Nga 'mắc kẹt' giữa cao trào xung đột Iran và Israel tại Syria

Theo một nghiên cứu từ trung tâm nghiên cứu chiến lược Begin-Sadat, Moscow là trọng tâm cân bằng giữa xung đột Iran và Israel trong bối cảnh leo thang căng thẳng tại khu vực.

Syria đỉnh điểm nóng xung đột Iran và Israel

Ông Emil Avdaliani thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Begin-Sadat (BESA) cho biết, các cuộc tấn công liên tục của Israel nhằm vào các vị trí quân sự của Iran tại Syria là một hồi chuông báo động đối với Nga trong bối cảnh Moscow gia tăng củng cố quân sự tại khu vực.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh:AP

“Trong vài tháng qua, một trong số các lo lắng lớn của điện Kremlin là việc liên tục tăng cường các cuộc tấn công của Israel tại Syria. Vào tháng Hai, máy bay không người lái của Iran đã tấn công vào không phận Israel và nhận lại sự đáp trả nhanh chóng và khốc liệt từ Israel. Hai tháng sau đó, vào ngày 9/4, các máy bay Israel tấn công trở lại, thực hiện ném bom vào căn cứ T4, giết chết 14 quân nhân, bao gồm ít nhất 7 binh lính của lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo đây là một động thái gia tăng nguy hiểm trầm trọng cho tình hình khu vực.

Các vụ việc diễn ra cho thấy, sự tham gia quân sự của Israel và Syria có thể khiến cho tình hình khu vực trở nên nghiêm trọng hơn, vượt xa tầm kiểm soát của Nga. Đây là điều đáng lo ngại đối với Moscow trong bối cảnh Nga luôn muốn giữ cân bằng chiến lược tại Syria.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược Begin-Sadat đưa ra gợi ý về cách Nga phản ứng đối với các căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran tại Syria:

Đối với Moscow, Nga liên tục nỗ lực duy trì vị trí ảnh hưởng mạnh tại Syria sau khi giành được các chiến thắng quan trọng. Tuy nhiên, việc gia tăng ảnh hưởng được cho là khó khăn hơn khi chiến trường Syria có nhiều tham vọng từ các quốc gia khác muốn dòm ngó. Mỹ được cho là chưa muốn rút quân đội ra khỏi nước này và chưa có tín hiệu nào cho thấy điều đó. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hoạt động tại Afrin ở phía Bắc Syria. Sự ảnh hưởng của Iran giáp biên giới Israel khiến cho xung đột giữa hai nước ngày càng gia tăng. Rất ít thành công có được từ các hòa đàm Syria giữa các bên. Điều cuối cùng mà Nga muốn là kéo Israel ra khỏi xung đột quân sự hiện tại.

Phản ứng “cân bằng” từ phía Moscow

Ông Avdaliani cho biết, điều này có thể giải thích lý do tại sao Nga luôn có phản ứng đảm bảo an ninh cho Israel.

“Ví dụ như, việc cân nhắc đến những gì diễn ra sau khi Mỹ và các đồng minh phóng tên lửa vào Syria hồi tháng 4. Phản ứng đầu tiên của Moscow là đề xuất vận chuyển tên lửa phòng không tân tiến S-300 đến Damascus”, ông Avdaliani nói.

Theo ông Avdaliani, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từng nói rằng, các cuộc tấn công của các đồng minh phương Tây, Nga không còn có bất kỳ cam kết đạo đức nào để hạn chế quá trình vận chuyển tên lửa sang Syria. Tờ báo hàng ngày Kommersant của Nga đã trích dẫn nguồn tin quân sự giấu tên cho biết về quá trình vận chuyển vũ khí nên được kích hoạt.

“Tuy nhiên, sau chuyến thăm của Thủ tướng Israel đến Nga vào đầu tháng Năm tại Lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, tờ Izvestia lại trích dẫn nguồn tin từ quan chức cấp cao điện Kremlin, ông Vladimir Kozhin cho biết, Moscow không muốn bàn bạc nhiều với chính quyền Syria về về việc cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không S-300. Vào ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman đã có chuyến thăm Moscow. Các nhà phân tích Nga đều tuyên bố rằng, thỏa thuận sẽ được thông qua cho dù Iran có kéo quân đến bất kỳ chỗ nào ở biên giới Israel và Syria. Nếu đó là sự thật thì đây là động thái thay đổi rõ ràng của chính phủ Nga.

Trung tâm BESA cũng cho rằng, trong một cân nhắc khác của Moscow cho thấy, nếu Iran tấn công Israel từ Syria hoặc thông qua Hezbollah thì Nga có thể sẽ phản ứng mạnh mẽ.

“Ở cấp độ toàn cầu, điều này có thể rằng, Nga sẽ là trung hòa cho quan hệ giữa Israel và Iran. Đây sẽ là vấn đề khúc mắc ngoại giao lớn trên thế giới khi cả hai nước đều có quan hệ với Nga. Điện Kremlin dường như đang xem xét về khả năng này và có các gợi ý gần đây trên truyền thông Nga khi đưa ra các trường hợp giả định nếu cần thiết. Thêm vào đó, khi Tổng thống Putin nhìn thấy các tín hiệu giảm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên thì điện Kremlin rất có thể lại đang tìm kiếm một điểm đến khác nhằm tăng cường ảnh hưởng và uy tín đối với thế giới. Đó ắt hẳn là Trung Đông.

Thêm vào đó, sự nhượng bộ của Nga vì lợi ích của Israel tại Syria cũng không ngăn cản quan hệ đối tác giữa Nga và Iran. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã tạo điều kiện cho Nga và các quốc gia châu Âu “ngồi cùng một thuyền” trong nỗ lực ngăn cản thỏa thuận này sụp đổ. Chia sẻ áp lực từ Mỹ khiến Moscow và Tehran dường như thân thiết hơn bao giờ hết vào lúc này. Đây là lý do khiến vị trí của Nga ngày càng gia tăng ảnh hưởng. Cả Nga và Iran đều cố gắng cân bằng vị trí địa chính trị không ổn định ở cả trong và xung quanh Syria. Khi xung đột Syria vẫn tiếp tục thì rất khó có thể đưa ra dự báo về một kịch bản, thậm chí chỉ trong giai đoạn ngắn.

Rõ ràng, Nga hiểu rằng, xung đột Iran và Israel là không tránh khỏi. Moscow cũng biết, Israel sẽ có phản ứng với bất kỳ động thái tấn công nào từ phía Iran nhằm bảo vệ an ninh của họ. Mặt khác, Iran sẽ không bao giờ nhượng bộ tại Syria bởi vì vị trí địa chính trị cũng như lợi ích quân sự. Tương lai về các cuộc xung đột sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian dài là có thể phỏng đoán được.

“Nga đứng ở vai trò điều tiết cân bằng cho Israel và Iran. Moscow sẽ cố gắng giữ vị trí là người chơi chính trong xung đột này giữa hai quốc gia vốn là kẻ thù của nhau về khía cạnh địa chính trị”, ông Emil Avdaliani phân tích.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/nga-mac-ket-giua-cao-trao-xung-dot-iran-va-israel-tai-syria-346177.html