí hóa lỏng Yamal LNG, vùng Siberia quanh năm băng tuyết ở Bắc Cực.

Nga dùng khí hóa lỏng "đấu " lại Mỹ?

Phát biểu tại lễ khai trương tại cảng Sabetta ở bán đảo Yamal, Tổng thống Putin tuyên bố: "Đây là một ngày trọng đại đối với chúng ta. Đây là một dự án quy mô lớn đối với Nga".

Tổng thống Nga đã chứng kiến lô khí đốt đầu tiên được chuyển lên một tàu phá băng từ nhà máy Yamal LNG. Tàu này được đặt tên theo ông Christophe de Margerie, cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Pháp (Total) đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn tại Moscow năm 2014.

Chủ tịch và CEO của Total, ông Patrick Pouyanne đã nhấn mạnh tới mức chi phí "đặc biệt thấp" của dự án trên. Ông nhấn mạnh đây là "một nhà máy LNG đẳng cấp thế giới trong các điều kiện khắc nghiệt để khai thác nguồn tài nguyên khí đốt mênh mông ở bán đảo Yamal".

Dự án trên được vận hành bởi Công ty Yamal LNG thuộc sở hữu của Tập đoàn Novatek (với tỷ lệ góp vốn 50%), Tập đoàn Total của Pháp với 20% vốn, Tập đoàn CNPC của Trung Quốc (20%) và Quỹ Con đường Tơ lụa (9,9%).

Nhà máy nói trên dự kiến sẽ bắt đầu với công suất 5,5 triệu tấn/năm và tăng lên 16,5 triệu tấn/năm vào đầu năm 2019.

Nhà máy được xây dựng tại cảng Sabetta trên bán đảo Yamal, nơi có trữ lượng hydrocarbon lớn, cách Moscow khoảng 2.500 km và bị băng bao phủ hầu như cả năm, với nhiệt độ thấp nhất đến -50 độ C.

Từ khi nhà máy được khởi công xây dựng cuối năm 2013, một sân bay và một cầu cảng cũng đã được xây dựng đồng thời với các hồ chứa khí và nhà máy LNG.

Với Yamal LNG, Nga dự định sẽ tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường châu Á và chứng minh khả năng của mình trong việc khai thác trữ lượng khí thiên nhiên khổng lồ ở Bắc cực bất chấp những khó khăn về công nghệ.

Tính khả thi của việc vận chuyển qua Tuyến hàng hải phía Bắc vẫn chưa được nghiên cứu. Nhưng Nga vẫn hy vọng đây sẽ là tuyến đường vận chuyển dễ dàng hơn để vươn tới các thị trường có lợi cho lợi ích của Nga như ở châu Á.

Bởi tuyến đường dọc theo bờ biển phía Bắc Siberia cho phép tàu thuyền giảm bớt 15 ngày trong hành trình tới các cảng châu Á so với tuyến đường thông thường đi qua Kênh đào Suez.

Trước đó, người đứng đầu Hạm đội tàu phá băng nguyên tử Nga (Atomflot) V. Ruksha cho hay, nước này đang nghiên cứu khả năng chế tạo tàu phá băng sử dụng LNG làm nhiên liệu.

Các tàu phá băng LNG có thể được sử dụng để hoạt động ở vịnh Obi và biển Kara ngay gần cảng Sabetta và nhà máy LNG của Yamal LNG. Điều này sẽ cho phép nhanh chóng thực hiện việc tiếp liệu cho các tàu phá băng LNG và giảm đáng kể chi phí khi chúng bớt được những chuyến đi lại “ngoài nhiệm vụ”.

Tháng 9/2017, Atomflot đã đặt hàng cho công ty Aker Arctic Technology của Phần Lan phát triển đồ án cơ bản cho một loại tàu phá băng chạy bằng nhiên liệu khí tự nhiên hóa lỏng. Aker Arctic Technology là công ty có nhiều kinh nghiệm thiết kế, chế tạo các loại tàu chuyên dụng.

Triển vọng LNG giúp Nga cạnh tranh hoàn toàn với Mỹ

Dự án LNG của Nga ở Yamal được cho là sẽ mang tới triển vọng cạnh tranh với nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới Qatar.

Bên cạnh đó, LNG là lĩnh vực mà Mỹ cũng đang tìm kiếm đối tác nhập khẩu, đặc biệt là châu Âu và do đó, không thuộc nhóm trừng phạt đối với Nga.

Điều này tạo nên lợi thế cho Moscow thúc đẩy các điều kiện để phát triển dự án LNG.

Đáng chú ý hơn, mỏ khoáng sản khổng lồ ở Yamal đã thu hút không ít những nhà đầu tư lớn, trong đó có Arabia Saudi.

Nga có tiềm năng để phát triển tối đa LNG

Arabia Saudi và Nga đã đồng ý xem xét khả năng tham gia của Tập đoàn dầu khí Aramco vào dự án của Tập đoàn dầu mỏ Novatek của Nga để xây dựng nhà máy khí đốt hóa lỏng thứ 2 ở Nga.

Kết quả cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ Nga - Arabia Saudi cho hay, một điều khoản thêm vào đã được đề cập tới trong lộ trình hợp tác năng lượng châu Âu giữa Bộ Năng lượng Nga và Bộ Năng lượng, Công nghiệp và Tài nguyên khoáng sản Arabia Saudi.

Điều khoản được thêm vào lộ trình hợp tác là các bên xem xét khả năng tham gia của Arabia Saudi vào dự án Arctic LNG-2. Cụ thể là sẽ có các buổi làm việc giữa Novatek và Aramco" - báo cáo ghi rõ.

Dù phải chống lại các lệnh trừng phạt, Nga vẫn có kế hoạch nâng cao năng lực LNG và xuất khẩu của mìnhm đặc biệt tập trung vào châu Á, cụ thể hơn điểm đến sẽ là Trung Quốc.

Bằng cách bảo đảm nguồn tài trợ từ Trung Quốc, Nga không chỉ tìm kiếm nguồn tài chính thay thế khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ mà nó cũng đảm bảo khối lượng bán hàng tại thị trường nhập khẩu LNG phát triển nhanh nhất.

Rõ ràng, nếu Nga tăng đáng kể sản xuất và xuất khẩu LNG, nó có thể làm tăng xu hướng thương mại LNG toàn cầu và thị phần của các nhà xuất khẩu trong thập kỷ tới.

Theo một báo cáo của Research and Markets từ tháng 8/2017, nhu cầu thị trường LNG toàn cầu vượt quá con số 265 triệu tấn vào năm ngoái.

Chương trình dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) 6,5% trong năm 2017-2025, với mức tiêu thụ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ ở mức cao theo cấp số nhân trong thập kỷ tới.

Với những thành tích đáng kể, có thể tự tin vào chiến lược thực sự trong tương lai của Nga để nuôi dưỡng các yếu tố chống lại lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nga-mo-nha-may-khi-hoa-long-dau-tien-lach-cua-my-3348713/