Nga minh chứng chất lượng an toàn của vụ phóng không gian

Kết quả của các vụ phóng vào vũ trụ của Nga vượt mặt các đối thủ Mỹ hay Trung Quốc, Pháp.

Sputnik mới đây đã thống kê những con số đáng nể của ngành hàng không khoa học Nga, có thể vượt trội so với đối thủ ở Mỹ hay Trung Quốc.

Nga đã có thành tích đáng nể so với các cường quốc vũ trụ trong việc chạy đua vào không gian

Nga đã có thành tích đáng nể so với các cường quốc vũ trụ trong việc chạy đua vào không gian

Theo đó, trong hai năm rưỡi, Nga đã liên tiếp thực hiện thành công 58 vụ phóng tên lửa vào không gian vũ trụ, tái lập kỷ lục được xác định trong lịch sử hiện đại của nước này gần 30 năm trước.

Mới nhất là hôm 26/4 vừa qua, tên lửa đẩy Soyuz-2.1b đã phóng thành công 36 vệ tinh thông tin OneWeb của Anh lên quỹ đạo từ sân bay vũ trụ Vostochny.

Lần phóng này trở thành vụ phóng thành công thứ 58 của ngành tên lửa vũ trụ Nga kể từ sự cố gần đây nhất xảy ra vào năm 2018, khi chuyến bay của tàu vũ trụ Soyuz MS-10 lên Trạm vũ trụ quốc tế bị gián đoạn do sự cố tên lửa chở phi hành gia Soyuz-FG tách tầng không thành công. Nhờ hệ thống cứu hộ khẩn cấp, phi hành gia người Nga Alexey Ovchinin và phi hành gia người Mỹ Nick Hague sau đó đã hạ cánh an toàn, sức khỏe tốt.

Sau 2 năm rưỡi kể từ khi xảy ra sự cố nói trên, Nga đã thực hiện thành công 27 vụ phóng tên lửa từ sân bay vũ trụ Baikonur, 19 lần phóng từ Plesetsk, 5 lần từ sân bay Vostochny và 7 vụ phóng từ sân bay vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp.

Để so sánh rõ hơn, trong cùng khoảng thời gian nói trên trên thế giới có 17 vụ phóng vào không gian thất bại: 8 vụ ở Trung Quốc, 3 - ở Iran, 3 - ở Mỹ, 2 - ở Pháp và 1 vụ ở New Zealand.

Quá trình liên tiếp phóng thành công tên lửa vào vũ trụ hiện nay, đặc biệt từ năm 2018 đến nay đã không ghi nhận các vụ phóng thất bại, cho thấy một thành tích đáng nể của ngành khoa học vũ trụ Nga mà ít có quốc gia nào hiện nay bì kịp. Trước đó, các năm 2010, 2013 và 2016-2018 mỗi năm đều xảy ra một vụ tai nạn, năm 2012 và 2015 - hai vụ mỗi năm, năm 2014 - ba vụ, năm 2011 - bốn vụ.

Sự uy tín của ngành hàng không vũ trụ Nga góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Moscow với các nước, đặc biệt là Mỹ. Không chỉ cung cấp các hợp đồng bán động cơ tên lửa RD-180 cho Mỹ, Nga cũng liên tiếp cho phi hành gia Mỹ và các nước châu Âu thuê ghế ngồi trên tàu vũ trụ vào không gian.

Động cơ RD-180 được sử dụng trong tầng một của tên lửa Atlas-5. Tổng cộng, theo NPO Energomash, kể từ năm 1999, phía Nga đã có 116 động cơ được gửi sang Mỹ, trong đó 92 động cơ đã được sử dụng.

Động cơ RD-181 được lắp đặt trong tầng một của tên lửa Antares (mỗi tên lửa hai động cơ). Tổng cộng, 22 động cơ đã được chuyển giao cho Mỹ kể từ năm 2015, trong đó 16 động cơ đã được sử dụng.

Theo NASA, từ năm 2006 đến nay Mỹ đã mua của Nga 72 chỗ ngồi trong tàu vũ trụ Soyuz với tổng giá tiền hơn 4 tỷ USD, giá mỗi vé bay cho họ đã tăng từ 20 triệu lên 90 triệu USD.

"Giá vé" tăng khiến Washington quyết tâm khởi động lại chương trình vũ trụ bị đóng lại từ năm 2011 cho tới nay. Cuối cùng công ty công nghệ vũ trụ trẻ của tỷ phú không gian Elon Musk đã thành công vượt ngoài mong đợi và bứt phá qua các ông lớn trong ngành công nghệ quân sự của Mỹ như Boeing.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-minh-chung-chat-luong-an-toan-cua-vu-phong-khong-gian-3431301/