Nga lập căn cứ hải quân Tartus, khống chế Địa Trung Hải

Việc Nga lập 2 căn cứ không quân và hải quân ở Hmeymim và Tartus ở Syria là động thái vô cùng bất ngờ. Đằng sau nó ẩn chứa những gì?

Nga lập căn cứ thường trực tại Tartus, Hmeymim

Hôm 10/10, khi phát biểu tại phiên điều trần ở Hội đồng Liên bang, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov nói rằng, Nga sẽ lập căn cứ hải quân trên cơ sở thường trú tại Tartus, Syria. Những tài liệu có liên quan đã được Bộ quốc phòng nước này chuẩn bị xong.

Các tài liệu này hiện đang trải qua các thủ tục phê duyệt và thảo luận kế hoạch phối hợp liên bộ. Bộ quốc phòng Nga tin rằng, tài liệu sẽ nhanh chóng được phê duyệt, ngay sau khi kế hoạch triển khai lực lượng không quân vĩnh viễn tại Syria cũng đã được triển khai.

Thứ trưởng Pankov nói tại cuộc họp của Ủy ban Quốc tế Hội đồng Liên bang Nga rằng, phía Nga tin tưởng rằng, bộ tài liệu này sắp tới sẽ được nước bạn nhanh chóng phê chuẩn và triển khai thực tế.

Niềm tin của vị quan chức quốc phòng Nga là có cơ sở khi ở Syria hiện nay, từ các quan chức cho đến người dân đang hào hứng bàn tán về các vấn đề liên quan đến việc thành lập căn cứ hải quân thường trực của Nga tại Tartus.

Ngày 10/10, người đứng đầu bộ phận thông tin thuộc Vụ chính trị của quân đội Syria là tướng Samir Suleiman cho biết, việc thành lập căn cứ hải quân thường trực của Nga tại Tartus là đúng đắn, xuất phát từ việc các tổ chức khủng bố đang được các thế lực ngoại bang tăng cường hỗ trợ.

Vị tướng Syria nhấn mạnh, sự hỗ trợ những kẻ khủng bố của các thế lực nước ngoài đang ngày càng gia tăng, cho phép chúng có khả năng tiếp tục leo thang chiến tranh lâu dài. Do đó, việc duy trì lực lượng quân thường trực Nga ở Syria đã trở thành yêu cầu cấp bách.

Để chống lại khủng bố và các thế lực hỗ trợ chúng gồm một số nước trong và ngoài khu vực, cần thiết phải tăng cường mức độ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là việc thành lập căn cứ quân sự Nga ở Syria, gồm cả căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim - vị tướng Syria nhấn mạnh.

Nga đã quyết định hiện diện thường trực không quân và hải quân ở Syria

Tổng thống Syria Assad cũng cho rằng, sự hiện diện của Nga tại cảng Tartus của Syria, nằm ở phía Đông Địa Trung Hải và cả những khu vực khác nhau trên thế giới, là điều cần thiết để duy trì trạng thái cân bằng Nga-NATO, đã bị suy yếu sau sự sụp đổ của Liên Xô hơn 20 năm trước đây.

Ngoài căn cứ hải quân Tartus, Quốc hội Nga cũng đã phê chuẩn Hiệp định do Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình về việc triển khai vô thời hạn cụm không quân, thuộc lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) ở sân bay Hmeymim, thuộc tỉnh Latakia của Syria.

Nếu xây dựng được cả căn cứ không quân và hải quân ở ven bờ Địa Trung Hải, Nga có thể thành lập một hạm đội hải quân, với đầy đủ máy bay và tàu chiến, đủ khả năng đối phó với bất cứ thách thức nào từ lực lượng quân sự Mỹ-NATO.

Thế nhưng nguyên nhân gì khiến quyết định lập 2 căn cứ này được Nga đưa ra cực kỳ nhanh chóng và đầy bất ngờ như vậy?

Yêu cầu cấp bách của việc lập căn cứ quân sự ở Syria

Thứ nhất: Quan hệ sống còn giữa căn cứ Nga và chính quyền Assad

Việc ký kết hiệp định thường trú và xây dựng căn cứ quân sự ở Syria trước hết là nhằm mục đích lập chỗ đứng chân chắc chắn ở Địa Trung Hải, sau nữa là bảo vệ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - đồng minh duy nhất của Nga ở khu vực này.

Vị thế quan trọng của các căn cứ quân sự Nga ở Địa Trung Hải

Hơn 20 năm qua, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, phương Tây đã “làm cỏ” dần đồng minh hoặc các nước có thiện cảm với Liên Xô cũ. Lần lượt Nam Tư, Apganistan, Iraq, Lybia… bị Mỹ và NATO tiêu diệt; hiện giờ Syria, Iran... cũng đang nằm trong tầm ngắm trực tiếp.

Hiện nay, Nga chỉ có đồng minh duy nhất là Syria, và cũng là nước duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự ở khu vực Trung Đông. Sự tồn tại của Syria là điều mang tính biểu tượng đối với Moscow. Một khi đã mất chỗ đứng chân cuối cùng, đến bao giờ Nga mới lại khôi phục được địa vị của mình ở đây?

Vận mệnh của Syria và sự tồn tại căn cứ quân sự của Nga có mối quan hệ biện chứng với nhau. Để giữ vững chính quyền Syria, trước hết Nga phải hiện diện quân sự đầy đủ và mạnh mẽ ở đây và ngược lại, để những căn cứ này được bảo đảm tương lai vững chắc, Nga phải bảo vệ được chính quyền Assad.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nga-lap-can-cu-hai-quan-tartus-khong-che-dia-trung-hai-3320590/