Nga liên tiếp đón tin vui năng lượng

Nga sắp thông dòng đường ống khí đốt với Trung Quốc, liên tiếp đón tin vui.

Sputnik đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị khai trương đường ống khí đốt mới "Sức mạnh của Siberia" vào ngày 2/12 thông qua một cầu truyền hình trực tiếp.

Đường màu xanh lá cây "Sức mạnh Siberia" trên bản đồ. Ảnh: Sputnik

Đường màu xanh lá cây "Sức mạnh Siberia" trên bản đồ. Ảnh: Sputnik

Mạng lưới đường ống dẫn khí dài 4.000 km, có khả năng vận chuyển tới 61 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm, bao gồm 38 tỷ để mét khối khí xuất khẩu sang Trung Quốc trong vòng 30 năm tới.

"Sức mạnh Siberia" được quảng cáo là một dấu ấn quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển giữa Nga và Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất thế giới trong khi nhà cung cấp năng lượng hàng đầu thế giới là Nga gần đây cũng đã tích cực phát triển mở rộng thêm các dự án của mình.

Ban đầu, dự án được lên kế hoạch khai trương vào giữa tháng 11 nhưng đã bị dời sang tháng 12. Ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Đây là một dự án chiến lược hợp tác Nga-Trung trong lĩnh vực năng lượng. Dự án vô cùng quan trọng trong tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước. Nhờ những nỗ lực của cả hai quốc gia, dự kiến đường ống sẽ được vận hành và việc cung cấp khí đầu tiên sẽ bắt đầu vào tháng 12".

Tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện tại dự án "Sức mạnh Siberia" của Gazprom và Tập đoàn Trung Quốc.

Vào tháng 5/2014, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPS) đã ký một thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD về việc tạo ra một hệ thống đường ống mới và to lớn để cung cấp khí đốt của Nga cho vùng đông bắc Trung Quốc.

Đường ống này sẽ cung cấp khí đốt từ hai mỏ khí phía đông Siberia: Chayandinsky ở Yakutia và Kovyaktinsky ở khu vực Irkutsk (dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2021).

Không chỉ là "Sức mạnh Siberia", Gazprom và công ty Trung Quốc hiện cũng đang đàm phán việc cung cấp khí đốt thông qua một tuyến đường phía tây, được đặt tên là "Sức mạnh Siberia-2", có khả năng chạy từ phía tây Siberia đến Novosibirsk và biên giới Nga-Trung. Một dự án chung khác sẽ bao gồm việc cung cấp khí đốt thông qua tuyến đường Viễn Đông từ mỏ Sakhalin.

Đầu năm nay, Gazprom đã công bố các kế hoạch đầy tham vọng là chiếm hơn 1/4 lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2035, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thúc đẩy nhu cầu năng lượng sạch thay thế nhiệt điện than.

Lợi nhuận từ việc bán khí đốt có thể tài trợ cho việc phát hiện và phát triển các mỏ khí mới ở Nga. "Sức mạnh Serbia" cũng sẽ cung cấp nguồn lực cho nhà máy chế biến Amur Gas sắp tới sẽ sớm có doanh nghiệp sản xuất helium lớn nhất thế giới.

Khí đốt từ "Sức mạnh Siberia" cũng có thể được Nga sử dụng để tăng vị thế của mình trên thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu. Các công ty Nga hiện đang cân nhắc xây dựng một nhà máy LNG mới ở Vladivostok, có thể sử dụng khí đốt tự nhiên được bơm qua đường ống mới từ Siberia. Sản phẩm LNG dự kiến sẽ được bán cho các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Điều đặc biệt là đường ống dẫn khí sẽ chạy qua các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, bao gồm mức tối thiểu dự kiến là -62 độ С ở khu vực Yakutia, nơi được cho là một trong những nơi lạnh nhất trên Trái Đất. Tất cả các đường ống được sử dụng để xây dựng "Sức mạnh Siberia" đều được sản xuất tại Nga, có thể giải quyết các điều kiện thời tiết khắc nghiệt với sự trợ giúp của các vật liệu nanocompozit đã được sáng tạo để cung cấp khả năng chống ăn mòn cao.

Dự án "Sức mạnh Siberia" sắp được khai trương sẽ là một tin vui mới cho ngành năng lượng Nga. Hơn một tháng nữa, Gazprom cũng sẽ bắt đầu khởi động dự án đường ống dẫn khí đốt Turk Stream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) chạy dưới Biển Đen, bơm khí đốt Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó chuẩn bị lộ trình 2 của đường ống là bơm khí đốt Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ sang các nước Đông Nam châu Âu.

Clip về đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia:

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-lien-tiep-don-tin-vui-nang-luong-3392551/