Nga lo ngại khi F-35 Mỹ được trang bị tên lửa siêu thanh Mach 10

Thông qua việc tích hợp tên lửa hành trình siêu thanh HAWC cho F-35 Lightning II, chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ đã có năng lực tấn công tầm xa cực kỳ lợi hại.

Hiện nay khả năng tấn công mặt đất - mặt nước của tiêm kích tàng hình F-35 thông qua tên lửa tầm xa là vấn đề gây đau đầu cho giới chức quốc phòng Mỹ.

Vũ khí tối ưu để F-35 tấn công mặt đất mà không làm tăng diện tích phản xạ radar dẫn đến mất tính tàng hình là bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB chỉ có tầm xa 110 km khi ném đi ở độ cao và vận tốc tối ưu.

Còn nếu muốn nâng cao mức độ hủy diệt thì F-35 sẽ phải mang vũ khí treo ngoài, điều này khiến cho nó bị lộ diện trên màn hình radar trong khi tầm xa cũng chẳng khá hơn bom GBU-39 SDB bao nhiêu.

Nhìn sang chiếc Su-57 của Nga, mặc dù đi sau và vẫn chưa hoàn thiện nhưng xét về năng lực tấn công mặt đất thì nó lại được đánh giá là đã qua mặt F-35 của Mỹ.

Sở dĩ có nhận xét trên là bởi Su-57 đã có khả năng tấn công mục tiêu mặt đất - mặt nước thông qua tên lửa hành trình tầm xa, đó chính là tên lửa Kh-59MK2 mới thử nghiệm thành công.

Vũ khí này có kích thước rất nhỏ gọn, nhét vừa vào khoang vũ khí trong thân của Su-57, khiến chiến đấu cơ thế hệ 5 của Nga phá hủy được mục tiêu cách xa hàng trăm km mà không bị lộ diện trên màn hình radar.

Sau khi Nga công bố đoạn video thử nghiệm tên lửa Kh-59MK2 trên tiêm kích tàng hình Su-57 khi chiếc chiến đấu cơ này được đưa sang Syria thử lửa đã gây tiếng vang rất lớn.

Mặc dù vậy người Mỹ không dễ dàng chịu thua khi họ đã âm thầm phát triển một vũ khí cực kỳ lợi hại để tích hợp cho tiêm kích tàng hình F-35, đó là tên lửa siêu thanh HAWC (Hypersonic Air-Breath Weapon Concept).

Cần lưu ý rằng hiện nay vấn đề tích hợp tên lửa hành trình siêu thanh cho máy bay tiêm kích đang là xu thế được nhiều cường quốc quân sự theo đuổi, điển hình là tên lửa Kh-47M2 Kinzhal cho MiG-31K của Nga hay Rampage cho F-15I và F-16I của Israel.

Không chỉ có ý định tích hợp tên lửa Kh-47M2 Kinzhal cho MiG-31K, Nga còn rất muốn đưa vũ khí này lên tiêm kích tàng hình Su-57 bất chấp việc nó sẽ phải treo ngoài và làm tăng diện tích phản xạ radar.

Tuy nhiên ý định của người Nga chưa thể thực hiện được vì Kh-47M2 Kinzhal có kích thước và trọng lượng quá lớn, vượt xa khả năng chịu đựng của Su-57 kể cả ở mấu cứng hạng nặng chính giữa thân.

Chính vì vậy khi Mỹ đưa được tên lửa hành trình siêu thanh HAWK lên tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II thì có thể nói họ đang tạm thời vượt lên trước Nga trong cuộc chạy đua vũ trang.

Tập đoàn Lockhedd MArtin mới đây cho biết, tên lửa siêu thanh HAWC sẽ sẵn sàng ngay cuối năm 2019, nó có khả năng đạt tốc độ bay tới Mach 10 và mỗi tiêm kích F-35C có thể mang theo 2 đạn tên lửa ở dưới cánh.

Nhà sản xuất chưa công bố cụ thể tên lửa HAWC có thể mang theo đầu đạn loại gì và khối lượng là bao nhiêu nhưng tầm bắn của nó được ước tính sẽ không dưới con số 300 km.

Ngoài F-35 Lighitning II, trong tương lai nhiều dòng máy bay chiến đấu khác của Mỹ như F/A-18E/F Super Hornet, P-8A Poseidon hay các oanh tạc cơ B-1 Lancer hoặc B-52H cũng sẽ được trang bị vũ khí này.

Đây chính là câu trả lời rõ ràng nhất của Mỹ trước Nga nhằm chứng minh vị thế cường quốc quân sự hàng đầu thế giới của mình.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-lo-ngai-khi-f35-my-duoc-trang-bi-ten-lua-sieu-thanh-mach-10/810237.antd